WHO dự kiến thảo luận thỏa thuận toàn cầu về đại dịch vào đầu năm 2023

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 6,6 triệu người, gây thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD và bộc lộ những bất bình đẳng trong lĩnh vực y tế và dược phẩm trên toàn thế giới.
WHO dự kiến thảo luận thỏa thuận toàn cầu về đại dịch vào đầu năm 2023 ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 17/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo dự kiến, các cuộc thảo luận về dự thảo thỏa thuận toàn cầu nhằm đối phó tốt hơn với đại dịch trong tương lai sẽ bắt đầu vào tháng 2/2023.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra thông báo này ngày 7/12 sau 3 ngày nhóm họp tại Geneva, Thụy Sĩ.

Từ ngày 5/12, các đại diện của 194 nước thành viên WHO đã thảo luận một hiệp định về đại dịch nhằm đảm bảo rằng sẽ không tái diễn những thiếu sót trong công tác phản ứng khiến COVID-19 trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu như vừa qua.

[Bắc Kinh tiếp tục điều chỉnh linh hoạt biện pháp chống dịch COVID-19]

Trong một tuyên bố, WHO cho biết vào ngày thảo luận cuối, các nước thành viên nhất trí soạn thảo bản dự thảo đầu tiên của thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý để bảo vệ thế giới khỏi các đại dịch trong tương lai. WHO có kế hoạch trao đổi về dự thảo sơ bộ này vào ngày 27/2/2023.

Thông báo trên được đưa ra vài ngày trước ngày đánh dấu tròn 3 năm COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, trước khi lây lan ra toàn cầu và trở thành đại dịch nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ.

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 6,6 triệu người, gây thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD và bộc lộ những bất bình đẳng trong lĩnh vực y tế và dược phẩm trên toàn thế giới.

Bà Precious Matsoso, một thành viên của Cơ quan đàm phán liên chính phủ của WHO dự kiến soạn thảo bản dự thảo, nhấn mạnh con người không bao giờ được quên tác động của đại dịch đối với cuộc sống con người, kinh tế và xã hội nói chung.

Theo bà, cách tốt nhất để cộng đồng quốc tế tránh lặp lại quá khứ là hợp tác để xây dựng một thỏa thuận toàn cầu giúp bảo vệ các nước khỏi những mối đe dọa của đại dịch trong tương lai.

Dự thảo sơ bộ này sẽ cần thúc đẩy các nước tăng cường sự chuẩn bị, đồng thời xem xét đến các vấn đề về công bằng.

WHO đã khởi động tiến trình đàm phán về thỏa thuận có nội dung như trên từ cuối năm 2021.

Theo kế hoạch, một văn bản có ràng buộc về pháp lý sẽ được thông qua vào mùa Xuân năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục