Bà Aung San Suu Kyi cam kết khôi phục hòa bình ở bang Rakhine

Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi ngày 19/9 khẳng định nước này cam kết khôi phục hòa bình ở bang miền Bắc Rakhine, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác nhằm giải quyết vấn đề đang nảy.
Bà Aung San Suu Kyi cam kết khôi phục hòa bình ở bang Rakhine ảnh 1Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi ngày 19/9 khẳng định nước này cam kết khôi phục hòa bình, ổn định và luật pháp ở bang miền Bắc Rakhine, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác nhằm giải quyết vấn đề đang nảy sinh ở bang này.

Trong bài phát biểu đặc biệt tại thủ đô Nay Pyi Taw liên quan đến nỗ lực hòa bình và hòa giải quốc gia của chính phủ trước 700 người, trong đó có 120 nhà ngoại giao nước ngoài, bà Aung San Suu Kyi đã khẳng định cam kết của chính phủ trong việc thực thi các đề xuất của Ủy ban cố vấn, do cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đứng đầu, nhấn mạnh những đề xuất này sẽ giúp cải thiện nhanh chóng tình hình ở bang Rakhine.

Bà cũng đã thông báo về nỗ lực của chính phủ khôi phục tình hình ở bang Rakhine, theo đó, xung đột vũ trang đã không xảy ra tại đây từ ngày 5/9. Tuy nhiên, Cố vấn Nhà nước Myanmar cũng bày tỏ quan ngại về số lượng người Hồi giáo đang di tản sang biên giới Bangladesh.


[Myanmar sẵn sàng hỗ trợ cho người Hồi giáo Rohingya muốn trở về]

Bà Aung San Suu Kyi cho biết bà muốn tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thông qua việc lắng nghe những người đã di tản và những người còn ở lại cũng như mời cộng đồng ngoại giao tham gia tìm hiểu nguyên nhân.

Bên cạnh đó, bà Aung San Suu Kyi cũng cho biết chính phủ đã soạn dự thảo phát triển kinh tế-xã hội bang Rakhine trong giai đoạn từ năm 2017-2021 nhằm thúc đẩy phát triển khu vực trên nhiều lĩnh vực cũng như tạo cơ hội việc làm mới cho người dân địa phương thông qua đối tác công-tư. Bà cho biết người dân ở bang Rakhine đã được tiếp cận tới giáo dục và các dịch vụ y tế. Hiện chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy hòa hợp tôn giáo tại bang.

Đối với những người Hồi giáo Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh, Chính phủ Myanmar sẵn sàng bắt đầu tiến trình xác minh nhằm tạo điều kiện cho họ hồi hương bất kỳ thời điểm nào theo thỏa thuận với Bangladesh năm 1993, đồng thời khẳng định họ sẽ được đảm bảo về an ninh và hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, tiến trình này cần có sự hợp tác của tất cả các cộng đồng.

Liên quan tới mối quan hệ với Bangladesh, bà Aung San Suu Kyi cho biết Nay Pyi Taw đang nỗ lực củng cố mối quan hệ hiện nay với Dhaka, và mong muốn Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh tới Myanmar nhằm cùng nhau giải quyết các vấn đề an ninh biên giới.

Theo thống kê của Chính phủ Myanmar, kể từ khi nổ ra các vụ đụng độ sau khi các phần tử khủng bố tiến hành các cuộc tấn công mới vào các đồn cảnh sát ở bang Rakhine hôm 25/8, hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đã phải sang Bangladesh lánh nạn. Bà Suu Kyi đã không tham dự Khóa họp 72 Đại Hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York, Mỹ, để tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Ngày 13/9 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại trước tình trạng lạm dụng vũ lực tại Myanmar sau khi chính quyền nước này triển khai chiến dịch an ninh tại bang Rakhine, đồng thời kêu gọi "lập tức có những biện pháp" để chấm dứt bạo lực.

Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước mình, và gọi họ là người Bengalis - hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng - dù nhiều người đã sống tại Myanmar qua nhiều thế hệ.

Thời gian qua đã xảy ra tình trạng người Rohingya di cư hàng loạt từ bang Rakhine sang các nước láng giềng sau khi quân đội Myanmar phát động các chiến dịch truy quét các phần tử tấn công các trạm kiểm soát biên giới.

Giới chức Myanmar cáo buộc các tay súng tấn công này là thành viên lực lượng Tổ chức Thống nhất người Rohingya, một nhóm vũ trang sắc tộc nhỏ Rohingya hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục