Ngày 22/9, tại xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi An Giang đã tiến hành xả lũ đầu nguồn tại hai đập tràn kiểm soát lũ sông Cửu Long và vùng Tứ Giác Long Xuyên là Tha La và Trà Sư (huyện Tịnh Biên, An Giang).
Việc xả lũ nhằm kiểm soát lưu lượng dòng chảy, giảm áp lực nước đối với vùng thượng nguồn; cung cấp phù sa, góp phần tháo chua, rửa mặn cho đồng ruộng của bà con nông dân các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Hậu Giang; cung cấp nước cho các tỉnh phụ cận bơm tưới canh tác vụ Thu Đông (vụ ba).
Ông Trần Thiện Phương, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi An Giang cho biết hiện mực nước lũ sông Cửu Long ở mức báo động 1. Cụ thể, ngay thời điểm xả lũ, nước ngoài đập xả Tha La là 2,99m, trong đập là 1,98m (cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 1,07m ngoài đập và 0,49 trong đập), chênh lệch cột nước là 1,01m. Đập Trà Sư mực nước ngoài đập đạt 2,97m, trong đập là 2,05m (so cùng kỳ năm ngoái trong đập là 0,36m và ngoài đê là 1,12m), chênh lệch cột nước là 0,92m.
Năm nay, do lũ về sớm và lớn hơn mọi năm nên thời gian xả lũ sớm hơn gần 1 tháng so với năm trước. Việc xả lũ ở 2 đập Tha La và Trà Sư nhằm vận hành linh hoạt, đảm bảo tính an toàn cũng như kiểm soát lũ của hai đập này với vùng Tứ Giác Long Xuyên được tốt hơn.
[Công điện yêu cầu đóng nốt cửa xả còn lại tại Thủy điện Sơn La]
Theo ông Vương Hữu Tiếng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, hai đập Tha La và Trà Sư được xây dựng, đưa vào quản lý, vận hành từ tháng 5/2000. Nhiệm vụ chính là điều tiết lũ từ thượng nguồn Campuchia ra biển Tây; ngăn lũ đổ về phía Nam Quốc lộ 91 bảo vệ diện tích lúa Hè Thu, bảo đảm an toàn sản xuất vụ Thu Đông.
"Hiện nay, sau 17 năm đưa vào sử dụng, hai đập Tha La và Trà Sư đã xuống cấp, ảnh hưởng tới việc vận hành quy trình xã lũ của cả hai đập này. Thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã có phương án thay thế hai đập cao su Tha La, Trà Sư bằng hai cống bê tông nhằm phục vụ tốt hơn truy trình kiểm soát lũ cho khu vực Đồng bằng song Cửu Long và vùng Đồng Tháp Mười," ông Tiếng thông tin thêm.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn An Giang, ngày 22/9, mực nước tại các trạm đầu nguồn đo được tại Tân Châu lũ đạt mức 3,30m; cao hơn so với cùng cùng kỳ năm 2016 là 0,33m. Tại Châu Đốc, lũ đạt mức 2,96m; so với cùng kỳ năm 2016 cao hơn 0,37m. Tại 2 đập Tha La và đập Trà Sư khu vực thương lưu, mực nước trên 2,99m và 2,97m; cao hơn hạ lưu từ 1m đến 1,12m.
Dự báo, mực nước cao nhất đầu nguồn sông Cửu Long, khu vực hạ nguồn, khu vực nội đồng Tứ Giác Long Xuyên những ngày tới sẽ tiếp tục lên nhanh và có diễn biến bất thường.
Để bảo vệ an toàn cho người, tài sản của người dân vùng hạ du, trong quá trình mở đập xã lũ, các địa phương liên quan có nhu cầu đóng đập để bảo vệ an toàn đê bao tiểu vùng thì báo ngay về Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang có hướng xử lý kịp thời./.