Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển và nuôi trồng dược liệu.
Quy hoạch phát triển dược liệu được Chính phủ quan tâm, thực hiện quy hoạch tổng thể từ năm 2013. Đến năm 2021, Chính phủ ký Quyết định 1719 về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có nội dung phát triển dược liệu quý. Những chính sách khuyến khích hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của dược liệu Việt Nam và góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Xung quanh việc phát triển dược liệu và y học cổ truyền Việt Nam, ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã có những chia sẻ với báo chí để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
- Ông đánh giá tiềm năng phát triển của ngành dược liệu Việt Nam hiện nay như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Thịnh: Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng, dược liệu tự nhiên quý hiếm khá phong phú.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế và thậm chí xuất khẩu.
Bảo tồn, phát triển nguồn gene cây dược liệu quý ở Ninh Thuận
Hiện nay, nguồn dược liệu trong nước để phục vụ cho việc sản xuất các mặt hàng và cổ truyền, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Đến nay, dược liệu trong nước đã được quan tâm để nuôi trồng, tuy nhiên chúng ta vẫn phải nhập khẩu từ các nước xung quanh, đặc biệt là Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, chất lượng dược liệu của Việt Nam ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Chúng ta thường xuyên kiểm tra và giám sát phát hiện dược liệu kém chất lượng.
Trong công tác quản lý, việc kiểm định chất lượng dược liệu được làm hàng năm. Theo số liệu thống kê, chất lượng dược liệu sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh luôn đảm bảo. Với các loại thuốc được đưa vào bệnh viện sử dụng sẽ phải thông qua đấu thầu, có nguồn gốc, chất lượng mới được sử dụng chữa bệnh. Chỉ có khoảng dưới 1% dược liệu trên thị trường không đảm bảo chất lượng.
- Có nhiều thông tin liên quan đến vấn đề về cung ứng dược liệu, thuốc cổ truyền trong các đơn vị khám, chữa bệnh cũng đang thiếu. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
Ông Nguyễn Thế Thịnh: Trong thời gian qua, Cục đã tích cực thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế để tham mưu ban hành nhiều văn bản liên quan đến thanh toán thuốc bảo hiểm y tế, nhất là trong lĩnh vực thuốc y học cổ truyền.
Về công tác đấu thầu thuốc cho thấy, vấn đề giá đấu thầu dược liệu tại các cơ sở công lập đang được phê duyệt thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Nguyên nhân là do giá dược liệu phụ thuộc theo thời vụ, khi giá đấu thầu đưa ra thấp hơn giá thị trường rất nhiều thì chắc chắn rằng các cơ sở cung ứng họ không thể nào tham gia đấu thầu được, cho nên bị vướng mắc.
Nhưng gần đây chúng ta đã có những sửa đổi, có những chỉ đạo sát sao của Chính phủ nên việc cung ứng dược liệu, thuốc cổ truyền vào trong các đơn vị công lập bắt đầu được ổn định.
Trong công tác khám, chữa bệnh, nhu cầu chất lượng của dược liệu yêu cầu cao hơn, do đó giá phải tăng chứ không thể lấy giá của hiện tại so với cách đây 5 năm, 10 năm về trước. Đặc biệt, với nhiều vị thuốc phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, yếu tố giá thành cũng bị ảnh hưởng do xu thế thiếu nguồn cung trên toàn Thế giới.
Vì vậy, trong kế hoạch lâu dài, để đối trọng, chúng ta phải cần phải có đầu tư về khoa học, nghiên cứu để làm sao có những sản phẩm, tức là những loại cây trồng, dược liệu ở trong nước thay thế hàng nhập khẩu. Để làm được điều này, chúng ta cần có sự đầu tư về nghiên cứu khoa học, về vấn đề về nuôi trồng… nhằm tạo ra những sản phẩm dược liệu chất lượng, phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
- Thưa ông chúng ta đang hướng đến xuất khẩu dược liệu, vậy Việt Nam có những mặt hàng, loại thuốc nào tiềm năng để có thể xuất khẩu?
Ông Nguyễn Thế Thịnh: Về xuất khẩu dược liệu, chúng ta đang có những thế mạnh ở một số mặt hàng trọng tâm như: Quế hồi, sả, chanh, nghệ, gấc…
Riêng nghệ, Việt Nam đang ký hợp đồng xuất khẩu với Nhật, Mỹ và đang không đủ sản lượng để xuất khẩu.
Đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc.
Hiện nay, với quế, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tinh dầu thô sang Trung Quốc và một số nước khác. Theo ước tính đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 200.000 ha quế. Vùng quế trồng quế lớn nhất của Việt Nam là tại Yên Bái. Bộ Y tế đang định hướng cho một số tỉnh có điều kiện thích hợp như Quảng Nam, Cao Bằng, Lào Cai tập trung phát triển loại cây trồng này.
Trong khi đó, hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc.
Vinh danh cá nhân, tổ chức vì sự phát triển của dược liệu Việt Nam
Theo Bộ Công Thương, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều thị trường thuộc khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu-EU.
Hiện tại 22 tỉnh thành đang thụ hưởng và thực hiện sự đầu tư của Nhà nước về phát triển các cây dược liệu trọng điểm và mỗi tỉnh đang làm thí điểm khoảng 1 huyện, mỗi huyện chọn từ một vài loại dược liệu để làm sao phát triển trở thành kinh tế mũi nhọn. Sau này chúng ta trở thành những mô hình nhân rộng để phát triển.
Để khai thác hết tiềm năng của cây dược liệu cần các Bộ ngành phối hợp phát triển công nghiệp chế biến cây dược liệu, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho bà con vùng trồng. Doanh nghiệp tăng cường tham gia triển lãm quốc tế, hội trợ nhằm tìm đối tác.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu các dự án để nghiên cứu bảo tồn nguồn gene, giống cây thuốc xây dựng vườn cây quốc gia.
Xin trân trọng cảm ơn ông!