Xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc: Cửa đã mở nhưng vẫn phải tính xa

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan nhấn mạnh cơ hội mở rộng thị trường cho sầu riêng chỉ thật sự mở ra khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác.
Xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc: Cửa đã mở nhưng vẫn phải tính xa ảnh 1Nghị định thư quy định cụ thể về quản lý vùng trồng, đóng vói và chế biến, kiểm tra và kiểm dịch khi Trung Quốc nhập khẩu. (Ảnh minh hoạ: Nam Thái/TTXVN)

Chuyến hàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc đầu tiên sẽ được tỉnh Đăk Lắk tổ chức công bố vào ngày 17/9. Như vậy, phải mất hơn 2 tháng kể từ khi ký kết nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, chuyến sầu riêng tươi đầu tiên mới chính thức được xuất khẩu.

Vừa mừng vừa lo

Sau 4 năm đàm phán với Trung Quốc, Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cùng với Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vừa mới được ký kết. Đây là cơ hội lớn nâng cao giá trị cho quả sầu riêng, nhưng tin vui này mới chỉ là thành công bước đầu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết Trung Quốc đã công bố 51 vùng trồng, 25 cơ sở đóng gói ở Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. so với diện tích sầu riêng trên cả nước là 85.000 ha, số lượng vùng trồng này mới chỉ chiếm 3,23% tổng diện tích.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, nếu tính cả số hồ sơ Trung Quốc đang xem xét phê duyệt, diện tích vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam đạt khoảng 7%, một con số rất nhỏ. Trong số các mã số vùng trồng được phê duyệt, có 26 vùng trồng đang cho thu hoạch trong tháng Chín đến tháng Mười Một với sản lượng 13-14.000 tấn/tháng.

Tin vui mở được “cánh cửa” xuất khẩu sang Trung Quôc chưa được bao lâu đã phải đối mặt với nỗi lo về nguy cơ doanh nghiệp giả mạo vùng trồng, hoặc trộn lẫn sầu riêng ở nơi khác không đủ điều kiện để đưa sang Trung Quốc dẫn tới nguy cơ mất thị trường, ảnh hưởng cả ngành hàng sầu riêng của Việt Nam.

[Có 51 mã vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc]

“Số lượng sầu riêng được cấp phép, đủ điều kiện xuất chính ngạch sang Trung Quốc chiếm rất thấp đã khiến cho nguy cơ sẽ xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và gian dối trong xuất khẩu,” bà Nguyễn Thị Thu Hương cho hay.

Ông Hoàng Trung Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho biết đã có tình trạng mạo danh mã số vùng trồng sầu riêng để xin đăng ký xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 đã phát hiện container sầu riêng đưa đến cửa khẩu nhưng đơn vị xuất khẩu cung cấp mã số vùng trồng của lô hàng này không hợp lệ.

Xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc: Cửa đã mở nhưng vẫn phải tính xa ảnh 2Thu mua sầu riêng ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Trong thực tế thời gian qua, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ghi nhận 18 xe container sầu riêng của các doanh nghiệp tập kết ở Lạng Sơn chờ xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng khi kiểm tra đều không đáp ứng được yêu cầu theo Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc nên đã đưa hàng về tiêu thụ trong thị trường nội địa.

"Muốn đi xa thì đi cùng nhau"

“Cánh cửa” xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc đã mở, nhưng “cánh cửa” này mở rộng hay hẹp sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình triển khai trong thời gian thới. Để nâng số lượng cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sẽ còn cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh cơ hội chỉ thật sự mở ra khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác; phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất; phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc.

“Một lần bất tín là vạn lần bất tin. Do đó, việc chuẩn hóa giống, quy trình, thị trường, kiến thức, tri thức người nông dân là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Cần xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, bắt đầu từ câu chuyện của trái sầu riêng,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Chúng ta phải biết dựa vào nhau, nương tựa nhau thay vì cạnh tranh, chen chúc nhau. Đây là cách để đưa trái sầu riêng phát triển ở thị trường Trung Quốc.”

Thời gian tới, để duy trì và tiếp tục nâng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Cục Bảo vệ thực vật và các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trồng và có cơ sở đóng gói sầu riêng tiếp tục hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký, khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Đến nay, một số địa phương như Tiền Giang đã bắt đầu qua mùa cao điểm thu hoạch sầu riêng, mặc dù chưa được cấp phép trong nhưng đây cũng là cơ hội để các nông hộ này điều chỉnh cho mua vụ tiếp theo để đáp ứng được yêu cầu của phía Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục