Timor Leste tăng thu hút đầu tư nhằm sớm gia nhập ASEAN

Với mục tiêu trở thành thành viên ASEAN vào năm 2020, Timor-Leste đang đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư và đa dạng cơ cấu nền kinh tế.
Timor Leste tăng thu hút đầu tư nhằm sớm gia nhập ASEAN ảnh 1 Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Timor-Leste Rui Maria de Araujo trả lời phỏng vấn một số cơ quan báo chí các nước Đông Nam Á. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trong buổi nói chuyện mới đây với phóng viên đến từ các nước Đông Nam Á, Thủ tướng Timor Leste Rui Maria de Araujo nhiều lần nhắc đến Việt Nam như là một đối tác quan trọng.

Hiện Việt Nam đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia xuất khẩu vào Timor Leste, với kim ngạch khoảng 34 triệu USD. Hai nước có cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, chế biến, dệt may và điện tử.

Nhắc đến Việt Nam, không người dân Timor Leste nào không biết đến Telemor – một công ty viễn thông của tập đoàn Viettel tại đất nước này. Sự xuất hiện của Telemor đã làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Thay vì trước đây phải tốn 25 xu cho 1 phút gọi điện thoại thì hiện người dân chỉ phải trả trung bình khoảng 1 xu. Nhờ những bước đi đúng hướng, hiện Telemor đang dẫn đầu thị trường viễn thông với hơn 55% thị phần và phủ sóng hơn 96% diện tích của Timor Leste.

Sau 14 năm kể từ ngày tái độc lập (20/5/2002), Timor Leste vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới do chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Chính phủ và người dân nơi đây đang nỗ lực chuyển mình với mục tiêu gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020.

Mới đây, Thủ tướng Araujo cho biết: “Gia nhập ASEAN là ước mơ, và chúng tôi sẽ làm mọi điều để điều đó sớm thành hiện thực”. Ông tin rằng khi gia nhập ASEAN, quốc gia này sẽ hướng tới sự ổn định về chính trị và an ninh cũng như có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển kinh tế. Ông khẳng định Timor Leste đã sẵn sàng có những đóng góp tích cực để gia nhập ASEAN.

Hiện nguồn thu ngân sách chủ yếu của Timor Leste là từ việc xuất khẩu dầu thô, nhờ đó đã tạo được sự ổn định trong nền kinh tế nhưng lại khiến cơ cấu kinh tế mất cân đối nghiêm trọng.

Để bớt phụ thuộc vào dầu mỏ, chính phủ buộc phải thực hiện cải cách ở nhiều lĩnh vực, trong đó có việc thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách hành chính, tạo môi trường tốt hơn cho kinh doanh.

Chính phủ nước này còn chú trọng đa dạng hóa nền kinh tế, tạo thêm công việc cho người dân đồng thời cam kết tập trung phát triển hai ngành du lịch và nông nghiệp.

Những năm qua, Timor Leste đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương, thiết lập các mối quan hệ đối ngoại năng động với các nước trong khu vực và xa hơn. Quốc gia này cũng đã đạt được hiệu quả trong việc xây dựng đất nước, đảm bảo sự ổn định chính trị, cải thiện tốc độ phát triển kinh tế.

Việc Timor Leste đăng cai Diễn đàn nhân dân ASEAN 2016 (APF 2016) vào tháng Tám tới đây là một minh chứng cho thấy quốc gia này đang tiến gần hơn tới việc gia nhập ASEAN vào năm 2020.

Bộ trưởng Ngoại giao Hernani Coelho da Silva nhận định về mặt địa lý, Timor Leste thuộc về Đông Nam Á nên sẽ thật thiếu sót nếu ASEAN không thể kết nạp đầy đủ các quốc gia và nước này cũng thực sự muốn gia nhập cộng đồng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục