Philippines mở thầu nhập khẩu gạo: Doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh

Khả năng phía Việt Nam chỉ có sáu doanh nghiệp tham gia đấu thầu bán gạo lần này cho Philippines, bởi phải đáp ứng đủ điều kiện được đặt ra mới có thể dự thầu.
Philippines mở thầu nhập khẩu gạo: Doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh ảnh 1Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Dự kiến, ngày 25/7, Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) sẽ chính thức mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo (25% tấm).

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, khả năng cạnh tranh cũng như những quy định về điều kiện tham gia đấu thầu lần này khó hơn rất nhiều so với trước đây.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ), cho biết khả năng phía Việt Nam chỉ có sáu doanh nghiệp tham gia đấu thầu bán gạo lần này cho Philippines, bởi phải đáp ứng đủ điều kiện được đặt ra mới có thể dự thầu.

Cụ thể, một doanh nghiệp muốn tham gia đấu thầu gói nào thì trước đó 2-3 năm đã phải ký hợp đồng và giao hàng với số lượng tương ứng mới được tham gia đấu thầu. Ví dụ, để tham gia gói 50.000 tấn thì trong vòng 2-3 năm trở lại đây doanh nghiệp đó phải có ký hợp đồng và đã giao là 50.000 tấn mới được ký. Còn muốn đăng ký gói 25.000 tấn, thì trước đó cũng phải ký được hợp đồng và giao hàng lô gạo 25.000 tấn. Ông Bình khẳng định không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu này.

Theo ông Bình, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp bán vào Philippines 100.000-200.000 tấn. Thế nhưng, các doanh nghiệp ký một hợp đồng 25.000 tấn hay 50.000 tấn là không nhiều, mà chỉ ký mỗi lần 3.000-5.000 tấn và khi thực hiện xong thì ký tiếp. Điều kiện này có thể bất ngờ đối với một số doanh nghiệp, dù người ta có đủ khả năng, ông Bình nhận xét.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cho biết khác với những lần đấu thầu trước đây, tức là chỉ có Việt Nam và Thái Lan được mời tham dự, thì lần này có cả Ấn Độ, Pakistan, thậm chí một số Tập đoàn lớn của các quốc gia khác cũng tham dự nên áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn.

Theo ông Tuấn, báo cáo với Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) trước đó thì có khoảng 12-13 doanh nghiệp đăng ký sẽ tham dự đấu thầu bán gạo cho Philippines. Nhưng thực tế số lượng dự thầu chính thức bao nhiều chỉ có phía Philippines mới nắm được vì là người phát hành hồ sơ dự thầu.

Nhận định về khả năng trúng thầu của phía Việt Nam trong phiên mở thầu vào 25/7, ông Tuấn cho rằng việc xác định giá bỏ thầu sẽ tùy thuộc vào tính toán chi của mỗi đơn vị tham gia. Thế nhưng, nếu bỏ giá cao, thì khả năng trúng thầu sẽ thấp.

Giám đốc Công ty Thịnh Phát cho biết gạo nguyên liệu IR 50404 hiện có giá 7.200-7.250 đồng/kg, tăng 100-150 đồng/kg so với mức giá hồi tuần rồi; trong khi đó, lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện được thương lái mua vào với giá 4.700-4.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với mức giá tuần trước.


[Cách nào để tiếp cận gói thầu 250.000 tấn gạo cho Philippines?]

Trước đó vào đầu tháng 7/2017, NFA đã chính thức công bố Philippines sẽ cung cấp số ngân sách là 5,6 tỷ peso để nhập khẩu 250.000 tấn gạo trong kế hoạch chương trình nhập khẩu Chính phủ-tư nhân, thay vì là liên Chính phủ như trước đây. Điều đó đồng nghĩa là nước này sẽ mua từ các nhà cung cấp tư nhân, thay vì qua hợp đồng ký với các chính phủ nước ngoài như trước đây.

Với số lượng gạo nhập khẩu như nêu trên, NFA dự kiến chia thành tám lô, trong đó, có hai lô 50.000 tấn và sáu lô 25.000 tấn. Theo đó, các nhà thầu tiềm năng có thể bỏ thầu cho bất cứ lô hàng nào miễn là phải chào đúng số lượng gạo nhập khẩu đã được xác định cho mỗi gói thầu, nhưng lượng tối đa được trúng thầu cho từng nhà cung cấp không cao hơn 50.000 tấn.

Theo thông báo của NFA trước đó, đơn vị trúng thầu dự kiến sẽ giao hàng cho Philippines trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9/2017, tức trong mùa giáp hạt của quốc gia này (từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục