Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 27/9, tại thủ đô Vientiane, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Hội thảo chuyên đề về “Chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm” và “Công tác phối hợp xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo giữa các cơ quan Quốc hội và Chính phủ và các bộ, ngành liên quan” đã bế mạc sau một ngày làm việc.
Tại Phiên thứ nhất diễn ra sáng cùng ngày, các đại biểu Lào và Việt Nam đã tập trung thảo luận về chuyên đề “Chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm."
Lãnh đạo Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành Việt Nam có tham luận về chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; tham luận của lãnh đạo bộ ngành hữu quan Lào về phát triển nghề và tạo việc làm cho thanh niên Lào.
Trong phiên tham luận chiều cùng ngày, lãnh đạo và chuyên viên hai nước đã tập trung trao đổi kinh nghiệm về “Công tác phối hợp xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo giữa các cơ quan Quốc hội và Chính phủ và các bộ, ngành liên quan."
Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết các báo cáo tham luận và tranh luận sôi nổi, sinh động về tình hình, kết quả, kinh nghiệm, những thuận lợi, khó khăn, những thách thức, đồng thời cũng nêu ra những định hướng, nhiệm vụ trọng điểm trong thời gian tới của mỗi nước.
Những nội dung trong các báo cáo của các đại biểu hai nước, đặc biệt là các ý kiến thảo luận trong cả ngày đã bám sát chủ đề hội thảo, cho thấy rằng từ yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, Lào và Việt Nam cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt trong cách giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, từ khâu ban hành chính sách pháp luật, hoàn thiện cho tới khâu thực thi chính sách pháp luật.
[Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Lào]
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, làm tốt công tác này góp phần tăng cường niềm tin trong nhân dân, tình hình chính trị - xã hội ổn định, từ đó kinh tế đất nước phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Kết quả của hội thảo chuyên đề, hai bên thống nhất Quốc hội hai nước tiếp tục phối hợp, chia sẻ nhiều kinh nghiệm để cùng nhau thực hiện tốt trọng trách của Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Lào, nhân dân Việt Nam; hai bên tiếp tục lắng nghe ý kiến, kiến nghị cũng như nguyện vọng của cử tri và nhân dân thực hiện việc giám sát việc giải quyết những vấn đề của nhân dân của cơ quan hành pháp các cấp.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou nhấn mạnh hội thảo chung giữa Quốc hội Lào và Việt Nam đã tiến hành hai phiên thảo luận sôi nổi, thắm tình hữu nghị, tình đồng chí anh em. Quốc hội hai nước, các bộ ngành liên quan hai bên có dịp trao đổi kinh nghiệm gắn liền với việc tổ chức thực hiện vai trò, quyền và nghĩa vụ, nhiệm vụ của các bên theo quy định của Hiến pháp, pháp luật của mỗi nước, góp phần cho việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn, đi vào đời sống xã hội mỗi nước.
Qua hội thảo chung, các đồng chí Việt Nam đã có những bài phát biểu, tham luận với nhiều nội dung tốt, trở thành bài học kinh nghiệm quý báu đối với Quốc hội Lào để nghiên cứu.
Đại biểu Việt Nam đã có bốn tham luận trong hai chủ đề. Đánh giá cao các bài tham luận của các đại biểu Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Lào cho rằng các phát biểu đã nêu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quá trình phát triển; trong giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, việc làm; trong giải quyết khiếu nại tố cáo. Cùng với đó đã phản ánh những nội dung chủ trương, đường lối của Đảng đã được cụ thể hóa vào trong các văn bản pháp luật, được tổ chức triển khai trong thực tiễn hiệu quả với những chính sách, cơ chế, văn bản dưới luật, có cơ chế phối hợp một cách hệ thống giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp từ các Trung ương đến địa phương.
Qua báo cáo của các đại biểu Việt Nam, các cơ quan hữu quan Lào sẽ tiếp tục xem xét, nghiên cứu để xây dựng hệ thống pháp luật, ban hành pháp luật đồng bộ hơn, nhất là việc Việt Nam đã tách giải quyết khiếu nại, tố cáo thành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo (hiện hai nội dung này nằm trong một luật của Lào). Cùng với đó, việc phân cấp trách nhiệm, Việt Nam đã có quy định rất rõ ràng.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, Việt Nam có 10 chính sách cụ thể, chi tiết. Ngoài ra Việt Nam có chương trình mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp - việc làm, có những văn bản pháp luật, văn bản dưới luật, nghị định Chính phủ, thông tư của các bộ ngành liên, có những chương trình, đề án cụ thể trong từng vấn đề. Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou cho biết: “Đây là kinh nghiệm tốt để các cơ quan hữu quan Lào nghiên cứu."
Theo Chủ tịch Quốc hội Lào, hội thảo đã mang lại hiệu quả thiết thực, hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề, qua đó càng thấy trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình chuẩn bị các vấn đề, nắm vững các vấn đề mà mình phụ trách. Kinh nghiệm từ tổ chức hội thảo còn là bài học quý cho quá trình chuẩn bị hội thảo lần tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou nêu rõ Quốc hội hai nước cùng kề vai sát cánh trong thực hiện nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị hai bên, sự hợp tác ngày càng có trọng tâm và đi vào chiều sâu. Vì vậy, việc tổ chức hội thảo lần này tiếp tục truyền thống của mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước nói chung, giữa hai Quốc hội hai nước nói riêng.
Sự hợp tác này ngày càng đi vào chiều sâu bằng hình thức giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Từ đó góp phần để hai Quốc hội hai nước thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan đại diện của nhân dân, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới bằng pháp luật./.