Ngành bán lẻ Việt Nam đang chuyển dịch sang hướng hiện đại

Ngành bán lẻ Việt Nam đang có sự chuyển dịch từ kênh bán lẻ truyền thống sang hiện đại, với kênh bán hàng hiện đại chiếm 25% thị phần.
Ngành bán lẻ Việt Nam đang chuyển dịch sang hướng hiện đại ảnh 1Mua sắm tại siêu thị Co.op Bình Triệu, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Kênh bán hàng hiện đại gần đây chiếm tới 25%, trong khi trước đó, 100% là bán lẻ truyền thống. Các chuyên gia dự đoán bán lẻ hiện đại sẽ bùng nổ và là động lực phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam.

Tại Diễn đàn "Ngành bán lẻ trong kỷ nguyên mới: Tầm nhìn và con đường thành công” do Hiệp hội bán lẻ Việt Nam tổ chức ngày 13/10, tại Hà Nội, ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, thị trường phân phối bán lẻ tại Việt Nam đang bùng nổ các loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại lớn.

Một số tập đoàn bán lẻ lớn đang gia tăng thăm dò, tìm kiếm cơ hội đầu tư bán lẻ hoặc bắt đầu hoạt động tại Việt Nam như Walmart, Auchan, Robinson. Cơ hội còn nhiều nhưng để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài trên sân nhà lại không dễ.

Năm 2014 được đánh giá là năm thị trường bán lẻ toàn cầu với nhiều thay đổi cơ bản và mạnh mẽ. Người tiêu dùng Việt Nam càng ngày càng năng động hơn, hội nhập hơn, thay đổi nhanh hơn và yêu cầu ngày càng cao hơn, đa dạng hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán lẻ toàn cầu đã tạo ra một môi trường kinh doanh đầy thách thức đối với các nhà bán lẻ Việt Nam. Không những thế, đây cũng là dịp mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp thấu hiểu và điều chỉnh thành công chiến lược của mình phù hợp với bối cảnh chung.

Đại diện cho phía doanh nghiệp, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam khẳng định càng ngày sẽ càng có nhiều doanh nghiệp bán lẻ thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Ở góc độ nào đó, đây là sự cạnh tranh mà các doanh nghiệp cần đón nhận như một thách thức và cũng là một cơ hội.

Với việc nhiều doanh nghiệp bán lẻ đổ bộ vào Việt Nam buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng trước sự cạnh tranh về dịch vụ bán lẻ, kỹ năng, cũng như các mặt mạnh khác của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan nhấn mạnh thông điệp của Hiệp hội là không phải dự án đầu tư bán lẻ nào cũng trải thảm đỏ mời gọi. Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên các nhà quản lý phải cân nhắc khi cấp phép. Không nhất thiết phải bảo hộ doanh nghiệp trong nước, nhưng quan trọng phải minh bạch và rõ ràng trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy tính đến hết năm 2013, cả nước mới có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại các loại; gần 9.000 chợ các loại và khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình.

Dự kiến đến năm 2020, cả nước có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục