UNICEF: COVID-19 làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chăm sóc trẻ em

Có ít nhất 40 triệu trẻ em đã bỏ lỡ chương trình giáo dục mầm non do các biện pháp hạn chế mà nhiều nước đã triển khai nhằm phòng chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
UNICEF: COVID-19 làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chăm sóc trẻ em ảnh 1Trẻ em tại một trại tị nạn ở tỉnh Idlib, Syria. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang khiến cuộc khủng hoảng chăm sóc trẻ em trên toàn cầu lâm vào tình trạng tồi tệ hơn.

Người đứng đầu Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Henrietta Fore, đã đưa ra cảnh báo trên sau khi một nghiên cứu của Liên hợp quốc cho thấy có ít nhất 40 triệu trẻ em đã bỏ lỡ chương trình giáo dục mầm non do các biện pháp hạn chế mà nhiều nước đã triển khai nhằm phòng chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Nghiên cứu của Liên hợp quốc công bố ngày 21/7 có nội dung như chăm sóc và giáo dục trẻ em trên toàn cầu, phân tích về hậu quả của việc đóng cửa hàng loạt các dịch vụ an sinh thiết yếu dành cho trẻ em do đại dịch COVID19.

[Hàng triệu trẻ em có nguy cơ phải bỏ học toàn toàn do dịch bệnh]

Theo nghiên cứu, việc đóng cửa các trường học đã khiến các bậc phụ huynh phải tìm cách cân bằng giữa việc chăm sóc con cái với công việc được trả lương, tình huống này làm gia tăng gánh nặng đối với phụ nữ vốn là người dành thời gian chăm sóc con cái và làm việc nhà nhiều hơn 3 lần so với nam giới.

Ở những nước nghèo hơn, việc đóng cửa đã khiến cuộc sống của nhiều gia đình có trẻ nhỏ trở nên khó khăn hơn khi mà trường học là nơi cung cấp một loạt các dịch vụ bao gồm dinh dưỡng, phát triển các kỹ năng xã hội, cảm xúc và nhận thức.

Nghiên cứu của Liên hợp quốc cho thấy tại 54 nước có mức thu nhập thấp và trung bình, có khoảng 40% trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 5, không được hỗ trợ phát triển các kỹ năng xã hội, cảm xúc và nhận thức từ người lớn trong gia đình.

Sự lựa chọn duy nhất của hàng triệu cha mẹ, đặc biệt là phụ nữ làm việc ở khu vực không chính thức và không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, là mang con tới nơi làm việc.

Hiện có hơn 90% phụ nữ tại châu Phi và gần 70% phụ nữ tại châu Á làm những công việc không chính thức.

Thông qua báo cáo trên, UNICEF kêu gọi đảm bảo quyền của mọi trẻ, đó là được hưởng dịch vụ chăm sóc chất lượng và phù hợp, từ lúc sinh ra cho đến những nằm đầu đời ngồi trên ghế nhà trường.

UNICEF cũng công bố bản hướng dẫn để chính phủ và người sử dụng lao động ở các nước cải thiện các chính sách chăm sóc sức khỏe và giáo dục từ sớm cho trẻ em.

Cụ thể, các khuyến nghị bao gồm thành lập các trung tâm chăm sóc trẻ em chất lượng cao, phù hợp, có sự sắp xếp lịch trình linh hoạt để giải quyết nhu cầu của những cha mẹ làm việc, cung cấp chế độ bảo hiểm xã hội, bao gồm chuyển tiền mặt cho các gia đình làm việc trong khu vực không chính thức.

Người đứng đầu UNICEF khẳng định chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng nền tảng phát triển toàn diện ở trẻ em.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến nền tảng này bị đe dọa nghiêm trọng và tình trạng giáo dục bị gián đoạn khiến trẻ em không được hưởng dịch vụ giáo dục để có được sự khởi đầu tốt đẹp nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục