UKVFTA: Thêm nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu càphê sang Anh

Mức tăng trưởng thương mại nông sản nói chung và với mặt hàng càphê của Việt Nam nói riêng năm 2022 dự báo khả quan khi kinh tế của Vương Quốc Anh phục hồi.
UKVFTA: Thêm nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu càphê sang Anh ảnh 1Kon Tum xây dựng thương hiệu càphê xứ lạnh. (Ảnh: TTXVN)

Thị phần càphê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Vương quốc Anh giảm từ 23,03% năm 2020, xuống còn 17,04% năm 2021.

Do vậy, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường này.

Xuất khẩu càphê sang Anh mới chiếm 17,04% thị phần

Dẫn số liệu từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết năm 2021, Vương quốc Anh nhập khẩu càphê đạt 203,38 nghìn tấn, trị giá 945,56 triệu USD, giảm 12,7% về lượng và giảm 6,2% về trị giá so với năm 2020.

Năm 2021, giá nhập khẩu bình quân càphê vào Anh đạt mức 4.649 USD/tấn, tăng 7,5% so với năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân càphê từ hầu hết nguồn cung chính tăng, ngoại trừ Indonesia. Mức tăng giá cao nhất 18,6% từ Colombia; mức tăng giá thấp nhất 6,7% từ Việt Nam.

[UKVFTA: 'Đường cao tốc' thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam-Anh]

Nhập khẩu cà phê của Vương quốc Anh từ Việt Nam trong năm 2021 giảm 35,5% về lượng và giảm 31,1% về trị giá so với năm 2020, đạt 34,65 nghìn tấn, trị giá 66,16 triệu USD. Thị phần càphê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Vương quốc Anh giảm từ 23,03% năm 2020, xuống còn 17,04% năm 2021.

Cũng theo Bộ Công Thương, trong hai năm (2020 và 2021) nhập khẩu càphê của Vương quốc Anh có xu hướng giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chủ yếu ảnh hưởng đến phân khúc càphê ngoài gia đình và ở Vương quốc Anh vẫn phổ biến văn hóa uống trà tại nhà.

Thị hiếu tiêu dùng càphê ở Vương quốc Anh có sự khác biệt rõ ràng so với các nước châu Âu khác. Càphê hòa tan là chủng loại càphê được người tiêu dùng Anh ưa chuộng nhất. Các thương hiệu càphê hòa tan hàng đầu tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn so với các nhãn hiệu càphê mới xay của họ.

Mức tăng trưởng thương mại nông sản nói chung và với mặt hàng càphê nói riêng năm 2022 dự báo khả quan khi kinh tế Anh phục hồi cộng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam và sự tiếp sức, hướng dẫn của các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Tận dụng cơ hội từ UKVFTA

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, Chính phủ Anh đã chủ động thực hiện chiến lược thương mại “Nước Anh toàn cầu” (Global Britain) nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Vương quốc Anh cũng sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức “có đi có lại” với các đối tác nước ngoài thông qua các FTA, đồng thời, thúc đẩy đàm phán các FTA với 19 quốc gia hoặc Liên minh các quốc gia, trong đó tập trung ưu tiên các đối tác thương mại lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Chủ trương kế thừa toàn bộ các FTA của EU đang có hiệu lực trên cơ sở đồng thuận với bên ký kết của các FTA này trong đó có FTA Việt Nam-EU (EVFTA).

UKVFTA: Thêm nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu càphê sang Anh ảnh 2Càphê được người dân thu hái khi chín trên 85%. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, Anh cũng quyết tâm gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng nghĩa với việc Anh sẵn sàng mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của 11 nước thành viên tham gia Hiệp định này để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp Anh. Khi đó, nhiều sản phẩm Việt Nam tại thị trường Anh sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh đến từ các nước CPTPP.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, việc thực thi Hiệp định UKVFTA đã phần nào giúp hai bên vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra và là một trong các yếu tố giúp giảm bớt gánh nặng cho cả hai nền kinh tế khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

“Đây là một trong những Hiệp định mà chúng ta đã có những bước chuẩn bị kỹ trước đó và đã có Kế hoạch hành động mang tính tổng thể được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, Việt Nam và Vương quốc Anh cũng đã thiết lập những cơ chế trao đổi thường xuyên để giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình thực thi,” ông Lương Hoàng Thái nói.

Còn theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản, rau quả của Việt Nam đã lên kệ tại các siêu thị của Vương quốc Anh, song doanh nghiệp cần đầu tư nâng cao thương hiệu của mình để khẳng định chỗ đứng tại thị trường này.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại. Trong đó, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Anh, châu Âu, cũng như tích cực chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn.

Đặc biệt, phải chủ động được công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Anh.

Riêng đối với mặt hàng càphê, thị trường Anh có tính cạnh tranh rất cao với nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều nước. Để xuất khẩu càphê sang Anh ổn định, ngành càphê Việt Nam cần đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe cũng như phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân Anh./.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp ngành càphê nói riêng mở rộng thị phần tại thị trường này, trong thời gian tới, ngoài công tác thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Anh và Ireland.

Dự kiến, trong quý 4/2022, Thương vụ Việt Nam tại Anh sẽ tham dự hội thảo và triển lãm Food & Hospitality Ireland 2022 tại Hội trường Royal Dublin Society nhằm xúc tiến thương mại nông sản, bánh kẹo, thực phẩm chế biến, đồ uống của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Anh.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục