Đột phá về hạ tầng giao thông làm thay đổi diện mạo Thủ đô

Bài 1: Đột phá về hạ tầng giao thông làm thay đổi diện mạo Thủ đô

Trong hành trình phát triển đô thị, Hà Nội còn chú trọng cả về không gian văn hóa, bảo tồn kiến trúc, xây dựng con người văn minh thanh lịch, để hướng tới là thành phố đáng sống, yên bình.
Bài 1: Đột phá về hạ tầng giao thông làm thay đổi diện mạo Thủ đô ảnh 1Dự án có điểm đầu nối với đường Võ Chí Công. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Người dân Hà Nội và cả nước tự hào về những đổi thay của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Sau những chuỗi ngày miệt mài, không biết mệt mỏi để xây dựng và kiến thiết, Hà Nội đã thực sự mở rộng về quy mô, tầm nhìn và phát triển vượt bậc, là Thủ đô đầu tiên khu vực châu Á-Thái Bình Dương được vinh danh "Thành phố vì hòa bình."

Trong hành trình phát triển đô thị, Hà Nội còn chú trọng cả về không gian văn hóa, bảo tồn kiến trúc, xây dựng con người văn minh thanh lịch, để hướng tới là thành phố đáng sống, yên bình.

Tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, VietnamPlus giới thiệu loạt bài về những thành tựu đáng ghi nhận mà Thủ đô Hà Nội đạt được trong công cuộc đổi mới.

Ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Đảng đã xác định rõ giao thông vận tải là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư phát triển để giao thông vận tải đi trước một bước, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nhìn lại chặng đường 30 năm sau đổi mới, Thủ đô đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, với những bước đột phá của kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Đánh giá về những đột phá làm thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết trước hết phải kể đến việc khớp nối quy hoạch giao thông của Hà Nội (cũ) với quy hoạch giao thông của Thủ đô sau sáp nhập; các hoạt động từ quy hoạch đến đầu tư kết cấu giao thông Thủ đô với các vùng lân cận.

Đầu tư hạ tầng giao thông cũng phát triển đáng kể, các đường hướng tâm cơ bản hoàn thành tốt. Đặc biệt, trong việc phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn từ quy hoạch đến triển khai có bước đột phá với các dự án đường vành đai, xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội; Cát Linh-Hà Đông. Bến thủy nội địa cũng được quy hoạch lại, từ các khu vui chơi giải trí đến vận tải ngang sông.

Đối với vận tải đường sắt, Hà Nội là đơn vị đi đầu cả nước trong việc chủ động thực hiện đường bộ gác chắn cả đường sắt, góp phần giảm tai nạn giao thông. Kết quả của những giải pháp trên đã giúp Hà Nội kiểm soát, ổn định được tình hình trật tự an toàn giao thông trong điều kiện mật độ dân cư nội đô tiếp tục tăng, phương tiện giao thông cá nhân cũng tăng với tốc độ từ 10-12%/năm; từng bước đưa giao thông Thủ đô ra khỏi tình trạng vừa thiếu thốn, manh mún, vừa lạc hậu, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Giai đoạn từ năm 1986-1995, do đất nước vẫn đang bị bao vây cấm vận, ngân sách Nhà nước hết sức khó khăn nên ngành giao thông vận tải cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng chỉ tập trung chủ yếu nguồn lực cho duy tu bảo dưỡng để đảm bảo an toàn giao thông và triển khai xây dựng một số công trình thực sự cấp bách. Mười năm trở lại đây, giao thông Thủ đô được Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như các cấp quan tâm, chỉ đạo sâu sát và đầu tư lớn, hạ tầng giao thông Thủ đô ngày càng đồng bộ và hiện đại hơn.

Bộ Giao thông Vận tải đã tích cực phối hợp với thành phố Hà Nội trong việc xây dựng, hoàn chỉnh các quy hoạch: Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, Quy hoạch đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô, Kế hoạch phát triển Giao thông Vận tải Thủ đô giai đoạn 2011-2015, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các quy hoạch đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở để Hà Nội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ.

Bài 1: Đột phá về hạ tầng giao thông làm thay đổi diện mạo Thủ đô ảnh 2Cầu vượt nút giao Đào Tấn-Nguyễn Khánh Toàn. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Bộ Giao thông Vận tải đã ưu tiên về nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông thành phố. Ngoài việc trực tiếp đầu tư phát triển một số công trình hạ tầng giao thông lớn như cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân-Nội Bài, đại lộ Thăng Long, nhà ga T2 Nội Bài, cầu Vĩnh Thịnh…

Bộ còn tập trung đầu tư các dự án vành đai của thành phố như các dự án đường vành đai 3, cầu Thanh Trì và hệ thống hạ tầng giao thông khớp nối với các vùng lân cận.

Bộ Giao thông Vận tải vận động, thu hút các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc đoạn qua Hà Nội như Pháp Vân-Cầu Giẽ, thời gian tới sẽ kết nối tới Vinh; cao tốc Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng (trên hành lang Côn Minh-Hải Phòng); Hà Nội-Lạng Sơn và các tuyến quốc lộ hướng tâm khác với quy mô 4 làn xe như Quốc lộ 32, Quốc lộ 2, Quốc lộ 6…

Hệ thống giao thông đối ngoại này đã và đang từng bước được đầu tư theo quy hoạch, bảo đảm sự kết nối hạ tầng đường bộ giữa Thủ đô với các địa phương trong cả nước.

Bộ Giao thông Vận tải cũng trực tiếp đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị như các tuyến Yên Viên-Ngọc Hồi (tuyến số 1), Hà Nội-Cát Linh (tuyến 2A). Một số công trình đường thủy nội địa cũng được quan tâm thực hiện để phát huy hiệu quả của vận tải thủy nội địa khu vực Hà Nội nói riêng và đồng bằng sông Hồng nói chung.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã kết nối thuận lợi đến các vùng, miền trên cả nước và các quốc gia trên thế giới. Về lĩnh vực hàng không, sân bay quốc tế Nội Bài được đầu tư xây dựng thêm nhà ga Quốc tế T2 đưa vào khai thác đã nâng cao năng lực vận tải hàng không cho Thủ đô.

Về vận tải đường bộ, Hà Nội đã có trên 500 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh để kết nối với 62 tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua 10 bến xe liên tỉnh đã được công bố. Bên cạnh đó, để tạo thuận tiện cho việc đi lại của người dân giữa các nước trong khu vực, từ Hà Nội đã có nhiều tuyến liên vận quốc tế phục vụ hành khách đến Trung Quốc, Lào, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh sang Campuchia…

Bên cạnh các công trình do Bộ Giao thông Vận tải và các chủ đầu tư khác thực hiện, thành phố Hà Nội cũng đã hoàn thành các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm; các cầu vượt tại các nút giao thông trọng yếu như Cầu Chui, Nam Hồng-Bắc Thăng Long-Nội Bài, Nguyễn Chí Thanh-Láng; Lê Văn Lương-Láng...

Kết quả sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2015, tình hình ùn tắc giao thông đã giảm một cách rõ rệt, số điểm ùn tắc giao thông giảm từ 89 điểm xuống còn 51 điểm; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí, nhiều nút giao thông thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng đã được giải quyết cơ bản.

Khẳng định tầm vóc Thủ đô

Các công trình giao thông trọng điểm có tính kết nối vùng của Hà Nội như đường 5 kéo dài, cầu Nhật Tân, đường nối cầu Nhật Tân-Sân bay quốc tế Nội Bài, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù… được hoàn thành đưa vào khai thác đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô, thỏa mãn sự mong mỏi không chỉ của người dân Thủ đô.

Cầu Vĩnh Thịnh, cây cầu dài nhất vượt sông Hồng đã lập kỳ tích về tiến độ, hợp long sau chưa đầy 2 năm. Đây còn là cây cầu được đánh giá là công trình chất lượng vàng.

Cây cầu bêtông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu nằm trên Quốc lộ 2C, nối thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), sau khi đưa vào sử dụng kết nối 2 trục hướng tâm (Quốc lộ 32 và Quốc lộ 2), các tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, đường Hồ Chí Minh để tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm Thủ đô với các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang; đồng thời góp phần giảm áp lực giao thông cho các trục đường hướng tâm như Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32 khi lưu thông qua trung tâm thành phố Hà Nội để đi các tỉnh phía Nam và ngược lại.

Công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã trở thành trục không gian kiến trúc và cảnh quan đặc biệt - một biểu tượng giao thông mới của Hà Nội. Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thủ đô Hà Nội, không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng.

Công trình kết nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp ở phía Bắc; đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách đến sân bay quốc tế Nội Bài. Với thiết kế hiện đại, mang tính thẩm mỹ, cầu Nhật Tân không chỉ có giá trị lớn về giao thông, mà còn có sức cuốn hút rất riêng với người dân Thủ đô và khách quốc tế khi đến với Hà Nội.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, để thực hiện khâu đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố trình Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét thông qua và ban hành Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020.

Trong đó có các nhóm giải pháp chiến lược như đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; các giải pháp về xây dựng cơ chế, chính sách, vốn, khoa học công nghệ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chức năng khi thực thi công vụ…

Qua đó tiếp tục chủ động trong việc phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội trên cơ sở phù hợp nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải Việt Nam và quy hoạch vùng Thủ đô để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục