Việt Nam sẽ là "toa thuốc mới" xây dựng quan hệ song phương Nhật-Hàn

Hàn Quốc là đối tác đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam, trong khi Nhật Bản đứng ở vị trí thứ hai, do đó dường như các hoạt động tìm kiếm cơ hội thương mại giữa hai nước tại Việt Nam được đẩy mạnh.
Việt Nam sẽ là "toa thuốc mới" xây dựng quan hệ song phương Nhật-Hàn ảnh 1Công nhân làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Young Poong Electronics VINA, vốn đầu tư của Hàn Quốc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Báo Sankei ngày 17/10 có bài viết cho rằng Việt Nam có thể trở thành cánh cửa đột phá để cải thiện quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay.

Theo bài viết, trong bối cảnh quan hệ Nhật-Hàn căng thẳng kéo dài dẫn đến phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản tại Hàn Quốc hay lượng khách Hàn Quốc tới Nhật Bản giảm sút nghiêm trọng, giới doanh nghiệp hai nước này đang thúc đẩy các dự án hợp tác tại một nước thứ ba, ví dụ như Việt Nam.

Hàn Quốc là đối tác đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam, trong khi Nhật Bản đứng ở vị trí thứ hai, do đó dường như các hoạt động tìm kiếm cơ hội thương mại giữa hai nước tại Việt Nam đang được đẩy mạnh.

[Báo Hàn Quốc: Việt Nam - Đất nước của những cơ hội kinh tế]

Tại một buổi hội thảo quy tụ 300 doanh nhân Nhật Bản và Hàn Quốc được tổ chức tại Seoul vào cuối tháng 9/2019 vừa qua, có rất nhiều ý kiến cho rằng hai bên cần tăng cường hợp tác kinh tế tại các nước thứ ba, tiêu biểu là Việt Nam, và đây sẽ là "toa thuốc mới" để xây dựng quan hệ song phương Nhật-Hàn.

Đại diện một doanh nghiệp Hàn Quốc gợi ý rằng lĩnh vực hợp tác mà hai bên có thể tiến hành ở Việt Nam là xây dựng các thành phố thông minh. Hàn Quốc có thế mạnh về chính phủ điện tử, Nhật Bản có thế mạnh về hệ thống quản lý năng lượng, năng lượng tái sinh, do đó có thể bổ trợ cho nhau rất tốt.

Lý do thúc đẩy Hàn Quốc tiến vào thị trường Việt Nam mạnh mẽ trong vài năm qua là vì doanh nghiệp nước này muốn rời bỏ Trung Quốc sau khi quan hệ Trung-Hàn căng thẳng liên quan đến việc Seoul cho phép Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại nước này vào năm 2017.

Để trả đũa, Chính phủ Trung Quốc trên thực tế đã thực hiện nhiều biện pháp tẩy chay doanh nghiệp Hàn Quốc.

Trung tâm thương mại của Tập đoàn Lotte tại Thẩm Dương đang làm thủ tục đóng cửa.

Hiện nay, thị phần xe ôtô Hàn Quốc tại Trung Quốc cũng đang giảm mạnh, buộc một số doanh nghiệp ôtô Hàn Quốc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất.

Tập đoàn điện tử Samsung mới đây tuyên bố ngừng sản xuất tại Quảng Đông và rút cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ- Trung tiếp tục căng thẳng kéo dài, phong trào dời các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc ngày càng được đẩy mạnh.

Để thay thế Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn Việt Nam là điểm đến thay thế.

Lotte và Samsung đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, coi Việt Nam là điểm tựa để các hãng này tiếp tục khai thác thị trường Đông Nam Á.

Trong khi đó, Việt Nam cũng rất mong đợi các dự án hợp tác chung giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Một số doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đang xây dựng các chuỗi cung ứng vật liệu sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu.

Nhật Bản và Hàn Quốc hiện có trên 90 dự án hợp tác tại các nước thứ ba. Một yếu tố phù hợp với cả hai nước là cả hai đều là những nước nghèo về nguồn tài nguyên và năng lượng.

Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là nước đứng đầu và thứ ba thế giới về nhập khẩu khí thiên nhiên (LNG), do vậy sự hợp tác giữa hai nước đều đem lại những cơ hội phát triển và kinh doanh trong lĩnh vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục