Ứng viên tổng thống Emanuel Pastreich và trăn trở về chính trị Mỹ

Giáo sư Emanuel, người ứng cử vào vị trí tổng thống Mỹ với tư cách ứng viên độc lập, đã có chia sẻ về quyết định của bản thân và những trăn trở về nước Mỹ đang gặp nhiều khó khăn trong đại dịch.
Ứng viên tổng thống Emanuel Pastreich và trăn trở về chính trị Mỹ ảnh 1Giáo sư Emanuel Pastreich. (Nguồn: Vietnam+)

Giáo sư Emanuel Pastreich được biết đến là một chuyên gia hàng đầu về Đông Á tại Mỹ. Thành thạo sáu ngôn ngữ bao gồm cả tiếng Trung, tiếng Hàn, và tiếng Nhật, ông đặc biệt năng nổ trên các diễn đàn tri thức, kinh tế, chính trị và văn hóa ở Đông Á.

Sau nhiều năm hoạt động học thuật và chính trị, ông trở thành một trí thức có nhiều ảnh hưởng đối với những vấn đề chính trị của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Tuy nhiên, rất ít người có thể tưởng tượng Giáo sư Emanuel, một nhà nghiên cứu dành phần lớn sự nghiệp của mình giảng dạy ở các trường Đại học châu Á, lại tuyên bố ứng cử vào vị trí tổng thống với tư cách ứng viên độc lập.

Ông tuyên bố ra tranh cử trong một thời điểm đặc biệt của lịch sử chính trị Mỹ. Khi mà, một mặt, các triệu phú và tỷ phú lưỡng đảng lợi dụng chiến dịch tranh cử tổng thống như một phương tiện để củng cố sự giàu có hoặc để phát triển thương hiệu cá nhân. Hoạt động của họ là để củng cố mối quan hệ chặt chẽ giữa các tập đoàn và chính giới hơn là vì cộng đồng và lợi ích người dân.

Mặt khác, các công ty truyền thông lớn của Mỹ, theo Giáo sư Emanuel, đang cố tình đi ngược giới hạn của đạo đức nghề nghiệp.

Họ tập trung vào những câu chuyện đầy cảm xúc, dồn sự chú ý vào ứng viên tổng thống lưỡng đảng, ngợi ca sự nhân từ, hào phóng của các công ty, chính trị gia, và làm ngơ trước sự tham lam của các công ty và đại tập đoàn.

[Bầu cử Mỹ 2020: Đảng Cộng hòa khởi kiện bang California]

Những bê bối nghiêm trọng và hiển nhiên nhất lại bị lờ đi. Điển hình là vụ tháng 3/2020, các thượng nghị sỹ và đại diện Lưỡng đảng bao gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Thượng nghị sỹ Kelly Loeffler, Thượng nghị sỹ Dianne Feinstein, Thượng nghị sỹ Ron Johnson và Thượng nghị sỹ Jim Inhofe, đã thu lợi hàng chục triệu USD từ giao dịch nội gián cổ phiếu ngay trước khi công bố tình hình dịch bệnh cho công chúng.

Làm việc chủ yếu ở các Đại học, Giáo sư Emanuel hiển nhiên không có tiền để đầu tư cho hoạt động tranh cử.

Ông cũng bị hai đảng chính trị lớn của Mỹ đưa vào danh sách đen, ít được các phương tiện truyền thông chính thống để ý.

Nhà nghiên cứu Sarah Bregman, tốt nghiệp Đại học Harvard, chuyên ngành Nhân học, kinh tế chính trị, hiện làm việc tại Học viện Ngoại giao, Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Emanuel Pastreich.

- Điều gì đã khiến ông quyết định đứng ra tranh cử tổng thống vào thời điểm này?

Giáo sư Emanuel Pastreich: Bình thường, tôi sẽ không bao giờ làm như vậy. Chạy đua cho vị trí Tổng thống đã thành một trò chơi mạo hiểm của những chính trị gia chấp nhận bán mình. Trò chơi đó không dành cho một học giả như tôi.

Song, phải thành thực thừa nhận tôi không đành lòng thấy hệ thống chính trị hiện tại của Mỹ đang dần sụp đổ. Người dân Mỹ đang phải đối mặt với rất nhiều bất an. Xã hội Mỹ đang trải qua sự hỗn loạn về kinh tế và văn hóa chưa từng có trong lịch sử.

Năm ngoái, trong khi làm việc tại Washington DC về chính sách châu Á, tôi đã thấy rõ sự sụp đổ của hệ thống chính sách Mỹ. Sự sụp đổ này không liên quan nhiều đến Tổng thống Donald Trump, mà là kết quả của sự suy đồi đạo đức, lòng tự kiêu mù quáng của giới tinh hoa Mỹ mà ít người có can đảm nói ra. Đối diện với những bê bối chính trị ở Washington DC, giữa lúc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đang chơi trò “đánh trận giả” chuẩn bị cho đợt bầu cử tổng thống tới đây, tôi vẫn thấy le lói chút hy vọng.

Chút hy vọng là truyền thống đáng tự hào còn sót lại của những George Washington, Abraham Lincoln, Henry Wallace, Adlai Stevenson, Frederick Douglass, và John F. Kennedy.

Cuộc khủng hoảng khủng khiếp đang diễn ra ở Mỹ có thể là một cơ hội, để làm sống lại những truyền thống tốt đẹp nhất của chúng ta.

- Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, ông tập trung nhiều vào việc phê phán các phương tiện truyền thông và báo chí Mỹ. Cách tiếp cận này hoàn toàn khác với các ứng viên khác. Tại sao lại như vậy?

Giáo sư Emanuel Pastreich: Các chuyên gia và chính trị gia ngày nay, cho dù họ tự gọi mình là người tiến bộ hay bảo thủ, tất cả đều cạnh tranh với nhau nhằm giành lấy sự chú ý của truyền thông đại chúng

Họ tránh các chủ đề nhạy cảm và cúi thấp đầu để làm hài lòng những người giàu có và quyền lực, các ông chủ thực sự của các công ty truyền thông. Nếu các ông chủ này hài lòng, họ sẽ được giới truyền thông chú ý và đánh bóng tên tuổi.

Ứng viên tổng thống Emanuel Pastreich và trăn trở về chính trị Mỹ ảnh 2Sơ đồ các nhóm và tổ chức chi phối hoạt động truyền thông của Mỹ (Dựa trên nghiên cứu của Nhóm nghiên cứu chính sách Thuỵ Sĩ Swiss Policy Research (SPR) công bố năm 2017).

Truyền thông đại chúng ở Mỹ là một cây nam châm hút lợi nhuận khổng lồ cho các tập đoàn và ngân hàng bằng cách tước bỏ những quyền chính đáng nhất của người dân Mỹ - quyền “hiểu những gì đang xảy ra trên đất nước này.”

Ngay cả khi báo chí tự do được bảo vệ bởi hiến pháp, song không có điều luật nào có thể bảo vệ báo chí tự do khỏi ràng buộc tiền bạc và lợi ích cá nhân.

Nhiều người cho rằng các phương tiện truyền thông đại chúng đang nắm quá nhiều quyền lực để nâng đỡ hoặc vùi dập bất cứ ai.

Truyền thông có thể vu khống bất kỳ ai hoặc có thể xí xóa đi nhiều bê bối chính trị, bởi họ biết rằng sẽ không có ai dám đứng lên chống lại họ.

Theo tôi, trừ khi chúng ta cải cách nền báo chí Mỹ và bắt đầu thảo luận với nhau dựa trên tinh thần thực chứng và khoa học, sẽ không có bất kỳ tương lai nào cho Mỹ hết.

- Ngay cả những ứng cử viên “đã từng độc lập” như Bernie Sanders, người được giới tài phiệt Mỹ hậu thuẫn và tài trợ một số tiền khổng lồ, cũng đã bị buộc phải ngừng chiến dịch tranh cử, nhường đường cho Joe Biden của Đảng Dân chủ. Thiếu vắng những hỗ trợ như vậy, giáo sư dựa vào đâu để có thể tin rằng bản thân sẽ trở thành một ứng viên Tổng thống độc lập đáng được mọi người chú ý?

Giáo sư Emanuel Pastreich: Chà, nếu yêu cầu để trở thành ứng cử viên tổng thống là phải có sự ủng hộ của những người giàu có, được đế chế truyền thông đặt vào tâm điểm, thì rõ ràng tôi không đủ tư cách.

Nhưng Hiến pháp Mỹ, vốn luôn luôn là kim chỉ nam của chúng tôi, không hề nói rằng tiền bạc và quyền lực là điều kiện tiên quyết để trở thành ứng viên tổng thống.

Tôi cho rằng nếu các ứng cử viên khác đang nhận tiền từ các ngân hàng đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia, hoặc giới siêu giàu để chi trả cho chiến dịch tranh cử, thì họ mới là người không đủ tư cách.

Nếu chúng ta có thể tuân theo Hiến pháp và lấy lại lợi ích cộng đồng làm trung tâm thì đây sẽ là một cuộc bầu cử thực sự khác biệt. Sự chuyển đổi đó, hơn cả sự nghiệp cá nhân của tôi, là điều quan trọng nhất tôi muốn thấy ở Mỹ.

Tôi đã may mắn nhận được một nền giáo dục tuyệt vời ở Harvard và Yale; được tìm hiểu về lịch sử và văn hóa theo cách mà hầu hết công dân khác không có cơ hội để làm. Bây giờ là cơ hội của tôi để làm hết sức mình cho những người không có lợi thế đó.

- Khi cuộc khủng hoảng COVID-19 leo thang tại Mỹ, người dân đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp chưa từng có cùng với suy thoái kinh tế nặng nề. Do đó, chính sách kinh tế đã nổi lên như một vấn đề quan trọng đối với nhiều người trong mùa bầu cử này. Ông có thể cho chúng tôi một số chi tiết về cách ông sẽ tiếp cận các chính sách kinh tế?

Giáo sư Emanuel Pastreich: Điều đầu tiên và quan trọng nhất để mang lại tự do kinh tế cho người lao động là chúng ta phải quản lý chặt chẽ các ngân hàng và các tập đoàn đa quốc gia.

Tôi không muốn thấy họ tiếp tục thao túng nền kinh tế, đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào bước đường phá sản, làm giàu thêm cho các tỷ phú vốn đã rất giàu.

Chúng ta đều biết tính từ những ngày đầu của dịch bệnh cho đến ngày 22/5, 434 tỷ USD đã được chuyển vào tài khoản ngân hàng của giới siêu giàu trong khi nhiều người dân cùng các doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với tình trạng phá sản và đói khát. Tình trạng này phải kết thúc và nó phải kết thúc ngay bây giờ.

Các ngân hàng và cơ sở hạ tầng đã từng chịu sự chi phối của cộng đồng (public monopolies) hoặc phải được quản lý nghiêm ngặt ở Mỹ trước những năm 1970. Tôi muốn họ phải chịu sự quản lý nghiêm ngặt của chính phủ và giám sát của cộng đồng trong thời gian tới đây.

Các tập đoàn sản xuất khai thác năng lượng khoáng sản cũng đã buộc chúng ta phải phụ thuộc vào dầu. Song họ cũng chính là những người gây nên sự sụp đổ thảm khốc về giá dầu trong một nỗ lực thôn tính lẫn nhau.

Chúng ta phải tạo ra một nền kinh tế độc lập khỏi dầu mỏ, duy trì quản lý nhà nước, thậm chí quốc hữu hóa các công ty đang khai thác năng lượng và khoáng sản của Mỹ.

Tiếp đến, tôi muốn kiểm soát hoạt động của thị trường chứng khoán, chấm dứt tình trạng đầu cơ. Nền kinh tế nên vận hành vì lợi ích lâu dài của đất nước. Người dân có thể tiết kiệm cho tương lai của chính mình mà không bị buộc phải trở thành con nợ của các nhà đầu cơ thị trường chứng khoán.

Chính phủ phải tham gia vào sự chuyển đổi này. Chúng tôi sẽ xây dựng một chính phủ độc lập khỏi những người giàu và những ngân hàng. Một chính phủ có thể bãi nhiệm cũng như truy tố những kẻ bóc lột tầng lớp lao động Mỹ.

Một khi chúng ta có một chính phủ có thể đứng lên bảo vệ người dân, truy bắt những kẻ trốn thuế và đầu cơ thì chúng sẽ không thể chạy trốn trước pháp luật.

- Tổng thống Trump đặc biệt chỉ trích những người cấp tiến, gọi họ là “giới tinh hoa toàn cầu” (global elities), trong khi những người cấp tiến chỉ trích những người bảo thủ vì chủ nghĩa dân tộc bài ngoại của họ. Khi COVID-19 đang tàn phá dữ dội, chủ nghĩa “Mỹ ngoại lệ” cùng với việc Mỹ đánh mất lòng tin của các đồng minh đang góp phần quan trọng dẫn đến thương vong thảm khốc của người dân hiện nay (với hơn 100 ngàn người thiệt mạng). Chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế là một trong những điểm yếu lớn nhất của nước Mỹ dưới thời ông Trump. Ông dự định sẽ giải quyết chính sách đối ngoại như thế nào?

Giáo sư Emanuel Pastreich: Chính sách đối ngoại của Mỹ ngày nay hoàn toàn bỏ qua các mối đe dọa quan trọng nhất đối với an ninh của nhân loại. Thay vào đó, họ tìm cách gây ra xung đột quân sự và làm mọi cách để thoả mãn cơn khát dầu mỏ cùng tài nguyên thiên nhiên. Với tôi, điều này hết sức không bình thường.

Chúng ta, những người Mỹ, cần phải hợp tác với các đối tác trên khắp thế giới, tập trung vào việc ứng phó với hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu, ủng hộ tinh thần của chủ nghĩa quốc tế chân chính chứ không phải chủ nghĩa toàn cầu hoá nguy hiểm.

Chúng ta cần phải thúc đẩy hòa bình, cắt giảm vũ khí trong nỗ lực tránh khỏi chiến tranh hạt nhân và Thế chiến. Chúng ta cũng phải nhận thức được rằng sự tập trung của cải toàn cầu vào tay thiểu số người khiến việc quản trị xã hội trở nên khó khăn hơn đối với chính quyền của mọi quốc gia.

Đáng buồn thay, phần lớn chính sách đối ngoại của Mỹ ngày nay là về các hiệp định tự do thương mại, các thỏa thuận đầu tư, hợp đồng khai thác nhiên liệu hóa thạch, và bán vũ khí. Tất cả điều này đều cần phải thay đổi, và phải thay đổi hoàn toàn.

- Các nhà quan sát về vai trò của Mỹ ở Đông Á đã chỉ ra rằng: có bằng chứng về việc chính sách hiện tại của Mỹ tập trung nhiều hơn đến an ninh năng lượng và an ninh kinh tế. Quan điểm của ông là gì? Làm thế nào ông có thể cân bằng an ninh quốc gia và đồng thời duy trì hợp tác quốc tế?

Giáo sư Emanuel Pastreich:Chính phủ tồn tại để đảm bảo an ninh của công dân. Tôi không phải là người theo chủ nghĩa hòa bình ngây thơ. Tôi nghĩ rằng các quốc gia cần phải có khả năng tự vệ nhất định. Các biện pháp an ninh ngày nay, tuy nhiên, lại không liên quan nhiều tới an ninh. Thay vào đó, các doanh nhân Mỹ lại là người đứng sau, giật dây những xung đột không cần thiết trên khắp thế giới để bán vũ khí. Họ chính là người ép các thanh niên của chúng ta ra nước ngoài làm lính đánh thuê, làm giàu cho bọn họ.

Mỹ cần phải ủng hộ một tầm nhìn cho tương lai dựa theo tinh thần quốc tế của Hiến chương Liên hợp quốc. Cho dù rằng tinh thần đó đã bị chôn vùi, nhưng nó không hề chết. Chúng ta, nước Mỹ, cần phải tập trung vào việc hợp tác toàn cầu, đặt việc ứng phó với biến đổi khí hậu làm trung tâm. Việc ứng phó này không phải là một chiêu trò quảng cáo cho chiến dịch tranh cử . Nó phải buộc chúng ta phải thay đổi hoàn toàn văn hóa của chúng ta, để quay lại với lối sống tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững, theo đuổi các giá trị tinh thần. Chúng ta phải tránh xa lối sống tiêu dùng và sự khai thác kiệt quệ nguồn lực tự nhiên.

- Cuộc khủng hoảng COVID-19 cho thấy có vẻ Mỹ đang thoái lui khỏi vai trò tích cực giải quyết những vấn đề toàn cầu. Nếu như Mỹ và các nước có thể hợp tác được với nhau hiệu quả hơn, đặc biệt trong việc chia sẻ thông tin về virus như cách các nhà khoa học đang chia sẻ với nhau tài liệu nghiên cứu như hiện nay, thì khủng hoảng của Mỹ sẽ bớt trầm trọng hơn rất nhiều. Gần đây, nhiều người Mỹ thuộc các tầng lớp khác nhau đều cố gắng tìm cách phủ định và bác bỏ sự tồn tại và hậu quả của COVID-19. Theo giáo sư, chúng ta cần phải làm gì sau cuộc khủng hoảng này?

Giáo sư Emanuel Pastreich: COVID-19 là một cuộc khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên vội vàng đi đến kết luận, hoặc vội vã đưa ra những thay đổi sâu sắc trong chính sách dựa trên các báo cáo giật gân, phi khoa học xuất hiện rất nhiều trên những phương tiện truyền thông đại chúng.

Hiện giờ, chúng ta có thể chắc chắn một vài điều liên quan vấn đề sức khỏe. Đại dịch sẽ tiếp tục là một vấn đề chúng ta phải đối mặt trong tương lai. Chúng sẽ xuất hiện nhiều hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả mọi công dân đều được chăm sóc sức khỏe tốt, được tiếp cận với giáo dục ở trình độ cao, để họ có thể hiểu được vấn đề, có thể tự chăm sóc bản thân và xã hội. Chính phủ và các tập đoàn không nên đối xử với người dân như cách các ông chủ đồn điền đối đãi với gia súc.

Nếu bạn xem tin tức những ngày gần đây, có rất nhiều báo cáo gây hoang mang và mâu thuẫn về số người đã chết vì COVID-19. Người ta đang bán sự sợ hãi chứ không tập trung đưa và cập nhật thông tin khoa học, giáo dục đại chúng, hướng dẫn người dân cách thức để có thể đối phó với đại dịch.

Tôi thấy khắp nơi ở Mỹ người ta thích nói về chuyện sản xuất, mua bán, quảng cáo khẩu trang. Nhưng, trên thực tế, tăng cường hệ thống miễn dịch là điều quan trọng hơn cả. Điều đó có nghĩa là tránh ăn thực phẩm chế biến có hàm lượng đường và natri cao, ăn trái cây và rau quả tươi, tập thể dục, tránh căng thẳng và ngủ ngon.

Nhưng các phương tiện truyền thông lại im lặng về vấn đề này. Tại sao? Bởi vì chính phủ như được điều hành ngày nay không thực sự quan tâm đến sức khỏe của công dân. Hầu hết người lao động Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ăn thực phẩm chế biến tại các nhà hàng thức ăn nhanh. Con cái họ cũng phải ăn những bữa ăn không lành mạnh như vậy. Chúng ta phải bắt đầu với chăm sóc sức khỏe cơ bản nhất cho con người để có thể ngăn chặn đại dịch.

- Cuối cùng, ông có thể cho chúng tôi biết một chút về công việc hiện tại của ông không?

Giáo sư Emanuel Pastreich: Tôi hiện đang là Chủ tịch của Viện Châu Á, một nơi có thể thúc đẩy hướng đến kết nối, trao đổi tri thức, giáo dục và chính sách giữa Mỹ;và các quốc gia châu Á. Viện chúng tôi đặt trụ sở tại Washington DC.

Tôi dành sự quan tâm của mình để hiểu Đông Á từ khi học đại học bởi vì tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng khu vực này sẽ có vai trò quan trọng đối với tương lai của Mỹ.

Chính vì vậy, tôi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khi trở thành giáo sư chuyên ngành nghiên cứu châu Á, Đại học Illinois, gần Saint Louis, nơi tôi lớn lên.

Tôi đã viết nhiều về quan hệ quốc tế, kinh tế, chính trị và văn hóa bằng tiếng Anh, đồng thời, tôi viết cả bằng tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Hàn.

Tôi tin rằng chúng ta, những người Mỹ, không thể đối phó với thách thức của một châu Á đang trỗi dậy bằng chủ nghĩa bài ngoại và chủ nghĩa cô lập. Chúng ta phải hiểu rõ về châu Á và thiết lập chiến lược hòa bình hợp tác của riêng mình.

Tôi hoan nghênh tất cả mọi người - đặc biệt là các bạn trẻ ở Việt Nam và châu Á - tham gia trao đổi với chúng tôi, đóng góp những ý tưởng của các bạn vì một tương lai thịnh vượng hơn cho cả Mỹ, châu Á, và nhân loại. /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục