Wonder: "Bé Bôm" phiên bản Mỹ hay điều kỳ diệu của điện ảnh

Trong số những bộ phim năm 2017 có gắn chữ ‘wonder’ gồm Wonderstruck, Wonder Woman, Wonder Wheel, Professor Marston and the Wonder Women thì Wonder chính là bộ phim gần nhất với từ “Kỳ diệu”.
Wonder: "Bé Bôm" phiên bản Mỹ hay điều kỳ diệu của điện ảnh ảnh 1Mỗi gia đình đều phần nào tìm thấy câu chuyện của chính mình trong Wonder

Khi “Wonder” mới ra rạp vào đầu tháng 11, tờ Variety đã nhận định: “Trong số những bộ phim năm 2017 có gắn chữ ‘wonder’ gồm Wonderstruck, Wonder Woman, Wonder Wheel, Professor Marston and the Wonder Women thì Wonder chính là bộ phim gần nhất với từ “Kỳ diệu”, xét theo khía cạnh cảm xúc.”

Đây là nhận xét không hề quá lời, bởi gần hai tiếng bộ phim là những hình ảnh gần gũi, bình dị nhưng đầy ấm áp, đủ để chạm vào cảm xúc của người xem.

“Wonder” được dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ tác giả R.J. Palacio. Nhân vật trung tâm của phim là cậu bé Auggie Pullman (Jacob Tremblay) không may mắn sinh ra với hội chứng Treacher Collins. Gương mặt Auggie bị biến dạng sau hàng chục ca phẫu thuật và khiến người mẹ Isabel (Julia Roberts) phải bỏ ngang nhiều dự định để chăm sóc cậu. Do ngoại hình khác biệt và thể trạng, Auggie phải ở nhà để mẹ dạy học suốt giai đoạn mẫu giáo tới hết lớp bốn.

Đến khi bước vào lớp năm, bà Isabel tin rằng đã tới lúc Auggie có thể rời nhà và tới trường dù người chồng Nate (Owen Wilson) phản đối quyết định đó. Ban đầu, cậu bé rụt rè trước những ánh mắt kỳ thị, tò mò từ những bạn cùng trường. Nhưng dần dần, cậu bé đã dám gỡ bỏ chiếc mũ phi hành gia mà cậu thường đội để trở nên tự tin, hòa đồng hơn với đám bạn cùng trang lứa...

Nữ tác giả Palacio lấy cảm hứng viết “Wonder” khi thấy cậu con trai ba tuổi của mình khóc thét vì bắt gặp một bé gái bị dị tật mặt bẩm sinh. Khi Palacio cố gắng kéo con trai mình để tránh làm tổn thương gia đình bé gái đi, cô lại vô tình làm tình hình xấu hơn. Câu chuyện đó ám ảnh Palacio và thôi thúc cô làm một thứ gì đó để khiến xã hội có cái nhìn cởi mở hơn đối với những người không may sinh ra với dị tật. Như cách một nhân vật nói trong phim: “Auggie không thể thay đổi bề ngoài của mình, vậy nên chúng ta có thể thử thay đổi cách nhìn về em ấy.”

Khi ra mắt tại Mỹ, “Wonder” phải cạnh tranh với bom tấn “Justice League”. Nhưng “Wonder” vẫn thu hút đối tượng của riêng mình và tới nay đã thu về hơn 170 triệu USD, gấp hơn 8 lần kinh phí gốc. Thành công của “Wonder” tới từ sự giản dị: không cần những kỹ xảo cháy nổ hoành tráng, trong khi các ngôi sao tên tuổi nhất phim lại chỉ đóng vai phụ. Julia Roberts và Owen Wilson đều là những diễn viên đã thành danh, nhưng họ chấp nhận làm nền cho cậu bé Jacob Tremblay như cách nhân vật của họ yêu thương bé Auggie vô điều kiện.

Wonder: "Bé Bôm" phiên bản Mỹ hay điều kỳ diệu của điện ảnh ảnh 2Jacob và hóa thân nhân vật Auggie

Sự giản dị của “Wonder” còn tới từ việc bộ phim khắc họa chân thực nhất mọi góc nhìn, mọi hoàn cảnh mà không hề cố tô hồng sự thật. Ai cũng từng nghe câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng rất hiếm người chịu bất hạnh từ khi lọt lòng như Auggie. Cậu lớn lên trong sự bao bọc của gia đình, nhưng khi ra ngoài cậu luôn phải đối mặt với những ánh nhìn bởi ngoại hình khác biệt. Khi mới tới trường, Auggie thậm chí còn bị một số bạn bè tẩy chay vì sợ sẽ “lây bệnh” nếu trót chạm vào cậu.

Điều thú vị là bất chấp sự ác cảm mới đầu ấy, Auggie luôn giữ được cái nhìn lạc quan về cuộc sống. Cậu bé tự nhủ rằng “nếu mình thấy Chewbacca (nhân vật người thú lông lá trong Star Wars) ở ngoài đời, chắc mình cũng sẽ nhìn chằm chằm”. Sự lạc quan ấy của Auggie giúp cậu cảm hóa được những người xung quanh, để rồi các bạn dần chơi với Auggie bởi bản thân cậu bé là một cậu nhóc dễ mến, thông minh, hài hước chứ không phải vì bị người lớn bắt ép. 

“Wonder” không chỉ cho người xem biết được tâm tư của Auggie mà còn kể chuyện từ góc nhìn những người xung quanh, như cô chị xinh xắn Via (Izabela Vidovic) hay người bạn đầu tiên của Auggie là Jack (Noah Jupe). Nhờ đó, khán giả có thêm một cái nhìn toàn cảnh về “vũ trụ” mà Auggie làm trung tâm. Người chị Via có những lúc chạnh lòng vì cậu em thu hút hết sự quan tâm và thời gian của bố mẹ, hay cậu nhóc Jack cũng có lúc hùa theo đám trẻ chê bai Auggie.

Hay từ góc nhìn của các nhân vật phụ, khủng hoảng tâm sinh lý của tuổi mới lớn cũng được lồng ghép một cách tự nhiên, mà qua đó các bậc cha mẹ sẽ có dịp nhìn lại bản thân, đưa ra những quyết định đúng đắn trong việc nuôi dạy con. Có thể nói, bất cứ gia đình nào cũng phần nào nhìn thấy chính mình trong những câu chuyện hàm chứa tính nhân văn trong "Wonder."

Cao hơn tất cả là “điều kỳ diệu” mà Auggie đem tới. Sự chân thành, tử tế bên trong con người cậu bé đã làm xóa tan đi những cảm xúc tiêu cực từ những người xung quanh. Bộ phim cũng khéo léo khắc họa những rắc rối trong các mối quan hệ bạn bè mà ai có lẽ cũng từng gặp trong cuộc sống và khéo léo giải quyết các khúc mắc bằng tình yêu thương.

Wonder: "Bé Bôm" phiên bản Mỹ hay điều kỳ diệu của điện ảnh ảnh 3Diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên nhí cũng làm nên thành công của Wonder

Không chỉ đề cao giá trị của tình cảm gia đình, tình bạn, “Wonder” còn lên án nạn bắt nạt và kỳ thị nơi học đường. Gọi là “lên án” song thực chất cách bộ phim khắc họa cũng không đem lại cảm giác nặng nề. Đạo diễn Stephen Chbobsky có cách khắc họa vừa đủ để khán giả (đặc biệt là trẻ em) hiểu được thông điệp rằng sự kỳ thị là thứ không nên làm, rằng hãy luôn cố gắng tìm hiểu một con người, nhìn vào những giá trị tích cực của người đó... thay vì nhanh chóng tẩy chay chỉ bởi sự khác biệt “lệch chuẩn.”

Sau khi gây chú ý với vai diễn cậu bé trong “Room,” tài năng 11 tuổi Jacob Tremblay tiếp tục cho thấy mình là một trong những diễn viên nhí tài năng nhất hiện nay. Trước khi nhập vai Auggie, cậu đã nhờ gia đình đưa tới trung tâm điều dưỡng Craniofacial Association để gặp gỡ những đứa trẻ mắc chứng Treacher Collins. Tremblay không chỉ quan sát mà còn giao tiếp, làm bạn với những đứa trẻ tại trung tâm. Điều này lý giải cho diễn xuất tự nhiên đầy truyền cảm mà cậu thể hiện trong “Wonder.”

Năm 2017, nam diễn viên Quốc Tuấn từng khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt khi chia sẻ câu chuyện về gia đình anh đã vất vả thế nào sau khi con trai Bôm chào đời với căn bệnh hiếm APERT. Bằng tình yêu thương vô bờ bến và nghị lực, gia đình anh đã giúp Bôm lớn lên trong tình yêu thương và còn truyền cho em tình yêu âm nhạc, để rồi em thi đỗ Học viện Âm nhạc Việt Nam. 

Bộ phim “Wonder” là một tác phẩm nhân văn phù hợp với mọi khán giả, để có sự đồng cảm hơn với những người không may mắn như bé Bôm hay cậu bé Auggie và cảm nhận sự ấm áp từ những tình cảm giản dị mà chân thành nhất.

“Wonder”

Đạo diễn: Stephen Chbobsky
Diễn viên: Jacob Tremblay, Julia Roberts, Owen Wilson
Thời lượng: 103 phút
Thể loại: Tâm lý, Gia đình
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 29/12.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục