Khơi thông điểm nghẽn, tạo xung lực mới cho doanh nghiệp xuất khẩu

Bài 2: Khơi thông điểm nghẽn, tạo xung lực mới cho DN xuất khẩu

Theo các chuyên gia, sự hồi phục của của các doanh nghiệp đã có những dấu hiệu tích cực trong những tháng đầu năm. Cùng đó, khi xuất khẩu tăng lên, các chuỗi cung ứng cũng dần được nối lại.
Bài 2: Khơi thông điểm nghẽn, tạo xung lực mới cho DN xuất khẩu ảnh 1Doanh nghiệp tối ưu hóa mọi chi phí để giảm giá thành. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Báo cáo vĩ mô về nền kinh tế trong nửa đầu năm cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế trong nước đã rõ nét kể từ sau khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 20% của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã tạo ra sức lan tỏa lớn về hoạt động sản xuất-kinh doanh, cũng như dần nối lại được các chuỗi cung ứng.

Dệt may, da giày đứng tốp đầu nhóm tăng trưởng

Theo thống kê của Bộ Công Thương, một điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam 6 tháng vừa qua là kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ định hướng đầu tầu, dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành.

Theo đó, với con số ước tính khoảng 159,3 tỷ USD, nhóm hàng này đạt mức tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ trọng 85,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, nhiều mặt hàng như, dệt may đạt 18,7 tỷ USD, tăng 21,6%; giày dép đạt 11,9 tỷ USD, tăng 14,8%...

[Bài 1: Đơn hàng dồi dào, doanh nghiệp vẫn dè chừng mở rộng sản xuất]

Đánh giá sự chuyển động của các ngành sản xuất, ông Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp-Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, sự hồi phục của của các doanh nghiệp đã có những dấu hiệu tích cực trong những tháng vừa qua. Cụ thể hơn, khi xuất khẩu tăng lên, đồng nghĩa các chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong thời kỳ COVID-19 cuối năm 2021 đã bắt đầu được nối lại.

Đáng chú ý, với giá trị xuất khẩu dệt may đạt 18,7 tỷ USD, còn giày dép gần 12 tỷ USD, theo ghi nhận là mức tăng rất cao nhất sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Riêng mặt hàng dệt may, tốc độ tăng trưởng đứng thứ tư trong các mặt hàng xuất khẩu của cả nước (sau điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng).

Thêm vào đó, quy mô và tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong nửa đầu năm đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước gia tăng.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, với kết quả trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may được đánh giá là mức tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu.

Theo ông, tiền đề cho sự tăng trưởng ấn tượng này chính là các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia. Cụ thể, với 15 FTA đã tạo ra hành lang thị trường rộng mở có tính toàn diện cho các sản phẩm của ngành dệt may Việt Nam, đồng thời giúp gia tăng thị phần của dệt may Việt Nam trên toàn cầu.

Cách nào chắp cánh cho tăng trưởng?

Dù ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực, song giới chuyên gia kinh tế cũng lo ngại, những bất ổn về chính trị tại nhiều quốc gia sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên bức tranh kinh tế toàn cầu thời gian tới. Còn ở trong nước, nhìn lại hai năm đại dịch COVID-19 cũng cho thấy những bất cập về chuỗi cung ứng đã bộc lộ rõ nét. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày của Việt Nam gần như không đủ nguyên phụ liệu để sản xuất.

Thêm vào đó, hiện tượng “mua quá mức” đối với các sản phẩm thời trang sau thời gian dồn nén bởi đại dịch cũng làm gia tăng áp lực dư thừa dẫn tới khả năng cắt giảm đơn hàng trong những tháng cuối năm.

Chính vì vậy, việc hoàn thiện các chính sách nhằm tạo động lực lớn hơn cho việc thu hút đầu tư vào nguyên phụ liệu, lẫn cải thiện năng lực quản trị đang là những vấn đề cấp thiết.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng việc xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh là không đơn giản, ngành dệt may Việt Nam hiện nay chưa chủ động được nguyên vật liệu đầu vào trong chuỗi, nhưng ngành cần phải tích cực hoàn thiện các khâu sản xuất đầu chuỗi, từng bước phát triển các mắt xích nguyên liệu (sợi, vải) để đáp ứng nhu cầu cho khâu may, đảm bảo khép kín chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng cần chuẩn bị nguồn nhân lực cần thiết để có thể tiến dần lên các phương thức sản xuất cao hơn, cũng như các mắt xích mang lại giá trị gia tăng cao hơn như thiết kế, marketing, phân phối...

Thực tế hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đã đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nguyên phụ liệu, trong đó, chủ động được về nguồn cung sợi. Đặc biệt, vải dệt kim nguồn trong nước đã chủ động được 50%, còn dệt thoi và một số loại vải khác cũng đã chủ động được 40-42%.

Trước những biến động của thị trường, Vinatex đã liên tục đưa ra những cập nhật sâu sát nhất về tình hình bông xơ sợi, biến động nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp thành viên, đồng thời nhập khẩu một lượng bông dự trữ nhất định cho các doanh nghiệp sợi với giá tốt, tránh những rủi ro về tăng giá.

Ngoài ra, với doanh nghiệp may mặc có làm hàng FOB, Vinatex cũng lưu ý việc nắm bắt tình hình thị trường, không nhận đơn hàng quá sớm tránh những rủi ro về đơn giá thấp không theo kịp sự tăng giá của nguyên phụ liệu đầu vào.

Tương tự với ngành da giày, nhiều doanh nghiệp đã tăng đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, cùng đó là liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác để mở rộng qui mô, tự chủ sản xuất, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu.

Nhờ sự thay đổi tích cực đó, hiện tỷ lệ nội địa hoá nguyên liệu đạt 55% toàn ngành, cá biệt có những loại nguyên liệu nội địa, như giày vải đạt tỷ lệ nội địa hóa 100%, giày thể thao là 80%.

- Cán cân thương mại của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022:

Thực tế, việc đưa ra những dự báo dài hạn ở thời điểm hiện tại là tương đối khó khăn và độ chính xác có thể không cao. Tuy vậy, với vai trò đơn vị quản lý ngành, Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ ngay những nút thắt cho doanh nghiệp, đồng thời, xây dựng các giải pháp dài hạn, như đầu tư mạnh cho công nghiệp hỗ trợ, giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, phát triển ngành thời trang trong nước.

Bộ Công Thương cũng thực hiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.

Cùng đó là tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hóa ngành công nghiệp dệt may, da giày cũng như phát triển dệt, nhuộm trong nước, bảo đảm nhu cầu vải cho ngành.

Đối với chi phí về logistics, trong Kế hoạch hành động của Chính phủ cũng đã nêu ra và các cơ quan chức năng đang tiếp tục triển các giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Liên quan tới mặt hàng xăng dầu, liên bộ Công Thương-Tài chính đã linh hoạt sử dụng Quỹ bình ổn cũng như kiến nghị Quốc hội điều chỉnh lại các chính sách thuế qua đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu những tác động từ thị trường, thích ứng dần với bối cảnh mới.

“Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn hiện tại cho doanh nghiệp, kiến nghị cơ quan liên quan các chính sách về thuế, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến xuất khẩu, đi đôi với phát triển và mở rộng các kênh bán hàng để khai thác tối đa thị trường,” đại diện Bộ Công Thương cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục