Anh Tuấn: “Có tất cả, từ cổ điển đến ngông cuồng”

Trở về từ Hungary, Lưu Anh Tuấn là một nhà thiết kế gốc Việt, tuy tên tuổi còn lạ lẫm với thời trang Việt nhưng đã có tiếng ở châu Âu.
Trở về Việt Nam từ Hungary, Lưu Anh Tuấn là một nhà thiết kế gốc Việt, tuy tên tuổi còn lạ lẫm với thời trang Việt Nam nhưng đã có tiếng ở thị trường châu Âu.

- Hai chữ “Việt Nam” có trong hồ sơ của anh có ý nghĩa thế nào?

Lưu Anh Tuấn: Trong con người tôi, Việt Nam là hình ảnh của cụ nội và bà ngoại tôi. Việt Nam của tôi là những ký ức về Hà Nội, về bờ Hồ Hoàn Kiếm và Nhà thờ Lớn...

Những hình ảnh ấy đi vào ký ức của tôi một cách mờ ảo, nhắc tôi về một nơi chốn mình đã được sinh ra và lớn lên. Những ký ức này có ảnh hưởng rất nhiều đến những tác phẩm của tôi. Đặc biệt là văn hóa Việt Nam nói chung.

- Để nói về cá nhân con người nhà thiết kế Anh Tuấn, có thể kể ra những gì?

Lưu Anh Tuấn: Tôi thích sáng tạo ra mọi thứ không chỉ là thiết kế thời trang. Chẳng hạn là thử nghiệm một vài công thức nấu ăn, giãi bày những cảm xúc của mình bằng hội họa... Nghề thiết kế đã lấp đầy cuộc sống của tôi, nó không chỉ mang đến cho tôi một công việc mà đó còn là một lối sống.

Tôi chẳng bao giờ phải cố sức để thực hiện một thiết kế nào đó. Mà việc thiết kế được được lấy cảm xúc từ chính cuộc sống hàng ngày của tôi, từ những sở thích hoặc những mối quan hệ cá nhân chẳng hạn. Đó là cách tôi thức dậy mỗi sớm và đi ngủ vào cuối ngày.

Tôi thích được ở bên cạnh bạn bè, đôi khi chỉ cần có một bữa tối tuyệt vời và những cuộc trò chuyện trung thực hết lòng với nhau mà chẳng có quy ước nào. Những trải nghiệm hàng ngày như thế luôn nạp thêm cho tôi những năng lượng trong sáng tạo.

- Công việc và nhịp sống hàng ngày của anh diễn ra như thế nào?

Lưu Anh Tuấn: Công việc hiện tại của tôi thì rất nhiều, hàng ngày có thể diễn ra từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối. Trong đó tôi phải xử lý các công việc như nhận đơn đặt hàng, thiết kế, điều hành sản xuất. Thi thoảng có những buổi chụp hình những sản phẩm và bộ sưu tập mới theo yêu cầu của các tạp chí hoặc truyền hình...

- Sở thích điển hình nào của anh tác động đến công việc và sự sáng tạo của anh nhiều nhất?

Lưu Anh Tuấn: Tôi thích mọi thứ chuyển động xung quanh mình. Tôi cũng thích sự dịch chuyển. Trong những chuyến du lịch, những con người mới và thiên nhiên xung quanh luôn làm tôi hứng thú, mở mang nhiều, đặc biệt là trong tư duy sáng tác.

- Anh có thần tượng trong nghề không?

Lưu Anh Tuấn: Hồi còn nhỏ, tôi thích Issey Miake và Paco Rabanne. Nhưng đến bây giờ thì tôi đã nhận ra một điều rằng, mỗi nhà thiết kế đều có một phong cách riêng và vẻ đẹp riêng của họ. Đó chính là sự phong phú của thời trang.

- Anh được đào tạo ở châu Âu. Cụ thể, những gì anh đã học được từ trường lớp và điều gì anh học được từ xung quanh - cuộc sống, môi trường anh sống - để có sự nghiệp như hôm nay?

Lưu Anh Tuấn: Tôi được đào tạo rất bài bản ở trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Quốc gia Hungary và London College of Fashion. Môi trường xung quanh luôn luôn có ảnh hưởng đến sự sáng tạo của tôi, ví dụ lối sống, cách ăn mặc, sinh hoạt, văn hóa ca nhạc và điện ảnh.

Tôi biết đến thời trang mang thương hiệu của anh qua một khách hàng của anh - ca sỹ Tùng Dương. Đó là một chiếc túi xách rất độc đáo... Hiện tại anh có những dòng sản phẩm gì mang thương hiệu của mình và đối tượng của từng dòng sản phẩm ấy?

Nhãn hiệu ANH-TUAN bao gồm cả trang phục cho phụ nữ và nam giới, nhưng chủ yếu tập trung vào các phụ kiện. Khách hàng của chúng tôi đều là những người rất tự tin và đầy sự tinh tế nhưng luôn hướng đến những điều mới mẻ và thú vị. Như ca sỹ Tùng Dương mà anh biết đó.

Chúng tôi hướng sản phẩm của mình đến mọi người ở mọi lứa tuổi, những người sành thời trang. Mọi người đều có thể tự tìm thấy những thiết kế phù hợp với mình trong các sản phẩm của chúng tôi, từ những thứ cổ điển nhất cho đến những sản phẩm rất ngông cuồng.

- Ngược lại thời gian, sự khởi đầu về thời trang của anh đã diễn ra như thế nào?

Lưu Anh Tuấn: Tôi còn nhớ, bộ sưu tập đầu tiên của mình, ngay từ khi ra mắt đã nhận được những đánh giá chuyên môn tốt từ những tạp chí thời trang quốc tế như ELE, Cosmopolitan, Glamour, Instyle, Marie Claire... Điều này làm tôi cảm thấy rất hãnh diện.

- Điều gì anh muốn người ta nghĩ đến thời trang Anh-Tuan. Anh thường gửi gắm tư duy gì hoặc thông điệp nào qua sản phẩm thời trang của mình?

Lưu Anh Tuấn: Tính thống nhất của thương hiệu ANH-TUAN, từ các sản phẩm may mặc, giày, túi xách đều được thể hiện trong việc sử dụng duy nhất một kết cấu. Các loại vải hoặc chất liệu may mặc khác đều được kết cấu lại bằng tay. Sự tương phản được tạo ra trên các chất liệu của bộ sưu tập thể hiện sự sang trọng và đẳng cấp rất khác biệt. Đây chính là điểm đặc trưng và được coi là điểm nhận diện, khẳng định thương hiệu thời trang ANH-TUAN.

- Có yếu tố nào trong thời trang Anh-Tuan gọi tên xuất xứ Á Đông của anh không? Và ngược lại, yếu tố nào mà anh muốn phá bỏ để trở thành một thương hiệu thời trang quốc tế?

Lưu Anh Tuấn: Các mẫu thiết kế của tôi thường là sự kết hợp giữa những kỹ thuật tỉ mỉ của thợ thủ công và những kỹ thuật hiện đại. Lấy ví dụ như sự kết kợp giữa cách làm sơn mài truyền thống của Việt Nam với kỹ thuật thuộc da bóng của châu Âu. Sự kết hợp đặc biệt giữa da và vải sẽ được bổ sung thêm bằng những phụ kiện kim loại.

- Thị trường Budapest có quá nhỏ bé so với anh không?

Lưu Anh Tuấn: Các thiết kế của tôi đều hướng đến tính quốc tế, nên chắc chắn đối tượng không chỉ là khách hàng ở Hungary mà ở rất nhiều quốc gia khác. Ví dụ như Anh, Nga, Các tiểu vương quốc Arập...

- Vậy Nhật hay Mỹ có phải là một đích đến cần thiết cho một thương hiệu thời trang lớn?

Lưu Anh Tuấn: Theo tôi nghĩ cả hai thị trường trên đều là rất lớn, dân số đông và đời sống lại cao, thời trang có nhiều cơ hội để phát triển. Tôi cũng như bất kỳ nhà thiết kế nào cũng vậy thôi, đều mong muốn phát triển sự nghiệp ở Nhật hoặc Mỹ. Mùa thu năm 2009, tôi đã từng được Bộ Văn hóa Hungary chọn đi tham dự New York Fashion week - đó là một trải nghiệm rất cần thiết.

- Vậy sự quay trở về Việt Nam có ý nghĩa gì, bởi ở đây thời trang vẫn đang cựa quậy tìm đất để lớn lên?

Lưu Anh Tuấn: Tôi thấy rằng Việt Nam đang trên đà phát triển nhiều lĩnh vực đấy chứ. Cho nên, ngành thời trang không có lý do gì mà đi chậm và không phát triển được. Hãy nhìn thị trường Nga, Trung Quốc và khu vực Arập Xêút.

- Điều gì đã gọi anh trở về với Việt Nam và DFS?

Lưu Anh Tuấn: Mục đích của tôi là về biểu diễn, không chỉ là mục đích quảng bá thương hiệu ANH–TUAN, mà còn là một cách để thể hiện tình cảm cá nhân với quê hương. Tôi muốn được chia sẻ nhiều những kiến thức và kinh nghiệm thời trang mà mình đã có với mọi người.

Chuyến đi này báo trước tôi sẽ được gặp nhiều những cộng sự và những người làm thời trang ở Việt Nam như nhiếp ảnh gia, stylist, quản lý và các nhà tổ chức, nhà phê bình thời trang... Đây là một cách tìm hiểu thời trang Việt Nam hiệu quả nhất.

- Anh đã tìm hiểu thị trường, thị hiếu ở Việt Nam, đặc biệt là về DFS ra sao?

Lưu Anh Tuấn: Tôi cũng đã được xem một vài số tạp chí Đẹp và nghe mọi người nói nhiều về DFS. Tôi đang háo hức chờ show diễn năm nay để tận mắt chứng kiến và đánh giá.

- Với chủ đề năm nay là Dreaming, dường như nó quá rộng đất ý tưởng cho các nhà thiết kế?

Lưu Anh Tuấn: Ý tưởng thường là không có giới hạn.

- Vậy với anh, anh đang mơ mộng và hiện thực hóa điều gì cho bộ sưu tập của mình?

Lưu Anh Tuấn: Tôi đang mơ về giá trị, ý tưởng của quá khứ và tương lai, để làm thế nào có thể đem lại chúng trở về với chính hiện tại chúng ta đang sống.

- Anh mong đợi điều gì sẽ làm nên sự khác biệt và đặc trưng của Anh Tuấn trong DFS?

Lưu Anh Tuấn: Đặc trưng của bộ sưu tập mang về Việt Nam lần này vẫn không nằm ngoài những gì tôi đầu tư công sức từ trước đến nay. Đó là chất liệu, kỹ thuật may, kỹ thuật trang trí trong từng sản phẩm dù là nhỏ nhất...

Tôi cũng hy vọng phần trình diễn của mình với những gì đã chuẩn bị sẽ đem đến cho mọi người những hình ảnh đầy đủ nhất thông qua những hiệu ứng về thị giác và cảm giác, sự tương tác giữa âm nhạc và hình ảnh visual để cảm nhận bộ sưu tập một cách diễn cảm và cảm xúc nhất./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục