Yemen: Ủy ban giám sát ngừng bắn tại Hodeida lần đầu tiên nhóm họp

Ủy ban giám sát có nhiệm vụ đảm bảo cảng Hodeida hoạt động bình thường và giám sát quá trình phiến quân rút khỏi thành phố cảng trên.
Yemen: Ủy ban giám sát ngừng bắn tại Hodeida lần đầu tiên nhóm họp ảnh 1Cảnh đổ nát sau các cuộc giao tranh tại Hodeida, Yemen ngày 17/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 26/12, Ủy ban giám sát lệnh ngừng bắn của Liên hợp quốc tại thành phố Hodeida của Yemen, trong đó có đại diện các bên tham chiến tại Yemen, đã nhóm họp lần đầu tiên tại thành phố cảng của nước này.

Ủy ban giám sát lệnh ngừng bắn, đứng đầu là Tướng về hưu người Hà Lan Patrick Cammaert cùng một số quan chức Chính phủ Yemen được Saudi Arabia hậu thuẫn và đại diện nhóm nổi dậy Houthi.

[Các bên đối địch tại Yemen cần tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn]

Một quan chức giấu tên thân Chính phủ Yemen bày tỏ kỳ vọng các bên sẽ đạt được kết quả tốt đẹp sau cuộc gặp này.

Ủy ban giám sát có nhiệm vụ đảm bảo cảng Hodeida hoạt động bình thường và giám sát quá trình phiến quân rút khỏi thành phố cảng trên.

Thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên tham chiến tại Yemen bắt đầu có hiệu lực ở thành phố Hodeida từ giữa đêm 17 rạng sáng 18/12.

Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận và lực lượng Houthi đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau nhiều ngày tiến hành hòa đàm tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển) dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Hai bên cũng nhất trí sẽ tiến hành thêm các cuộc đàm phán vào cuối tháng 1/2019 để đưa khung đàm phán tiến tới xây dựng thỏa thuận hòa bình toàn diện.

Lệnh ngừng bắn tại thành phố cảng Hodeida, nơi lưu thông 90% thực phẩm nhập khẩu vào Yemen, là một trong những nỗ lực thúc đẩy hòa bình vốn được nhìn nhận là cơ hội tốt nhất nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 4 năm giữa phiến quân Houthi và các lực lượng chính phủ bên cạnh liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu.

Tuy nhiên, xung đột vẫn diễn ra tại thành phố cảng này trong khi các bên tiếp tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa nhóm vũ trang Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận.

Tháng 3/2015, liên quân Arab đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi.

Theo Liên hợp quốc, kể từ đó đến nay, hơn 10.000 người đã thiệt mạng tại Yemen.

Xung đột cũng đẩy quốc gia Trung Đông này vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới với gần 14 triệu người đứng trước nguy cơ bị đói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục