TP.HCM: Cước vận tải hành khách dịp Tết Nguyên đán giảm đến 22%

Giá vé xe Tết Nguyên đán 2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm từ 7-20% so với năm 2014 do giá cước cơ bản được điều chỉnh giảm theo đà giảm giá xăng dầu thời gian qua.
TP.HCM: Cước vận tải hành khách dịp Tết Nguyên đán giảm đến 22% ảnh 1Khách mua vé xe Tết tại Bến xe miền Đông. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngày 22/1, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh họp triển khai kế hoạch phục vụ vận tải hành khách đường bộ dịp Tết Nguyên đán 2015.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, giá vé xe Tết Nguyên đán 2015 giảm từ 7-20% so với vé Tết Nguyên đán năm 2014 do giá cước cơ bản được điều chỉnh giảm theo đà giảm giá xăng dầu trong thời gian qua.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu đi lại của người dân tăng gấp 2 lần so với ngày thường tại các bến xe trên địa bàn.

Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, ngoài xe khách trên tuyến của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác đang hoạt động tại các bến xe trên địa bàn thành phố, Sở Giao thông Vận tải sẽ giải quyết cho các đơn vị vận tải thuê, điều động thêm xe khách hoạt động hợp đồng, đưa rước công nhân, đảm bảo đủ xe khách để phục vụ người dân về quê ăn Tết.

Về giá vé xe dịp này, Bến xe miền Tây, hiện có 110/130 doanh nghiệp hoạt động tại bến kê khai giảm giá, trong đó có chín đơn vị giảm giá hai lần.

Những đơn vị chưa kê khai giảm với lý do trước đây xăng dầu tăng nhưng cước không tăng thì nay xăng dầu giảm nên cước giữ nguyên.

Còn tại Bến xe miền Đông, tính đến nay có 115/214 doanh nghiệp kê khai giảm giá cước. Ngoài ra có năm doanh nghiệp kê khai tăng giá, trong đó có tuyến Thành phố Hồ Chí Minh về Sông Hinh ( Phú Yên) tăng từ 250.000 đồng/vé lên 310.000 đồng/vé và đã được Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải thẩm định, chấp thuận.

Đối với mức phụ thu vé Tết 20-60%, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá-Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đây là tình thế bắt buộc, để phụ thu chiều chạy rỗng của các đơn vị vận tải do huy động tối đa phương tiện quay đầu về bến. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào muốn phụ thu thì phải đăng ký giảm giá vé, lúc đó Sở Tài chính mới chấp thuận cho phụ thu.

“Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp và có nhiều hình thức quản lý giá như áp dụng hình thức bắt buộc kê khai, niêm yết, định giá, thậm chí rút giấy phép nếu có hiện tượng độc quyền. Mục đích cuối cùng là đảm bảo giá cả không tăng đột biến, người dân yên tâm ăn Tết,” ông Chiến khẳng định.

Về vấn đề quản lý giá cước vận tải, ông Nguyễn Quốc Chiến, cho biết vào ngày 21/1, Sở Tài chính tiếp tục có công văn yêu cầu các đơn vị tiếp tục xem xét giảm giá cước khi xăng tiếp tục giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục