Vụ rơi máy bay MH17: Vì sao phương Tây đòi hỏi Nga hợp tác?

Sau vụ tai nạn của chuyến bay MH17, một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu có phải hệ thống tên lửa BUK đã bắn hạ chiếc máy bay.
Vụ rơi máy bay MH17: Vì sao phương Tây đòi hỏi Nga hợp tác? ảnh 1Tên lửa BUK được đưa ra khỏi Ukraine? (Nguồn: Daily Mail)

Sau vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines, một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu có phải hệ thống tên lửa BUK đã bắn hạ chiếc máy bay. Mới đây, một đoạn video đã được tung ra, theo đó một người đi xe máy đã bám theo một chiếc xe tải quân sự khoảng 2 cây số trên trục đường chính ở “vùng biên giới Nga,” chở theo một món hàng mà không có hộ tống. Ukraine sau đó đã chộp lấy đoạn video này và chú thích là “Một blogger người Nga đã ghi lại hình ảnh tên lửa BUK M1 được đưa về Nga, quả tên lửa đã bắn hạ chiếc máy bay Boeing.”

Theo tờ Daily Mail, những hình ảnh trong đoạn phim cho thấy khung cảnh giống ở Nga hơn là Ukraine, nhưng địa điểm chính xác lại không được đưa ra. Một chiếc xe tải thứ hai sau đó cũng xuất hiện ở một vài khung hình. Đoạn phim được ghi lại vào khoảng 8 giờ 45 tối thứ Bảy vừa rồi.

Những báo cáo từ Ukraine cho rằng hệ thống tên lửa BUK đã được lén lút vận chuyển giữa đêm và đưa về Nga sau khi chiếc máy bay nổ tung trên bầu trời hôm thứ Năm tuần trước. Trước đó, những hình ảnh về một bệ phóng do các phần tử ly khai thân Nga di chuyển qua Torez chỉ 2 tiếng đồng hồ trước khi máy bay rơi cũng được tung ra.

Cho đến nay, Nga đều lên tiếng bác bỏ những cáo buộc của phương Tây, đồng thời cho rằng những đoạn băng mà phía Ukraine đưa ra đều là những sản phẩm ngụy tạo.

Tuy nhiên, phương Tây vẫn cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm lớn trong vụ rơi máy bay khiến 298 người thiệt mạng.
Trong một cuộc điện đàm căng thẳng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tưởng Anh David Cameron yêu cầu “Nga phải đưa ra những bằng chứng thuyết phục và đáng tin cậy” về việc lực lượng ly khai được điện Kremlin chống lưng không phải là thủ phạm gây ra cái chết của 298 người, trong đó có 10 người Anh. Ông Cameron cho rằng việc ngăn chặn các điều tra viên và các đội cứu hộ quốc tế tới hiện trường là hành động “không thể được bênh vực” và tỏ ra giận dữ vì phải chờ đợi, một nguồn tin khác từ Downing Street cho biết. Sau cuộc điện đàm này, ông Cameron cũng viết trên Twitter như sau: “Tôi đã nói chuyện với tổng thống Putin, và bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng ông ấy phải cho phép tiếp cận hiện trường để các nạn nhân xấu số được an táng.” Lực lượng nổi dậy hôm nay cho biết họ đã thu hồi được hộp đen của chiếc máy bay và chuyển đến Donetsk để trao lại cho các điều tra viên quốc tế. Tại cuộc họp báo ở Donetsk, thủ lĩnh quân nổi dậy Aleksander Borodai cho biết: “Một số vật, có thể là hộp đen đã được tìm thấy và chuyển tới Donetsk dưới sự kiểm soát của chúng tôi. Trong số chúng tôi không có ai có khả năng nhận ra được đâu là hộp đen, nhưng chúng tôi đã chuyển tới Donetsk một số thiết bị kỹ thuật có thể là hộp đen của chiếc máy bay.”

Tuy nhiên, các nhân viên an ninh của Ukraine hôm 21/7 lại khẳng định Nga đã tăng cường ba bệ phóng tên lửa đa năng cũng như 4 xe tăng hạng nặng cho quân nổi dậy khi hội quân ở biên giới. Chính quyền Kiev đã công bố chi tiết của những cuộc gọi được cho là thực hiện hồi trưa thứ Sáu tuần trước giữa một chỉ huy cấp cao của quân nổi dậy và một số thuộc cấp tại hiện trường máy bay rơi, thảo luận về hộp đen của chiếc máy bay.

Theo đó, Oleksandr Serhiyovych, chỉ huy tiểu đoàn Vostok đã gọi cho một thuộc cấp để hỏi xem hộp đen đã được thu hồi chưa vì “Moskva hỏi chúng đang ở đâu”. Serhiyovych cũng nói rằng những chiếc hộp đen phải được quân nổi dậy kiểm soát và cách ly khỏi những thanh tra quốc tế đang có mặt ở hiện trường. Trong một cuộc gọi khác, Serhiyovych nói: “Những người bạn cấp cao của chúng ta rất quan tâm đến số phận của hộp đen. Ý tôi là những người ở Moskva.”

Một phần tử nổi dậy khác tự gọi mình là “Novorossiya” mới đây cũng đăng một dòng tweet nói rằng những chiếc hộp đen của máy bay Malaysia đã được đưa tới Donetsk. Trong khi đó, một đội điều tra viên quốc tế về tai nạn máy bay vẫn chưa thể tiếp cận hiện trường do sự bất ổn trong khu vực. Ông Borodai cho biết những chiếc hộp đen sẽ được giao cho Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế. Ông cũng cho biết thi thể các nạn nhân sẽ được giữ lạnh trong các container tại một ga tàu ở Torez tới khi phái đoàn hàng không quốc tế tới nơi. Tuy nhiên, bất chấp động thái làm giảm căng thẳng giữa Nga và cộng đồng quốc tế, ông Putin đã ra lệnh cho quân đội tiến sát hơn tới biên giới Ukraine, thậm chí còn cung cấp thêm vũ khí và hệ thống tên lửa cho quân nổi dậy.

Luận điệu này được đưa ra sau khi tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định ông đã xem hình ảnh vệ tinh mới chụp khu vực nơi chiếc máy bay bị rơi và cho rằng đó là “chứng cứ thuyết phục” về sự thông đồng giữa Moskva và quân nổi dậy trong vụ tấn công. Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine hôm qua cũng đưa ra một danh sách các loại vũ khí được đưa từ Nga qua biên giới tới các vùng do quân nổi dậy chiếm đóng gần với khu vực máy bay rơi.

Vụ rơi máy bay MH17: Vì sao phương Tây đòi hỏi Nga hợp tác? ảnh 2

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đồng quan điểm với ông Poroshenko về việc hệ thống tên lửa đã bắn rơi chiếc máy bay là do Nga cung cấp. Trả lời phỏng vấn của NBC, ông Kerry cho biết: “Chúng tôi đã có hình ảnh của vụ phóng tên lửa. Chúng tôi biết đường đi của tên lửa, nó đến từ đâu và lúc nào.”

Trong một cuộc phỏng vấn khác với CNN, ông nói thêm: “Chúng tôi tự tin nói rằng chính phủ Ukraine không đặt hệ thống này ở bất cứ nơi nào gần với vùng máy bay rơi tại thời điểm đó. Vậy nên rất rõ ràng, chuyện này có liên quan tới phe nổi dậy.” Ông Kerry cũng cho biết thông tin tình báo của Mỹ cho thấy một lượng lớn vũ khí đã được chuyển từ Nga tới lực lượng nổi dậy vài tuần qua, bao gồm 150 đoàn hộ tống có vũ trang chở theo vũ khí, xe tăng và bệ phóng tên lửa.Mỹ cũng đã chặn các cuộc hội thoại về việc chuyển hệ thống chỉ huy bằng radar cho hệ thống tên lửa SA11 được cho là đã bắn hạ MH17. Trong các đoạn ghi âm được công bố trước các phóng viên này, một sĩ quan người Nga tên là Igor Bezler đã báo cáo về việc chiếc Boeing 777-200 đã rơi với cấp trên ở cục tình báo quân đội Nga là đại tá Vasily Geranin. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh Philip Hammond hôm nay cũng đề nghi tổng thống Putin giao ra hộp đen hoặc phải đối mặt với các hành động từ quốc tế. Ông nói: “Nga muốn biến chuyện này thành một bất đồng giữa Nga và EU cũng như phương Tây. Nhưng chuyện này liên quan nước Nga và cả cộng đồng quốc tế, và Nga có thể đang mạo hiểm với việc bị đặt ở ngoài lề nếu không cư xử đúng mực”.

“Mặc dù không hoàn toàn chắc chắn nhưng các chứng cứ đã chỉ ra rằng có nhiều thứ được chuyển tới từ Nga. Tuy nhiên, các điều tra viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE, những người không được huấn luyện điều tra về tai nạn máy bay- hôm nay đã được tiếp cận một số thi thể của vụ rơi máy bay ở nơi bảo quản lạnh cách địa điểm rơi 9 dặm.”

“Bổn phận của tất cả các quốc gia, kể cả Nga, là có thể dùng bất cứ ảnh hưởng nào có thể để bảo vệ chứng cứ và tiến hành điều tra quốc tế cũng như tiếp cận hiện trường, cũng như quy tập các thi thể và xác định danh tính của họ.” “Anh cũng như Mỹ, Hà Lan và Malaysia đã cử các điều tra viên về tai nạn hàng không tới Kiev, và sẽ sớm tiếp cận hiện trường khi có thể và được bảo đảm an toàn.” Trước đó, trên kênh BBC1, ông Hammond cũng cho rằng Nga có nhiều thông tin về vụ tai nạn hơn bất cứ quốc gia nào, do vụ tai nạn xảy ra chỉ cách biên giới Nga vài dặm, và Nga có rất nhiều máy bay quân sự ở khu vực đó. Các chứng cứ về kẻ đứng sau hành động tàn bạo này tuy chưa đủ để đứng vững trước tòa án quốc tế những có thể “khiến người có trách nhiệm phải đối mặt với kết luận không thể chối cãi là một quả tên lửa đã được phóng ra từ vùng lãnh thổ thuộc kiểm soát của quân nổi dậy, và gần như chắc chắn đó là một tên lửa được Nga cung cấp."/.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục