Thủ tướng Italy bác bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Libya

Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã bác bỏ khả năng nước này đơn phương chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự vào Libya.
Thủ tướng Italy bác bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Libya ảnh 1Thủ tướng Italy Matteo Renzi. (Nguồn: AFP)

Thủ tướng Matteo Renzi đã bác bỏ khả năng nước này đơn phương chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự vào Libya, khẳng định rang Rome chỉ hành động một khi một chính phủ hợp pháp của Libya kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ, và Italy cũng sẽ chỉ tham gia trong một liên minh quân sự quốc tế.

Tuyên bố trên được đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình Italy hôm 6/3, trong bối cảnh báo chí đưa tin Italy đang tích cực chuẩn bị đưa quân vào Libya, khi tình hình bất ổn ở quốc gia Bắc Phi bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát, với việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tận dụng khoảng trống quyền lực tại nước này để mở rộng vùng chiếm đóng và ảnh hưởng.

Tuần trước, trả lời phỏng vấn nhật báo Corriere della Sera, Đại sứ Mỹ tại Italy John Philips khẳng định Washington ủng hộ việc Italy cử 5.000 quân tới Libya trong một sứ mệnh quốc tế nhằm đem lại hòa bình ở Libya.

Nhật báo này cũng khẳng định rằng, Italy, với sự hiểu biết sâu sắc về Libya, quốc gia từng là thuộc địa của Rome trong nửa đầu thế kỷ 20, sẽ đứng đầu liên minh quân sự với số quân từ 3 nghìn đến 7 nghìn người này. Ngoài ra, nhật báo cũng đưa tin hải quân và không quân Italy sẽ tham chiến chiến dịch này.

Trước đó, Rome đã cho phép Mỹ sử dụng một căn cứ không quân ở miền Nam Italy cho các máy bay không người lái cất cánh để trinh sát trên bầu trời Libya.

Chủ đề về việc Italy muốn can thiệp quân sự vào Libya trên thực tế đã bắt đầu từ năm ngoái, sau khi Rome yêu cầu cộng đồng quốc tế chú ý hơn đến sự bất ổn ở quốc gia Bắc Phi này, đặc biệt là sau khi IS chiếm được thành phố cảng Sirte, nơi chỉ cách Italy hơn 200 km theo đường chim bay và đe dọa trực tiếp các giếng dầu ngoài thềm lục địa của Libya mà tập đoàn ENI của Italy đang khai thác.

Chủ đề trở nên nóng hơn nữa sau khi hai con tin Italy là các chuyên gia dầu khí bị bắt cóc ở Libya từ năm 2015 đã thiệt mạng trong một cuộc đấu súng mới đây giữa IS và các phe phái quân sự khác.

Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy có tới 81% số người được hỏi không đồng ý việc Italy đưa quân can thiệp quân sự vào Libya.

Trong khi đó, Tunisia đã ban bố lệnh giới nghiêm tại Ben Guerdane gần biên giới với Libya bắt đầu từ 19​ giờ đến 5 giờ s​áng hôm sau, kể từ ngày 7/3.

Trong một thông cáo báo chí, Bộ Nội vụ Tunisia cho biết mọi sự vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị trừng trị theo pháp luật.

Lệnh giới nghiêm được đưa ra sau khi các lực lượng an ninh nước này tiêu diệt 29 phần tử khủng bố tấn công các đồn cảnh sát và doanh trại quân đội gần biên giới Libya. Đây là vụ đụng độ đẫm máu thứ hai tại khu vực này trong vòng chưa đầy một tuần qua. Hiện các lực lượng an ninh đang bao vây 10 phần tử khủng bố cố thủ trong một ngôi nhà.

Nhà chức trách đã phong tỏa thị trấn nghỉ dưỡng bên bãi biển Djerba gần đó, một địa điểm ưa thích của du khách nước ngoài, đồng thời đóng cửa 2 cửa khẩu biên giới với Libya.

Theo nguồn tin của Bộ Nội vụ Tunisia, 10 thành viên lực lượng an ninh và 7 dân thường cũng bị thiệt mạng trong vụ này.

Tunisia đã hoàn thành hệ thống tường rào ở khu vực biên giới chung với Libya nhằm tăng cường chống buôn lậu vũ khí và các phần tử khủng bố xâm nhập.

Kể từ năm 2011, Tunisia phải đối mặt với sự gia tăng các vụ tấn công khủng bố, phần lớn do nhánh khủng bố Al-Qeada tại Bắc Phi (AQIM) tiến hành nhằm vào lực lượng an ninh, khiến hàng chục binh sĩ và cảnh sát nước này thiệt mạng.

Liên hợp quốc cho biết hiện có hơn 5.500 công dân Tunisia, ở độ tuổi từ 18-36, đã gia nhập các tổ chức khủng bố tại Syria, Iraq và Libya./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục