Hòa nhạc "Điều còn mãi": Nghe Tổ quốc bằng tiếng sóng dội vào ghềnh đá

Trong 2 giờ, hòa nhạc "Điều còn mãi" đã gọi tên những giá trị chuẩn mực và thuần khiết của âm nhạc Việt Nam qua nhiều thế hệ, đủ cho công chúng nhìn lại một di sản âm nhạc đầy kiêu hãnh của đất nước.
Hòa nhạc "Điều còn mãi": Nghe Tổ quốc bằng tiếng sóng dội vào ghềnh đá ảnh 1Trọng Tấn hát 'Bám biển quê hương.' (Ảnh: BTC)

Có điều gì có thể khiến những trái tim người Việt thổn thức, tự hào về hồn thiêng sông núi, ngoài hình ảnh cờ đỏ rợp trời, lẫn cảnh tượng diễu binh, diễu hành uy nghiêm của quân dân, trong ngày qua? Thì đó chính là giai-điệu-Tổ-quốc mà hòa nhạc Quốc gia “Điều còn mãi” đem lại cho những khán giả có mặt.

Ở một không gian khác, ở thời khắc đặc biệt, lúc 2 giờ chiều ngày 2/9, trong bầu không khí kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh, chỉ 2 tiếng đồng hồ, thật kỳ diệu khi âm nhạc khiến cho người nghe ý niệm về tình yêu nước, tự hào dân tộc.

Vỏn vẻn hai giờ, nhưng dưới tài chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi, những giá trị chuẩn mực và thuần khiết của âm nhạc Việt Nam qua nhiều thế hệ được tuyển chọn, đủ cho công chúng nhìn lại một di sản âm nhạc đầy kiêu hãnh của đất nước.

Cảm xúc của những khán giả có mặt được đẩy dần lên vừa da diết vừa hùng tráng, thiêng liêng.

Là ai, hẳn là sẽ thấy mình thật may mắn khi được có mặt dưới sân khấu ấy, để được trải nghiệm những khoảng khắc hiếm gặp, trong giai điệu như tiếng gọi Tổ quốc cứ cuồn cuộn, khắc khoải, như triều dâng, “bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá...”

Cũng trên di sản ấy, tiếng hát của các nghệ sỹ như chưa bao giờ da diết và khoáng đạt đến thế.

Dẫu “ông hoàng nhạc Đỏ” Trọng Tấn và Tùng Dương luôn là cái tên đảm bảo cho tầm vóc và chất lượng đỉnh cao của chương trình, nhưng sự trở lại của họ, thực sự không gây quá nhiều bất ngờ và đón đợi.

Thay vào đó, những khán giả cũ và mới của “Điều còn mãi” háo hức hơn với tiếng đàn violin “ẩn dật” Xuân Huy và ca khúc chưa được đại chúng biết đến như “Bài ca chung thủy” của Hoàng Dương hay tiếng hát mới mẻ như Hà Phạm Thăng Long.

Hòa nhạc "Điều còn mãi": Nghe Tổ quốc bằng tiếng sóng dội vào ghềnh đá ảnh 2Nghệ sỹ Xuân Huy. (Ảnh: BTC)

Nhưng không hẳn là thế, “Điều còn mãi” sau một năm gián đoạn, hiện diện vẫn đầy bản sắc cùng những bất ngờ, thú vị. Nếu bản “Quốc ca” khai màn luôn mang đến cảm xúc đặc biệt thì tiếng hát đỉnh cao, hiếm thấy của Trọng Tấn và Tùng Dương một lần nữa đã bay ra khỏi khán phòng Nhà hát Lớn, đến vùng trời rộng lớn hơn chính là trái tim của công chúng yêu nhạc.

Vẫn là Trọng Tấn, với giọng hát trầm ấm, thấm đẫm hồn quê hương, khiến người nghe xúc động khi cất lên gia điệu bài hát “Bám biển quê hương.”

Nỗi niềm xúc động đó lẫn dư âm mà Trọng Tấn để lại luôn đằm sâu, mộc mạc trong trái tim người nghe nhạc, có lẽ, dù ở trên đỉnh nhưng Trọng Tấn không hát với tâm thế khoe giọng hát trời phú mà luôn bắt lấy hồn giai điệu.

Hòa nhạc "Điều còn mãi": Nghe Tổ quốc bằng tiếng sóng dội vào ghềnh đá ảnh 3Trọng Tấn để lại dư âm đẹp khi thổi hồn 'ngư dân' vào ca khúc... (Ảnh: BTC)

"Bám biển quê hương” khiến người nghe không chỉ hưởng bầu không khí rạo rực, hào sảng mà còn chớp được cái hồn mộc mạc, khoáng đạt của “ngư dân” quyết tâm giữ biển, giữ biên giới trên biển của dân tộc. Và Tùng Dương, khi hát với dàn nhạc giao hưởng thì vẫn là cá tính âm nhạc đầy biến báo, luôn vượt ra ngoài khuôn khổ dòng nhạc.

Nhạc cảm thăng hoa, khiến Divo làng nhạc nhẹ không thể đứng yên giữa dàn nhạc, mà có “cuộc bay” đầy tự do, khoáng đạt theo giai điệu “Người lái đồ trên sống Pô Kô” “Chiếc khăn Piêu.”

Để thấy sáng tạo nghệ thuật là không biên giới, những tưởng với thể nghiệm “Chiếc khăn Piêu” của Tùng Dương trong hai năm qua đã đến chạm ngưỡng đường biên, và người nghe vẫn bằng lòng đón nhận như nó vốn thế.

Nhưng thật khó tin, khi Dương cất vang tiếng hát “Chiếc khăn Piêu” cùng dàn nhạc giao hưởng đầy lạ lẫm, tất cả khán giả ngồi dưới nhiều lần rùng mình, hoan hỉ.

Hòa nhạc "Điều còn mãi": Nghe Tổ quốc bằng tiếng sóng dội vào ghềnh đá ảnh 4Tùng Dương thăng hoa với 'Chiếc khăn Piêu' cùng dàn nhạc giao hưởng. (Ảnh: BTC)

Những cái ôm xiết chặt đầy xúc động và đồng điệu giữa ca sỹ và nhạc trưởng Lê Phi Phi, những tràng vỗ tay ngân dài, không dứt trở thành hình ảnh và dư âm đẹp về khát vọng, thăng hoa của người nghệ sỹ đã chạm tới xúc cảm và suối nguồn thiêng liêng của người nghe.

Thật như câu nói bất hủ, khi mọi ngôn ngữ bất lực, âm nhạc lại cất lời, nâng cánh cho giai điệu dân gian ở một vùng thiểu số, lan tỏa, vươn xa như tiếng lòng Tổ quốc.

“Điều còn mãi” cuối cùng, cũng là cái kết xứng tầm cho hòa nhạc Quốc gia năm nay chính là dấu ấn Đăng Dương trong ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” như một lời hiệu triệu mạnh mẽ.

Hòa nhạc "Điều còn mãi": Nghe Tổ quốc bằng tiếng sóng dội vào ghềnh đá ảnh 5Ca sỹ Đăng Dương. (Ảnh: BTC)

Với sự hỗ trợ của dàn hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng, ca sỹ Đăng Dương đã khiến rất nhiều khán giả rơi lệ vì xúc động khi cất lên giai điệu: “…Tổ quốc linh thiêng, Tổ quốc linh thiêng/ Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa/ Tôi lắng nghe, tôi lắng nghe, tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình...”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục