Việt Nam dự hội nghị cấp cao của LHQ về trao quyền cho phụ nữ

Ngày 14/3, Lễ khai mạc hội nghị cấp cao Khóa họp lần thứ 60 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc đã diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ).
Việt Nam dự hội nghị cấp cao của LHQ về trao quyền cho phụ nữ ảnh 1Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thay mặt cho ASEAN phát biểu tại Phiên khai mạc ngày 14/3. (Ảnh: Lê Dương/Vietnam+)

Ngày 14/3, Lễ khai mạc hội nghị cấp cao Khóa họp lần thứ 60 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc (CSW 60) đã diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), với sự tham dự của các lãnh đạo Liên hợp quốc, đại diện của chính phủ các nước thành viên Liên hợp quốc và hơn 8.000 tổ chức phi chính phủ.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự khóa họp do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam làm trưởng đoàn. Ngoài ra, tham dự khóa họp còn có Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, chủ đề thảo luận chính của khóa họp CSW 60, kéo dài từ 14-24/3, là "Trao quyền cho phụ nữ và mối liên hệ với phát triển bền vững."

Đại diện chính phủ các nước tham dự khóa họp sẽ tập trung thảo luận về cách thức tạo ra một môi trường có lợi cho việc thực thi vấn đề liên quan tới bình đẳng giới trong Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững tới năm 2030.

Tại phiên khai mạc CSW60, các lãnh đạo Liên hợp quốc đã nhấn mạnh tới những tiến bộ trong lĩnh vực bình đẳng giới mà thế giới đã đạt được, song cũng kêu gọi các quốc gia hành động nhiều hơn nữa nhằm bảo đảm các quyền cho phụ nữ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng chừng nào các quyền của phụ nữ còn bị vi phạm thì cuộc đấu tranh còn tiếp tục.

Ông Ban Ki-moon lưu ý rằng trên thế giới hiện vẫn còn bốn quốc gia không có phụ nữ trong Quốc hội và 8 quốc gia không có phụ nữ trong nội các chính phủ.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Mogens Lykketoft nhấn mạnh rằng một trong những điều kiện tiên quyết để có thể đạt được các mục tiêu của Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững tới năm 2030 là vấn đề bình đẳng giới.

Ông Mogens Lykketoft nhắc nhở các chính phủ rằng bình đẳng giới đòi hỏi hành động không chỉ với Mục tiêu thứ 5 mà với tất cả chương trình nghị sự.

Nó có thể nhấn mạnh tới những khó khăn, những cơ hội và những bước tiến hướng tới một thế giới bình đẳng giới vào năm 2030.

Thay mặt cho các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Bộ trưởng Nguyễn Thị Hải Chuyền đã có bài phát biểu tại lễ khai mạc.

Theo Bộ trưởng, ASEAN cho rằng chủ đề khoá họp năm nay về trao quyền cho phụ nữ và mối liên hệ với phát triển bền vững là rất phù hợp và đúng thời điểm. ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Những kết quả này thể hiện qua sự tham gia ngày càng nhiều của phụ nữ vào lực lượng lao động, trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội; cải thiện giáo dục; tăng cường cân bằng tỷ lệ giới tính trong dân số và củng cố các cơ chế quốc gia về công tác bình đẳng giới tại các nước ASEAN.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Hải Chuyền cũng đã điểm lại những dấu mốc đáng chú ý và các hoạt động tích cực của ASEAN trong lĩnh vực bình đẳng giới và bảo vệ các quyền của phụ nữ, trẻ em gái trong năm 2015 vừa qua, đồng thời khẳng định ASEAN đề cao vai trò quan trọng của CSW như một diễn đàn để các nước tăng cường chia sẻ nhận thức, kinh nghiệm, bài học về bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. (Xem toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng tại đây).

ASEAN tái khẳng định cam kết thực hiện Công ước về Xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh; tiếp tục nỗ lực vì sự tiến bộ của phụ nữ, cả ở cấp quốc gia và khu vực, thông qua việc tăng cường hợp tác với các đối tác, đặc biệt là Liên hợp quốc.

Ủy ban Địa vị Phụ nữ là một thể chế liên chính phủ toàn cầu chính nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Kể từ năm 1946 tới nay, CSW là một công cụ hữu ích trong thúc đẩy các quyền của phụ nữ, cung cấp một cái nhìn chân thực về cuộc sống của phụ nữ trên khắp thế giới, định hình các tiêu chuẩn toàn cầu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục