Việt Nam không ngừng nỗ lực trong bảo đảm, thúc đẩy quyền con người

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì cơ chế đối thoại về quyền con người đối với một số nước, đối tác nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Việt Nam không ngừng nỗ lực trong bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ảnh 1Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 18/1, tại Hà Nội, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời một số câu hỏi báo chí quan tâm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam đối với việc một số đối tác quan tâm đến tình hình thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của Việt Nam gần đây, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Nhân quyền là giá trị chung của nhân loại, song có những khác biệt về cách tiếp cận, ưu tiên về quyền con người xuất phát từ khác biệt của lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị, trình độ phát triển. Đây là thực tiễn bình thường trong quan hệ quốc tế, điều quan trọng là chúng ta cần sẵn sàng hợp tác, đối thoại trên tinh thần hợp tác, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau.

Trên tinh thần đó, Việt Nam tiếp tục duy trì cơ chế đối thoại về quyền con người đối với một số nước, đối tác nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm và mở ra những cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực quyền con người. Chúng tôi cũng mong muốn cộng đồng quốc tế có cái nhìn khách quan, toàn diện, cân bằng về nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người.” 


[Xử lý nghiêm với trường hợp cố tình vi phạm quyền con người]

Thông tin về những ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới về quyền con người, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được tiến bộ rất quan trọng trong việc thúc đẩy quyền con người. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ ưu tiên thực hiện một số nội dung sau: Tiếp tục kiện toàn hệ thống phát luật nhằm đảm bảo thực hiện tốt hơn các quyền tự do cơ bản của người dân trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế của Việt Nam; đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội nhằm nâng cao điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Nâng cao khả năng tiếp cận với các loại hình an sinh xã hội; cải thiện chất lượng giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực, trong đó có giáo dục về quyền con người nhằm nâng cao nhận thức của người dân và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong vấn đề này. Tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới do đây là yếu tố quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực vững mạnh cũng như đẩy mạnh chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng hướng đến một xã hội khỏe mạnh và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ cả về thể chất và tinh thần. Tiếp tục tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, các cơ chế, các tổ chức chuyên môn của khu vực và toàn cầu có liên quan đến quyền con người.” 

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao đã công bố cuốn sách “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam” với các phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã không ngừng đấu tranh vì các quyền tự do cơ bản của con người, nhất là quyền độc lập và quyền tự quyết của dân tộc, quyền được sống trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân. Năm 2005, Bộ Ngoại giao đã công bố cuốn sách “Thành tựu bảo vệ và phát triển các quyền con người ở Việt Nam.”

Từ đó đến nay, Việt Nam đã chứng kiến những thành tựu quan trọng trong công tác bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, đặc biệt là việc thông qua Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Bên cạnh đó, Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, không ngừng cải thiện mức sống của người dân, giảm mạnh tỷ lệ nghèo, thúc đẩy bình đẳng xã hội, góp phần bảo đảm quyền thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội, cũng như việc thực hiện quyền con người trong nhiều lĩnh vực khác. Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người và ngày càng chủ động, tích cực đóng góp tại các diễn đàn về quyền con người trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN và nhiều cơ chế khác.

Cuốn sách “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam” sẽ cung cấp những thông tin cập nhật về luật pháp, chính sách, nỗ lực và thành tựu của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người cũng như các thách thức cần vượt qua và những hướng ưu tiên nhằm thúc đẩy quyền thụ hưởng ngày càng tốt hơn quyền con người ở Việt Nam. Cuốn sách gồm 4 chương, trong đó nêu rõ quan điểm, chính sách và luật pháp của Nhà nước Việt Nam về quyền con người, cũng như thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện nhóm thuộc quyền dân sự, chính trị, nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và quyền của các nhóm, lĩnh vực cần thiết.

Cũng tại cuộc họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã thông báo một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân sẽ tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ và dự Lễ Kỷ niệm lần thứ 69 Ngày Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 24-26/1/2018.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sẽ dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ từ ngày 22-25/1/2018 và thăm Bồ Đào Nha từ ngày 26-28/1/2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục