Bắc Giang coi trọng bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ, ca trù

Bắc Giang hiện có 84 câu lạc bộ quan họ và 7 câu lạc bộ ca trù với hàng nghìn hội viên; hàng trăm nghệ nhân có khả năng truyền dạy hai loại hình nghệ thuật truyền thống này.
UBND tỉnh Bắc Giang trao bằng khen cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong bảo tồn và phát huy di sản Dân ca quan họ và ca trù. (Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN)
UBND tỉnh Bắc Giang trao bằng khen cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong bảo tồn và phát huy di sản Dân ca quan họ và ca trù. (Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN)

Tối 7/9, tại thành phố Bắc Giang, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca quan họ, ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ trao tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ II, năm 2019.

Dự buổi lễ có ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Lạng Sơn, Thái Nguyên, cùng đông đảo các liền anh, liền chị, ca nương, đàn kép và nhân dân trong tỉnh Bắc Giang.

Trong diễn văn kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh khẳng định, năm 2009, Bắc Giang cùng với tỉnh Bắc Ninh có Dân ca quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bắc Giang cùng với 15 tỉnh, thành phố khác có ca trù được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Trong 10 năm qua (2009-2019), Bắc Giang rất coi trọng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là Dân ca quan họ và ca trù, thực hiện nghiêm túc cam kết với UNESCO trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di sản này.

Với những nỗ lực của các cấp chính quyền cùng nhân dân trong tỉnh, đến nay, quan họ ở Bắc Giang không chỉ phát triển ở huyện Việt Yên, trung tâm quan họ bờ Bắc sông Cầu, mà đã lan tỏa và được thực hành rộng rãi ở các huyện, thành phố trong tỉnh.

Từ 18 làng quan họ cổ, 5 câu lạc bộ quan họ, đến nay, Bắc Giang đã có 84 câu lạc bộ quan họ với gần 1.500 hội viên tham gia. Hàng trăm nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản quan họ.

[Khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch Bắc Giang và Khai hội Xuân Tây Yên Tử]

Cùng với quan họ, ca trù cũng được bảo tồn và ngày càng phát triển. Từ chỗ chỉ có 1 câu lạc bộ năm 2009, đến nay, toàn tỉnh đã có 7 câu lạc bộ ở các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, Tân Yên và thành phố Bắc Giang.

Bắc Giang coi trọng bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ, ca trù ảnh 1Đại diện UBND tỉnh Bắc Giang trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” cho 2 nghệ nhân tiêu biểu. (Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN)

Thời gian qua, Bắc Giang đã tổ chức trên 300 lớp truyền dạy dân ca quan họ, ca trù tại các câu lạc bộ ở làng, xã và một số đơn vị.

Các dự án sân khấu học đường đã được triển khai hiệu quả. Liên hoan hát quan họ huyện Việt Yên và Liên hoan hát quan họ tỉnh Bắc Giang được duy trì từ nhiều năm nay.

Tỉnh cũng tổ chức nhiều hội thảo khoa học, trưng bày triển lãm, xuất bản 5 đầu sách về dân ca quan họ, ca trù, góp phần bảo lưu, gìn giữ các làn điệu cổ và các sinh hoạt văn hóa quan họ, ca trù truyền thống.

Cùng với đó, Bắc Giang còn quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích, xây dựng các công trình văn hóa phục vụ các hoạt động trình diễn dân ca quan họ, ca trù.

Từ năm 2009 đến nay đã có 20 di tích gắn với không gian diễn xướng quan họ tại 18 làng quan họ cổ được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng, tạo không gian sinh hoạt quan họ cho cộng đồng các làng quan họ.

Các làng quan họ, câu lạc bộ ca trù còn được hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị hoạt động, được động viên, khen thưởng kịp thời, tạo động lực để giữ gìn di sản trong cộng đồng.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản quan họ, ca trù cũng gặp không ít khó khăn, do sự du nhập của nhiều nền văn hóa hiện nay đã tác động không nhỏ đến việc bảo tồn, phát huy dân ca quan họ, ca trù, nhất là trong giới trẻ.

Đội ngũ nghệ nhân nắm giữ di sản phần lớn đã cao tuổi, trong khi lớp nghệ nhân kế tiếp chưa nhiều. Cơ chế, chính sách liên quan đến đãi ngộ đối với nghệ nhân, câu lạc bộ quan họ, ca trù còn nhiều bất cập, hạn chế.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đề nghị tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục có những việc làm cụ thể, thiết thực trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của dân ca quan họ và ca trù, nhất là phát huy vai trò của cộng đồng, của các nghệ nhân trong công tác này.

Bắc Giang cũng cần có những cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tri ân, tôn vinh, đãi ngộ xứng đáng cho các nghệ nhân, chủ thể của di sản. Bên cạnh đó, tỉnh có các biện pháp tích cực để đưa quan họ, ca trù trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là tỉnh Bắc Ninh quan tâm phối hợp với tỉnh Bắc Giang trong việc triển khai các chương trình bảo vệ và phát huy Dân ca quan họ, ca trù mà Việt Nam đã cam kết với UNESCO.

Nhân dịp này, 16 nghệ nhân được trao tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú; 27 tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca quan họ, ca trù được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục