AstraZeneca đồng ý sản xuất vaccine tại nhà máy của Thái Lan

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) đã bày tỏ hài lòng về các tiêu chuẩn an toàn tại nhà máy sản xuất vaccine của Thái Lan.
AstraZeneca đồng ý sản xuất vaccine tại nhà máy của Thái Lan ảnh 1Người dân địa phương đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan ngày 29-12-2020 - (Ảnh: REUTERS)

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) đã bày tỏ hài lòng về các tiêu chuẩn an toàn tại nhà máy sản xuất vaccine của Thái Lan và sẽ gửi đến đây lô nguyên liệu đầu tiê vào tháng 6 tới để sản xuất vaccine.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, đề cập đến tiến độ sản xuất vaccine nội địa của Thái Lan, Bộ trưởng Anutin ngày 17/3 cho biết một đại diện của AstraZeneca đã đến thăm nhà máy sản xuất vaccine của công ty dược phẩm Siam Bioscience ở Thái Lan và hài lòng với các tiêu chuẩn sản xuất của nhà máy này. Dự kiến, AstraZeneca sẽ chuyển nguyên liệu sản xuất vaccine đến nhà máy này vào tháng 6 tới. 

Hiện Siam Bioscience đang nâng cấp nhà máy ở tỉnh Pathum Thani để sản xuất hàng triệu liều AstraZeneca nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và các nước lân cận ở khu vực Đông Nam Á.

Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) ngày 18/3 cho biết nước này sẽ mua thêm 100.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) để cung cấp cho chương trình tiêm chủng tư nhân. Số vaccine này sẽ được dùng để tiêm chủng cho lực lượng lao động ở khu vực tư nhân tại Thái Lan và do các doanh nghiệp trả tiền.

Chủ tịch FTI Supant Mongkolsuthree cho biết Cơ quan quản lý dược phẩm Thái Lan đã chấp thuận yêu cầu từ phía các doanh nghiệp tư nhân về việc chủng ngừa cho lực lượng lao động trong khu vực này.

Theo quan chức trên, mỗi liều vaccine có giá 1.000 baht (tương đương 32,52 USD) và dự kiến sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng từ tháng 6 tới.

Kết quả cuộc khảo sát ban đầu cho thấy khoảng 50.000 người thuộc 109 công ty, hầu hết hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm, sẽ tham gia tiêm chủng trong giai đoạn đầu của chiến dịch này.

[Dịch COVID-19: Papua New Guinea trở thành điểm nóng dịch bệnh]

Lô vaccine trên sẽ không liên quan đến số vaccine mà Chính phủ Thái Lan phân phối cho người dân. Dự kiến, giai đoạn 2 chương trình tiêm chủng đại trà của Chính phủ Thái Lan sẽ được triển khai vào tháng 6 tới sau khi nhận được lô vaccine của AstraZeneca sản xuất trong nước đầu tiên. Thái Lan đặt mục tiêu chủng ngừa cho một nửa trong tổng số 66,5 triệu dân vào cuối năm nay.

Đến nay, Thái Lan đã nhận được 200.000 liều vaccine của Sinovac và 117.300 liều của AstraZeneca. Đầu tuần này, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã trở thành người đầu tiên tiêm vaccine nhập khẩu của AstraZeneca , và đến nay 53.842 người dân ở nước này được chủng ngừa.

Dự kiến, Thái Lan sẽ nhận được thêm 800.000 liều vaccine của Sinovac vào ngày 20/3 tới và 1 triệu liều nữa vào tháng 4.

Trong khi đó, Malaysia ngày 18/3 đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 do hãng Sinovac (Trung Quốc) sản xuất trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng quốc gia. Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Khairy Jamaluddin là người đầu tiên ở Malaysia tiêm vaccine này.

Malaysia đã nhận được một lô vaccine của Sinovac thành phẩm vào ngày 15/3 vừa qua sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm Malaysia cấp phép lưu hành loại vaccine này. Dự kiến, lô tiếp theo sẽ đến Malaysia vào cuối tháng này.

Chính phủ Malaysia dự kiến sẽ tiêm chủng cho ít nhất 80% trong tổng số 31 triệu dân của nước này trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng quốc gia bắt đầu từ tháng 2 vừa qua, trong đó 20% dân số dự kiến sẽ được tiêm vaccine của Sinovac.

Theo kế hoạch, chương trình tiêm chủng của Chính phủ Malaysia sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn: giai đoạn đầu cho những người ở tuyến đầu chống dịch, khoảng nửa triệu người, giai đoạn 2 cho những nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao và giai đoạn cuối cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến, chương trình tiêm chủng này sẽ được hoàn tất vào tháng 2 năm sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục