Ngư dân Khánh Hòa vay vốn phát triển tổ hợp tàu cá composite

Từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67, ngư dân Khánh Hòa đang có cơ hội để sở hữu được một hoặc tổ hợp tàu composite giúp khai thác hải sản được hiệu quả hơn.
Ngư dân Khánh Hòa vay vốn phát triển tổ hợp tàu cá composite ảnh 1Tàu đánh cá lưới vây vỏ thép. (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN)

Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân Khánh Hòa phát triển tổ hợp tàu cá composite, điều mà ngư dân đã mong muốn từ nhiều năm qua để khai thác hải sản xa bờ hiệu quả, bền vững hơn.

Từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67, ngư dân Khánh Hòa đang có cơ hội để sở hữu được một hoặc tổ hợp tàu composite. Tại Khánh Hòa đang hình thành hai tổ hợp sản xuất mới trên biển, gồm tổ hợp có một tàu composite cỡ lớn cùng nhiều tàu gỗ và tổ hợp tàu composite.

Đây chính là điểm khác biệt của ngư dân Khánh Hòa so với ngư dân các tỉnh, thành khác vốn dành sự quan tâm nhiều hơn đến tàu cá vỏ thép.

Ông Lê Văn Quyền (xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang) sở hữu hai tàu cá composite KH 95779 và KH 90686, công suất mỗi tàu trên 500 CV. Hai tàu cá này đang khai thác hải sản xa bờ hiệu quả với các nghề câu cá ngừ đại dương, chụp mực. Sau khi Nghị định 67 có hiệu lực, ông Quyền đã đăng ký vay 20 tỷ đồng đóng thêm một tàu composite cỡ lớn, dài 35m, công suất trên 1.000CV để cùng với hai tàu sẵn có tạo thành tổ hợp sản xuất trên biển.

Ông Quyền, cho biết trong tổ hợp tàu composite, chiếc tàu lớn nhất sẽ vừa tham gia khai thác hải sản vừa làm dịch vụ, thu gom hải sản; qua đó giúp kéo dài thời gian đánh bắt trên biển và bảo quản hải sản sau đánh bắt cũng được tốt hơn.

Mặc dù đang sở hữu bảy chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó có bốn tàu composite nhưng ông Lê Văn Tuấn (phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang) vẫn đăng ký vay 19 tỷ đổng để đóng mới tàu composite dài 34m, công suất trên 800CV. Theo ông Tuấn, chiếc tàu composite được đóng mới sẽ cùng với bốn chiếc tàu cùng loại tạo thành tổ hợp sản xuất trên biển. Phương thức sản xuất này sẽ giúp khai thác hải sản được tất cả các mùa trong năm và ở cả vùng biển lộng và khơi.

Kể từ khi Nghị định 67 có hiệu lực, đến nay ngư dân Khánh Hòa vẫn tiếp tục đăng ký vay để đóng tàu mới, trong đó phần nhiều là tàu composite công suất từ 400CV trở lên. Chỉ tính riêng trong đợt đầu cho vay vốn theo Nghị định 67, tỉnh Khánh Hòa sẽ xét duyệt cho ngư dân vay để tàu đóng mới 30 tàu cá, trong đó có tới 24 tàu composite.

Nhiều ngư dân cho biết, so với tàu gỗ, tàu composite có rất nhiều ưu thế nên đánh bắt hải sản xa bờ cho sản lượng cao hơn, tiết kiệm nhiên liệu và chi phí bảo dưỡng, bảo quản hải sản sau đánh bắt tốt hơn nên bán được giá. Hiệu quả là vậy, nhưng suốt 15 năm qua, không có nhiều ngư dân Khánh Hòa có điều kiện sử dụng tàu composite.

Ông Phan Tuấn Long, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy thuộc Trường Đại học Nha Trang, cho rằng trước đây, do không có thông tin đầy đủ nên ngư dân cứ nghĩ composite là nhựa mềm, dẻo nên không thể đóng được tàu hoặc đóng được thì tàu cũng dễ bị hư hỏng. Khi ngư dân biết được hiệu quả và mong muốn sở hữu tàu composite thì kinh phí lại là “rào cản” khiến họ không thể đóng được loại tàu này.

Cùng với vốn vay ưu đãi từ Nghị định 67, ngư dân Khánh Hòa còn có nhiều điều kiện thuận lợi khác để phát triển đội tàu composite khi trên địa bàn tỉnh có các viện nghiên cứu, cơ sở đóng, sửa chữa loại tàu này. Trước nhu cầu đóng mới tàu composite ngày càng tăng, các viện, cơ sở đóng tàu đang phối hợp ngư dân thiết kết mẫu, hoàn thiện tính năng của tàu, như gia cường nhằm tăng độ bền, chịu va đập, ứng dụng công nghệ hiện đại vào bảo quản hải sản, giảm giá thành sản xuất.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục