“Việt Nam kiên quyết ủng hộ giải trừ quân bị triệt để”

Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là vì hòa bình, ủng hộ giải trừ quân bị toàn diện và triệt để.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc ngày 15/10, trong khuôn khổ Khóa họp 68 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Ủy ban An ninh quốc tế và giải trừ quân bị (Ủy ban 1) vừa bắt đầu phiên thảo luận chung, bàn về hàng loạt chủ đề quan trọng như giải trừ và chống phổ biến hạt nhân, vũ khí thông thường, cũng như việc thiết lập các cơ chế giải trừ quân bị...

Theo kế hoạch, phiên họp sẽ thảo luận và quyết định nội dung cụ thể của hơn 50 nghị quyết có liên quan, để sớm trình Đại Hội đồng Liên hợp quốc, xem xét và thông qua.

Phát biểu tại phiên thảo luận chung, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là vì hòa bình, ủng hộ giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, trong đó ưu tiên cao đối với giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Theo Đại sứ, quan điểm trước sau như một của Việt Nam là việc thúc đẩy thực hiện các vấn đề liên quan tới giải trừ quân bị quốc tế cần được triển khai một cách cân bằng, toàn diện, trong đó có việc thực hiện Chương trình Hành động của Hội nghị Kiểm điểm Hiệp ước Chống phổ biến hạt nhân năm 2010 để chuẩn bị cho hội nghị kiểm điểm lần tới, sẽ được tổ chức vào năm 2015.

Về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích dân sự, Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hạt nhân trong quá trình xây dựng hạ tầng năng lượng hạt nhân tại Việt Nam; đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để hoàn thành trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2013-2014.

Đại sứ Lê Hoài Trung đồng thời khẳng định trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đứng trước nhiều thách thức về an ninh, cũng như những khó khăn, thách thức trong việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ quân bị,... điều quan trọng là cần tạo lập môi trường có lòng tin chiến lược, giúp các quốc gia nhận thấy lợi ích chung trong việc cùng nỗ lực để đạt được những bước tiến mới trong lĩnh vực này, vì lợi ích của hòa bình, an ninh toàn cầu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục