'VN-Index sẽ dao động trong biên độ 900-960 điểm từ nay đến cuối năm'

‘Dự báo lợi nhuận toàn thị trường giảm 5%-6% cho cả năm nay, trước khi tăng mạnh trở lại 21% trong năm 2021 và triển vọng tích cực về lợi nhuận các doanh nghiệp là chỉ báo cho sự phục hồi toàn diện.'

“Đà hồi phục lợi nhuận theo mô hình chữ V đã được tái xác nhận và phản ánh đầy đủ trong giai đoạn tăng giá gần đây của thị trường. VN-Index có thể đi ngang và tích lũy trong biên độ 900-960 điểm từ nay đến cuối năm,” ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán VNDIRECT đánh giá và nhận định thị trường.

Theo ông Tuấn, VN-Index kết thúc tháng 10 ở mốc 925,7 điểm, tương ứng với P/E [hệ số giá trên lợi nhuận-PV] lũy kế 14,5 và tăng 42% so với mức thấp nhất 650 điểm trong tháng Ba. Tại kịch bản cơ sở, nhóm phân tích tại VNDIRECT dự báo lợi nhuận toàn thị trường tiếp tục giảm 5%-6% cho cả năm nay, trước khi tăng mạnh trở lại 21% trong năm 2021.Và, triển vọng tích cực về lợi nhuận các doanh nghiệp là chỉ báo cho sự phục hồi toàn diện của nền kinh tế trong năm 2021.     

Bất động sản phục hồi

Theo tính toán từ VNDIRECT, ước tính tổng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn HoSE, HNX và UpCoM đã giảm 2,7% so với cùng kỳ, tuy nhiên kết quả quý này xác nhận lại xu hướng hồi phục lợi nhuận của các doanh nghiệp (dù cho đợt lây nhiễm COVID-19 thứ 2 diễn ra từ cuối tháng Bảy).

Xét theo nhóm ngành, sau khi giảm 31% so với cùng kỳ trong quý 2, nhóm ngành bất động sản hoạt động trở lại mạnh mẽ với lợi nhuận quý 3 tăng trưởng 34% so với cùng kỳ, nhờ công tác bán hàng và bàn giao tốt hơn tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc đầu tư công được đẩy mạnh thời gian qua và tập trung vào xây dựng hạ tầng, đã giúp các doanh nghiệp vật liệu xây dựng ghi nhận sản lượng tiêu thụ và giá bán tốt hơn, qua đó lợi nhuận của nhóm ngành xây dựng-vật liệu tăng trưởng 47% so với cùng kỳ trong này.

Nhờ vậy, nhóm ngành kim loại (chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất thép) cũng ghi nhận lợi nhuận ròng tăng trưởng 144% so với cùng kỳ, khi sản lượng xuất khẩu tăng mạnh tăng 44% và giá than cốc giảm 31,9% so với cùng kỳ.

Dịch vụ tài chính tăng trưởng mạnh

Trong quý 3, VN-Index tăng 15,2% từ cuối tháng Sáu đồng thời thanh khoản bình quân phiên cũng tăng 33,6% so với cùng kỳ và tăng 0,3% so với quý 2. Theo đó, lợi nhuận ròng của nhóm ngành dịch vụ tài chính (chủ yếu là chứng khoán) tăng trưởng 60% so cùng kỳ. Điều này có được nhờ vào đà tăng cả về điểm số và thanh khoản của thị trường, bên cạnh đó nhóm ngành bảo hiểm tăng 31,6% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, tăng trưởng nhóm ngành ngân hàng giảm tốc xuống 4% so với cùng kỳ do gánh nặng chi phí dự phòng nợ xấu tăng cao.

Song, ảnh hưởng đợt bùng phát COVID-19 thứ 2 ở Đà Nẵng đã làm gián đoạn đà hồi phục mạnh mẽ của nhóm ngành du lịch và vận tải nội địa. Cộng thêm, việc các chuyến bay quốc tế vẫn tiếp tục đóng băng kể từ cuối tháng Ba đã khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp hàng không và cảng hàng không sụt giảm mạnh. Ngoài ra, nhóm ngành du lịch (bao gồm các hãng hàng không) cũng ghi nhận mức thua lỗ lớn trong quý 3 và giảm 274% so với cùng kỳ. Ngoài ra, lợi nhuận ròng các doanh nghiệp vận tải giảm 68% so với cùng kỳ.

Chưa kể, lợi nhuận ròng nhóm ngành dầu khí giảm 37% so với cùng kỳ do giá dầu thấp hơn nhưng vẫn tích cực hơn mức giảm 116% so với cùng kỳ trong quý 2.

Trong số các nhóm ngành chịu ảnh hưởng mạnh từ đại dịch, lĩnh vực bán lẻ cho thấy sự hồi phục rõ ràng nhất với lợi nhuận ròng quý tăng 9% so với cùng kỳ nhờ mã MWG (tăng 16% so với cùng kỳ) và DGW (tăng 44% so với cùng kỳ) đã sớm nắm bắt được đà hồi phục của tiêu dùng nội địa trong quý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục