Anh đào tạo lại 1 triệu người để phục vụ cho cách mạng 4.0

Anh sẽ đào tạo lại 1 triệu người hiện đang làm trong lĩnh vực công nghiệp trong vòng 5 năm tới nhằm đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực sản xuất, phục vụ cho cách mạng công nghiệp 4.0.
Anh đào tạo lại 1 triệu người để phục vụ cho cách mạng 4.0 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: siemens)

Anh sẽ đào tạo lại 1 triệu người hiện đang làm trong lĩnh vực công nghiệp trong vòng 5 năm tới nhằm đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực sản xuất, phục vụ cho chiến lược công nghiệp mới thời kỳ hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) theo chủ trương hồi đầu năm của chính phủ nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại London, kế hoạch trên là một phần nằm trong lộ trình thúc đẩy đầu tư phục vụ cho cách mạng công nghiệp 4.0 nhắm vào các công nghệ số như người máy tự động trong hoạt động sản xuất, trí tuệ nhân tạo, và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất tại nhà máy.

Lãnh đạo các tập đoàn kinh doanh lớn như Siemens, IBM, Cisco, John Lewis và GlaxoSmithKline đặc biệt ủng hộ kế hoạch này.

Đề xuất của giới doanh nghiệp công bố ngày 30/10 nhấn mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cần có sự tham gia đầu tư từ cả hai phía nhà nước và tư nhân.

Về phía chính phủ, Anh cần có nguồn ngân sách chi cho những sáng kiến tài chính để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ số, ủng hộ cho các hệ thống mạng kết nối kỹ thuật số, đẩy mạnh nhận thức về an ninh mạng và bảo vệ hệ thống dữ liệu.

Ngoài ra, giới lãnh đạo doanh nghiệp đã đề xuất chính phủ Anh thành lập ủy ban quốc gia giám sát các hoạt động liên quan đến cách mạng 4.0, và có chiến dịch đẩy mạnh quảng bá thương hiệu quốc gia, tương tự như chương trình cách mạng công nghiệp 4.0 của Đức đã làm nhằm nâng cao nhận thức về những thay đổi to lớn mà các công nghệ kỹ thuật số mang lại trong hoạt động sản xuất.

Theo ông Juergen Maier, Tổng Giám đốc điều hành của Siemens UK, người đứng đầu nhóm đề xuất, vấn đề nguồn kinh phí phục vụ mục tiêu cách mạng công nghiệp 4.0 là quan trọng nhưng không quan trọng bằng việc cam kết ủng hộ dài hạn của chính phủ để chương trình này có thể phát triển đúng hướng nhằm biến đổi mạnh mẽ sức cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp của Anh.

Ông cho rằng chính sự bất ổn định xung quanh mối quan hệ thương mại của Anh với EU thời hậu Brexit khiến chính phủ và doanh nghiệp cần đưa ra cam kết của mình một cách cấp bách hơn.

Tập đoàn tư vấn Boston đánh giá tiếp nhận những xu hướng công nghiệp mới của Anh chậm hơn so với một số nước, chỉ có 9% các hãng của Anh được ghi nhận là có tiến bộ đáng kể việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số, trong khi tại Pháp là 11%, Trung Quốc 13% và Đức 14%.

Trong khi đó, báo cáo nghiên cứu của giới doanh nghiệp cho thấy việc thúc đẩy nhanh sự ra đời các sáng kiến kỹ thuật và tiếp thu áp dụng kỹ thuật số sẽ có thể dẫn đến tăng tăng suất lao động thêm 25% vào năm 2025 và giúp kinh tế Anh có thêm nguồn thu khoảng 455 tỷ bảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục