Các địa phương cấp bách triển khai phòng, chống cơn bão số 2

Các địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2, kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu để đảm bảo an toàn cho ngư dân, đề phòng sạt lở đất ở miền núi...
Các địa phương cấp bách triển khai phòng, chống cơn bão số 2 ảnh 1Các tàu thuyền neo đậu tránh trú bão tại khu vực cảng Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình. (Ảnh: Công Hải/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2 được dự báo đổ bộ vào khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ, các địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão, kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu để đảm bảo an toàn cho ngư dân, đề phòng sạt lở đất ở miền núi, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời.

Tại Nghệ An, tỉnh tổ chức theo dõi sát diễn biến của cơn bão số 2 đồng thời tăng cường thông tin để người dân và các cấp chính quyền biết, chủ động phòng chống, tránh tư tưởng chủ quan, bất cẩn, coi thường mưa bão.

Ủy ban Nhân dân tình Nghệ An yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi trú ẩn an toàn và neo đậu về bờ trước 17 giờ ngày 16/7, kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền khi có bão.

Chiều 16/7, tỉnh Nghệ An tổ chức các đoàn đi kiểm tra các phương án di dời dân tại các vùng ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá; yêu cầu các địa phương và các ngành chức năng kiên quyết cưỡng chế đối với các trường hợp không chịu chấp hành lệnh di dời.

Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng đang khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập; kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông; chuẩn bị thuốc men, nhu yếu phẩm, phương tiện để ứng cứu khi xảy ra ngập lụt, chia cắt.

Hiện các cơ quan thường trực cứu hộ cứu nạn (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh...) đã sẵn sàng phương tiện, lực lượng để làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống phức tạp do bão lũ gây ra.

[Triển khai đồng bộ các phương án ứng phó với bão số 2]

Tại Nghệ An, do ảnh hưởng của bão số 2, trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã xảy ra hiện tượng sạt lở, hư hỏng như Quốc lộ 48 bị sạt lở tại Km 115+800, 117+650, 120+100, 120+600; Quốc lộ 16 sạt lở tại Km 308+00 - Km 308+100, Km 334+300; đường tỉnh 544 tại lý trình Km 28+700 có một đốt cống bị sập do mưa...

Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão số 2 được tỉnh Nghệ An xác định là các huyện, thị xã ven biển và các huyện miền núi nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, mưa lũ lớn, nước dâng cao.

Hiện nay cùng với việc khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống bão số 2, ngành giao thông tỉnh đang tích cực phối hợp với các đơn vị quản lý giao thông của Bộ Giao thông Vận tải tiến hành cắm cọc tiêu, biển báo, cảnh báo khu vực nguy hiểm; gia cố tạm thời những vị trí sạt lở để cho các phương tiện phục vụ công tác phòng chống bão lũ và người dân lưu thông qua lại.

Tại Ninh Bình, do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn trên diện rộng, có nơi mưa to đến rất to.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã có công điện gửi các địa phương triển khai các phương án ứng phó với bão; trong đó tập trung theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngăn không cho tàu thuyền ra khơi và thông báo thường xuyên cho các phương tiện, tàu thuyền vào nơi trú ẩn đồng thời, triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh III và di dân ra khỏi vùng thấp trũng, các điểm có nguy cơ sạt lở đất, đá ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú bão an toàn trước 17 giờ ngày 16/7.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố cũng phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình chủ động triển khai phương án chống úng, tiêu kiệt nước đệm đảm bảo an toàn cho lúa mùa mới gieo cấy và kiểm tra đảm bảo an toàn hồ đập. Khu vực vùng đồi, núi triển khai phương án phòng chống sạt lở đất, đá đảm bảo hạn chế tháp nhất thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra.

Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 2, các ngành chức năng địa phương đã tiến hành kêu gọi được 457 thuyền viên/148 phương tiện đánh bắt; trong đó, có 80 thuyền viên/9 phương tiện đánh bắt xa bờ đã vào nơi neo đậu an toàn; 74 thuyền viên/26 phương tiện đang hoạt động gần bờ biển tỉnh Ninh Bình và 303 thuyền viên/113 phương tiện đang neo đậu tại bến.

Ngoài ra, đã thông báo cho 254 lao động/196 lều chòi đang nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê Bình Minh III và khu vực Cồn Nổi về hướng di chuyển của bão số 2 để chủ động phòng tránh.

Đến sáng 16/7, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo vận hành 109 máy bơm/46 trạm bơm và mở 20 cống dưới đê để sẵn sàng cho công tác chống úng, tiêu kiệt nước đệm./.

Trong khi đó, chiều 16/7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng đã yêu cầu đình chỉ các hoạt động trên biển để bảo đảm an toàn.

Các tuyến vận tải hành khách, hàng hóa nội địa bị đình chỉ từ 16 giờ ngày 16/7, riêng tuyến Cát Bà-Bến Bính từ 15 giờ cùng ngày. Các tuyến phà biển, sông bị đình chỉ từ 17 giờ ngày 16/7.

Các lực lượng chức năng của thành phố kiên quyết ngăn chặn, không để cho các tàu thuyền, thủy sản, phương tiện vận tải đường thủy nội địa, phà, đò, lồng bè đã vào nơi trú tránh hoạt động trong thời gian từ 17 giờ ngày 16/7.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã có Công điện chỉ đạo các địa phương, ngành, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 2, chủ động thực hiện các biện pháp tưới tiêu nước, chống ngập úng đề phòng ngập lụt khu vực đô thị, bảo vệ sản xuất nông nghiệp thủy sản; sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ để ứng cứu khi có yêu cầu.

Theo báo cáo của lực lượng biên phòng thành phố Hải Phòng, đến 12 giờ ngày 16/7, hầu hết các phương tiện đã cơ bản về nơi tránh trú bão an toàn.

Các địa phương cấp bách triển khai phòng, chống cơn bão số 2 ảnh 2Tàu, thuyền neo đậu tại khu vực đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng. (Nguồn: TTXVN)

Tại Thái Bình, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, tỉnh Thái Bình đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ." Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu các huyện, thành phố đôn đốc việc cắt cây, tỉa cành, chằng chống nhà cửa, trường học, kho tàng, bệnh viện, các lồng bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.

Đặc biệt, hai huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy chủ động di dời các hộ dân sống ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào trong đê chính, kiên quyết di chuyển dân đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 16/7.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành các công điện, chỉ đạo các địa phương, ngành tích cực triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão này. Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp và các hoạt động không cần thiết để tập trung phòng chống bão. Tỉnh Thái Bình đã chia các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bão tại một số địa phương.

[Hàng không hủy hàng loạt chuyến bay do ảnh hưởng cơn bão số 2]

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, trên địa bàn tỉnh có 1.288 tàu, thuyền với trên 3.600 lao động hoạt động khai thác thủy, hải sản, trong đó, có 92 phương tiện với 453 lao động đang hoạt động, neo đậu vùng biển ngoài tỉnh; 415 phương tiện với 1.291 lao động đang hoạt động ven biển tỉnh Thái Bình, Nam Định; 781 phương tiện với 1.862 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh. Tất cả các phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình. Hiện nay, toàn tỉnh có 6.428 hộ với 17.513 người sinh sống ngoài đê chính cần lưu ý để có phương án di dời khi cần thiết.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình dự báo, do ảnh hưởng của bão số 2 từ tối và đêm nay, tại các huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương, Vũ Thư, thành phố Thái Bình sẽ có gió bão mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Từ chiều và đêm 16/7 đến 18/7, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Để bảo vệ 72.700ha lúa mùa mới gieo cấy và các diện tích cây màu chưa thu hoạch và mới gieo trồng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương chủ động khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng; phân công cụ thể cán bộ và lực lượng thường xuyên kiểm tra các tuyến đê xung yếu để có phương án xử lý ứng cứu theo phương châm "4 tại chỗ."

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, tranh thủ mở các cống tiêu nước, đặc biệt là cống Trà Linh và cống Lân để hạ mực nước trên các trục tiêu của toàn hệ thống, kịp thời tiêu nước đệm, phòng chống úng ngập do mưa lớn và hoàn lưu sau bão.

Trong khi đó, chiều 16/7, thông tin từ Tiểu ban nghề cá tỉnh Hà Tĩnh cho biết đến nay, tỉnh Hà Tĩnh có trên 6.102 tàu, thuyền đã vào tránh trú bão an toàn (trong đó có 118 tàu, thuyền hoạt động ở vùng biển từ tỉnh Thanh Hóa đến Hải Phòng).

Tính đến 17 giờ chiều 16/7, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh bằng nhiều kênh thông tin như điện thoại, bộ đàm đã tập trung kêu gọi các chủ tàu, thuyền vào nơi tránh trú ẩn an toàn.

Theo ghi nhận của phóng viên tại huyện Lộc Hà, ngay đầu giờ chiều 16/7, lãnh đạo địa phương đã triệu tập cuộc họp khẩn nhằm triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 2. Ngay sau cuộc họp, lãnh đạo huyện Lộc Hà đã trực tiếp xuống các điểm xung yếu nhằm kiểm tra công tác chằng néo nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, chuẩn bị các phương án ứng phó với cơn bão số 2.

Hiện nay, tại âu tránh trú bão ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà đã có trên 200 tàu, thuyền với 1.230 lao động các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh được về nơi neo đậu an toàn.

Ngoài ra, huyện Lộc Hà có 4 tàu, thuyền với 21 thuyền viên được hướng dẫn về nơi trú ẩn ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng).

Sáng cùng ngày, trong cuộc họp triển khai các phương án đối phó với cơn bão số 2, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn yêu cầu 17 giờ ngày 16/7, tất cả các tình huống ứng phó bão phải được kiểm soát, nhất là các địa phương ven biển.

Trong chiều 16/7, tất cả các hệ thống cống, các hồ đập phải được đảm bảo vận hành, kiểm soát tình huống.

Các địa phương phải kiểm tra cụ thể tận cơ sở, đồng thời xây dựng kịch bản ứng cứu khi có bão lớn, mưa to và có phương án xử lý lũ quét ở các huyện vùng như: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục