Không "ngán" Viettel

VNPT “không ngán” Viettel sáp nhập EVN Telecom

Là "đối thủ ngang cơ" trên thị trường viễn thông, song phía VNPT tỏ ra không hề lo ngại nếu EVN Telecom được sáp nhập vào Viettel.
Là "đối thủ ngang cơ" trên thị trường viễn thông với Viettel, song phía Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) không hề e ngại nếu EVN Telecom sáp nhập vào Viettel.

Trả lời báo chí bên lề buổi khai mạc VNPT Week sáng ngày 14/11, ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc của VNPT nói trong hoạt động kinh doanh bao giờ cũng có những giải pháp trước tình thế mới.

Theo ông Đức, ở các nước cũng vậy, quá trình cạnh tranh cũng giống như quá trình sắp xếp lại. “Những đơn vị nào đủ lực sẽ tồn tại, nên chúng tôi sẽ phải tiếp tục cạnh tranh và đối với Viettel cũng vậy. VNPT phải có sự thay đổi để tạo nên được sức mạnh mới,” ông Đức cho biết.

Những chiến lược mà VNPT đang tính tới là tổ chức mạng lưới sao cho hợp lý trên quan điểm  dùng chung hạ tầng để giảm đầu tư, tăng hiệu quả. Tiếp sau đó là về tổ chức, thương hiệu và đây là quá trình tái cấu trúc của VNPT.

Ngoài ra, lãnh đạo của VNPT cũng cho rằng, các dịch vụ hiện nay là tích hợp và cơ sở hạ tầng là rất quan trọng. Bởi thế “giả sử Viettel tiếp nhận EVN Telecom thì đây cũng là cơ hội tốt cho lĩnh vực phát triển chung về viễn thông quốc gia.”

Trước câu hỏi lo ngại về việc nếu Viettel sáp nhập EVN Telecom sẽ dễ dẫn đến một kiểu “độc quyền mới” của thị trường viễn thông, ông Đức cho rằng điều này không xảy ra bởi đây là thực tiễn chung của thế giới.
 
Ông Đức cũng đưa ra ví dụ về thị trường viễn thông của Trung Quốc gấp trên 20 lần so với của Việt Nam, nhưng cũng chỉ có 3 nhà khai thác. Trong khi đó, Việt Nam có đến 7 nhà khai thác thì nhất định cần phải sắp xếp lại để tạo ra môi trường thực sự cạnh tranh.

Thực tế, trước kia VNPT từng làm mưa làm gió trên thị trường viễn thông với hai thương hiệu VinaPhone và MobiFone. Sau này, với sự ra đời và nổi dậy mạnh mẽ của Viettel, thị trường viễn thông được xem là hình thành thế chân vạc.

Trong “cuộc đua doanh thu nghìn tỷ” năm 2010, dù VNPT đã “thắng” Viettel, song nhìn vào các con số báo cáo thì thấy rất rõ, dù đã về đích trước, tổng lợi nhuận của VNPT đạt 11.200 tỷ đồng, còn Viettel tuy xếp sau nhưng lợi nhuận lại cao hơn, với 15.500 tỷ đồng.

Thế nên, nếu mọi nguồn lực của EVN Telecom được chuyển giao toàn bộ cho Viettel bao gồm cả tài nguyên tần số 2G, 3G thì chỉ riêng đơn vị này sở hữu tới trên 50% tổng quỹ tần số 3G của quốc gia.

Và, khi ấy, VNPT hẳn sẽ khó thắng được Viettel, cho dù chỉ là trên “mặt trận doanh thu.” Còn những mạng nhỏ như Hanoi Telecom hay Beeline sẽ dễ bị hụt hơi và khó tránh khỏi chuyện sáp nhập.

Cùng chung giấy phép băng tần 3G với EVN Telecom, Hanoi Telecom là đơn vị lo lắng hơn cả. Bởi thế, chủ sở hữu của Vietnamobile đã đề xuất lên Chính phủ nhằm mua lại EVN Telecom.

Thậm chí, trong công văn mới đây, viện dẫn một số điều khoản cụ thể trong Luật Cạnh tranh, phía Hanoi Telecom cho rằng sẽ là phạm Luật nếu Viettel sáp nhập EVN Telecom.

Hiện vẫn chưa có ý kiến cuối cùng về EVN Telecom sẽ về đâu. Song, bài toán gả bán “con nợ” này về đơn vị nào cho có lợi, lại không tạo ra tiền lệ xấu trên thị trường viễn thông không hẳn dễ tìm ra lời giải. /.

Thùy Liên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục