Đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn thế giới trong 1 năm qua khiến việc phòng chống dịch và kiểm soát trở thành mục tiêu hành động của nhiều nước.
Thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát thành công đại dịch và là 1 trong số ít quốc gia trên thế giới đạt được bước tiến trong phát triển vắcxin phòng chống đại dịch này.
Trung tâm Dược lý lâm sàng thuộc Trường Đại học Y Hà Nội được Bộ Y tế thẩm định là Tổ chức đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (GCP) được lựa chọn tiến hành thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm, Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội dưới sự giám sát của Bộ Y tế.
Nghiên cứu giai đoạn 1 dự kiến sẽ tiến hành tuyển chọn 120 người tình nguyện khỏe mạnh. Trước đó, vắcxin Nano Covax được thử nghiệm giai đoạn 1 trên 60 tình nguyện viên.
Những người tình nguyện trong đợt thử nghiệm vắcxin COVIVAC đợt này được chia thành 5 nhóm: 3 nhóm vắcxin không có tá chất với các mức liều 1mcg, 3mcg, 10mcg, 01 nhóm vắc xin mức liều 1mcg có bổ sung tá chất và nhóm giả dược (placebo).
Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vắcxin hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.
Dự kiến, người tình nguyện đầu tiên sẽ được tiêm vắcxin thử nghiệm vào tháng 2/2021.
Sau khi thu thập được kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 vào ngày 43 của tất cả những người tình nguyện, nếu vắcxin cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh thì sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn./.