Bài 2: Nhận diện tiêu chí bài thầu ngược chủ trương

Sau hơn hai năm thực hiện chủ trương đấu thầu tập trung, công tác thu gom rác thải sinh hoạt đã bộc lộ một loạt tồn tại, hạn chế xuất phát ngay từ bài thầu, với những tiêu chí xa rời thực tế.
Bài 2: Nhận diện tiêu chí bài thầu ngược chủ trương ảnh 1Mỗi ngày, trên địa bàn thành phố phát sinh từ 5.500- 6.000 tấn rác sinh hoạt.(Ảnh: P.V/Vietnam+)

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, năm 2016, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện chủ trương đấu thầu công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải trên toàn địa bàn giai đoạn 2017-2020, nhằm góp phần cắt giảm các khâu trung gian, giảm chi phí ngân sách, xóa bỏ tình trạng mafia rác...

Chủ trương này được triển khai theo hình thức đấu thầu tập trung, với 26 gói thầu, tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện, công tác thu gom rác-đặc biệt ở các huyện ven đô đã bộc lộ một loạt tồn tại, hạn chế xuất phát ngay từ bài thầu, với những tiêu chí xa rời thực tế.

Sai số từ đăng ký đến thực tế: Một trời một vực

Đầu tiên là việc lập hồ sơ khối lượng, đăng ký nhu cầu đấu thầu mua sắm tập trung của các quận, huyện, thị xã không sát thực tế, một số hạng mục thừa, một số hạng mục thiếu. Thậm chí, một số quận, huyện đăng ký nhu cầu nhầm tiêu chí các hạng mục của các tuyến đường, dẫn đến khi thực hiện đã phát sinh khối lượng rác thải.

Qua thống kê, đối soát cho thấy sự chênh lệch (thiếu hụt) khối lượng rác đăng ký dịch vụ vận chuyển ở một số đơn vị quận, huyện với thực tế là rất lớn. Cụ thể con số thiếu tại quận Hai Bà Trưng lên tới 74,156 tấn; Đống Đa, 65 tấn; Bắc Từ Liêm, 27,55 tấn; huyện Gia Lâm, 39 tấn; Hoài Đức, 20 tấn; Đan Phượng là 10,77 tấn… Đặc biệt, tại một số địa bàn như quận Nam Từ Liêm, huyện Chương Mỹ khối lượng thu gom thực tế phát sinh so với đăng ký lên tới ngoài trăm tấn…

Đối với khối lượng duy trì vệ sinh đường phố, một số chủ đầu tư thống kê chiều dài các tuyến đường có đầy đủ hạ tầng trên và dưới 7m2 không đúng thực tế, dẫn đến áp sai đơn giá, chênh lệch khối lượng và giá trị của gói thầu. Ví như, quận Ba Đình đã thống kê, quyết toán cho nhà thầu phần kinh phí duy trì một số tuyến đường không đúng thực tế với giá trị gần 668 triệu đồng.

['Ma trận đấu thầu tập trung': Nguy cơ 'thất thủ' vì rác thải ở Hà Nội]

Bất cập lớn nhất là công tác thu gom duy trì vệ sinh ngõ xóm. Thực tế, khi lập và đăng ký khối lượng duy trì, các quận, huyện đã căn cứ trên khả năng thu phí vệ sinh môi trường theo Quyết định số 54/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của Ủy ban Nhân dân thành phố, tự cân đối kinh phí nên lập, đăng ký khối lượng, tần xuất thấp. Nhưng thực tế triển khai, khối lượng, tần suất lại cao hơn nhiều so với khối lượng đã đăng ký, dẫn đến phát sinh khối lượng ngoài hợp đồng.

Bài 2: Nhận diện tiêu chí bài thầu ngược chủ trương ảnh 2Thiếu xe đẩy, xe cơ giới không vào các ngõ xóm dưới 2m, công nhân ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh phải dùng xe bò kéo để đi gom rác. (Ảnh: Q.Sỹ/Vietnam+)

Cụ thể như tại huyện Đông Anh, Ủy ban Nhân dân huyện đã ký hợp đồng với nhà thầu khối lượng duy trì ngõ xóm của 23 xã là 97,326km/ngày. Tuy nhiên, thực tế chiều dài ngõ xóm của 23 xã toàn huyện lại lên tới 701,309km (tăng 603,974km so với hợp đồng kinh tế đã ký), dẫn tới doanh nghiệp phải bổ sung tăng khối lượng 603,974km/ngày, tương ứng với giá trị 60,034 tỷ đồng so với hợp đồng ký kết.

Ngoài ra, nhiều đơn vị khác, chủ yếu là ở các huyện, cũng có tình trạng phải bổ sung khối lượng duy trì vệ sinh ngõ xóm so với hợp đồng kinh tế như: Huyện Mê Linh tăng 412,25km/ngày; Mỹ Đức tăng 350,895km/ngày; Thường Tín tăng 196,39km/ngày; Hoài Đức tăng 132,285km/ngày; Chương Mỹ tăng 146,68km/ngày; Phú Xuyên tăng 296,089km/ngày.

Không chỉ chênh lệch lớn về khối lượng và chiều dài các tuyến đường, tần suất duy trì vệ sinh ngõ xóm tại các huyện cũng có bất cập lớn. Theo Quyết định số 6841/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 của Ủy ban Nhân dân thành phố, việc vệ sinh ngõ xóm phải duy trì hàng ngày, thu hết rác trong ngày, đảm bảo ngõ, xóm sạch sẽ. Tuy nhiên, khi đăng ký, các quận, huyện lại lập hồ sơ với tần suất thấp theo dự toán kinh phí vệ sinh môi trường, trong khi thực tế triển khai phải tăng tần suất mới đảm bảo hết rác trong ngày, dẫn đến phát sinh giá ngoài hợp đồng.

Đơn cử như tại huyện Chương Mỹ, Ủy ban Nhân dân huyện đăng ký tần suất duy trì ngõ xóm là 8 ngày/lần, không đúng với Quyết định số 6841/QĐ-UBND, nên khi thực hiện phải thay đổi, phải tăng tần suất 2 lần/tuần mới đảm bảo thu hết rác trong ngày. Thậm chí, có đơn vị ký hợp đồng với nhà thầu không đúng thỏa thuận khung khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội công bố ngày 29/3/2019, cũng nhận định, sau khi các đơn vị gửi hồ sơ đăng ký khối lượng, Trung tâm mua sắm tài sản công-Sở Tài Chính, là đơn vị có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ đăng ký khối lượng của các quận, huyện để làm căn cư lập hồ sơ mời thầu.

Tuy nhiên, Trung tâm mua sắm tài sản công đã tổng hợp nguyên trạng hồ sơ đăng ký của các quận, huyện nên không phát hiện ra những việc kê khai, đăng ký khối lượng, không đúng thực tế khiến việc đấu thầu rác thải tập trung lại đi ngược lại chủ trương “làm sạch thành phố” của Hà Nội và gây ra nhiều hệ lụy: Doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, chạy thoát thân, “bỏ rác” cho địa phương; địa phương bất đắc dĩ lấy ngân sách đầu tư cho việc dọn rác. Trong khi đó, dân bức xúc và rác vẫn ngập mỗi ngày một nhiều hơn.

Bài 2: Nhận diện tiêu chí bài thầu ngược chủ trương ảnh 3Trong khi những người lao công ở xã Tiên Dương đang "bơi" trong rác, và thiếu phương tiện thu gom, thì xe thu gom rác của Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đông Anh lại sạch bóng, không mùi rác.(Ảnh: P.V/Vietnam+)

Doanh nghiệp kẻ “dễ làm khó bỏ”

Đông Anh là một huyện ngoại thành nằm ở phía bắc Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 15km, với tổng diện tích hơn 18.000 ha. Năm 2016, thực hiện chủ trương đấu thầu công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải giai đoạn 2017-2020, huyện Đông Anh đã tổ chức đấu thầu tập trung, qua đó ký hợp đồng với nhà thầu (Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đông Anh) khối lượng duy trì ngõ xóm của 23 xã toàn huyện là 97,326km/ngày.

Tuy nhiên, thực tế triển khai, khối lượng, tần suất mà nhà thầu phải làm lại tăng cao so với khối lượng chủ đầu tư kê khai, đăng ký, dẫn đến phát sinh khối lượng ngoài hợp đồng. Cụ thể, chiều dài ngõ xóm của 23 xã toàn huyện Đông Anh thực tế lên tới 701,309km (tăng 603,974 km so với hợp động kinh tế), dẫn tới nhà thầu phải bổ sung tăng khối lượng 603,974km/ngày, tương ứng với giá trị 60,034 tỷ đồng.

Chính vì sự chênh lệch quá lớn về khối lượng rác thu gom và chiều dài ngõ xóm, tháng 3/2019, Công ty cổ phần Môi trường Đô thi Đông Anh đã quyết định trả lại địa bàn không có trong gói thầu, chỉ triển khai công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải trên địa bàn của 4 xã, trong khi bài thầu quy định là 23 xã và thị trấn.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Tiến Đông, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đông Anh cho hay: Theo nội dung của gói thầu, doanh nghiệp thực hiện 23 xã và thị trấn trên tổng số 97km ngõ xóm, trong khi thực tế toàn huyện hơn 701km. Khối lượng lớn nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, nhà thầu không thể cáng đáng khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng.

“Theo yêu cầu của bài thầu thì chúng tôi chỉ thực hiện 4/23 xã đã đủ khối lượng của gói thầu là 97,236. Còn nếu làm cả 23 xã thì chỉ làm 12% công việc, nhưng sẽ không hiệu quả và thực tế nhiều nơi dân rất bức xúc, không nộp tiền. Trong quá trình thực hiện doanh nghiệp cũng đã báo cáo khó khăn cho huyện và thành phố, nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh,” ông Đông thẳng thắn nói.

Ông Đông cũng cho biết, trước đây việc tổ chức thu gom ngõ xóm tự thu tự chi cho người lao động, thì có thể thu từ 5-7.000 đồng, thậm chí 10.000 đồng đối với các làng nghề để cho các bộ phận trực tiếp thu gom. Tuy nhiên, từ khi nhận gói thầu, làm theo Quyết định 54 của thành phố, chỉ còn thu có 3.000 đồng, trong khi địa bàn rộng, khối lượng thực hiện lớn nên không thể cáng đáng hết.

“Tại sao ra con số 97km (trong khi địa bàn toàn huyện là hơn 701km) là người ta dựa trên nguồn thu 3.000 đồng/khẩu, để bù đắp chia ra cái đơn giá theo km. Như vậy, với cách tính và khối lượng chênh lệch, không đúng thực tế như vậy, nên không riêng Đông Anh, mà các huyện ngoại thành đều khó khăn,” ông Đông lưu ý.

Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thi Đông Anh cũng cho biết, mặc dù công việc thu gom rác trên địa bàn chưa được như kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh giá xăng dầu tăng, chính sách giảm chí phí, nên công ty đã phải cắt giảm lượng nhân công. Như thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, trước đây có 5-6 người, nhưng nay chỉ có 2 người thu gom.

“Cũng vì giá chi trả dịch vụ vệ sinh môi trường thấp, trong khi khối lượng phát sinh lớn, nên từ ngày 8/3/2019, chúng tôi đã báo cáo huyện xin tổ chực thực hiện 4 xã với 97km, đúng như gói thầu. Với 19 xã còn lại, chỉ thực hiện công tác vận chuyển, chứ không thực hiện thu gom vệ sinh ngõ xóm,” ông Đông nói thêm.

Tình cảnh tương tự cũng đã xảy ra ở huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, liên hệ làm việc với Công ty Môi trường đô thị Sóc Sơn, lãnh đạo nhà thầu này lại từ chối chia sẻ với lý do “vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nên không tiện chia sẻ.”

Bài 2: Nhận diện tiêu chí bài thầu ngược chủ trương ảnh 4Công tác thu gom rác bằng xe cơ giới tại huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Người “nợ đè nợ” ngấp nghé phá sản

Tuy nhiên, việc kinh doanh “dễ làm khó bỏ” trả lại địa bàn đến nay chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, còn doanh nghiệp tư nhân, vay tiền ngân hàng đi đầu tư phương tiện để “làm sạch thành phố,” thì vẫn phải “gồng mình” chịu lỗ gom rác để “đợi chính sách thay đổi.”

Với các doanh nghiệp này, mặc dù do bài thầu “áp” các tiêu chí sai chủ trương, lượng kê khai khối lượng và diện tích lớn hơn nhiều so với thực tế đã khiến họ thua lỗ kéo dài do thu không đủ bù chi và lâm vào cảnh nợ nần song vẫn gắng phải bám trụ vì đã lỡ... đầu tư.

Đơn cử như Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai, tham gia dự thầu và trúng thầu gói thầu số 12/VSMT: Dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020 (3 năm 10 tháng) trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Giá trị trúng thầu là hơn 116,3 tỷ đồng theo Quyết định số 141/QĐ-TTMSTSC ngày 27/2/2017 của Giám đốc Trung tâm mua sắm tài sản công và và thông tin, tư vấn tài chính (Sở Tài chính Hà Nội).

“Nhưng khi triển khai, số lượng thực tế thì cao hơn nhiều với hạng mục đăng ký trong gói thầu khiến mức giá quy định bởi Quyết định 54 (3.000 đồng/khẩu/tháng) khiến doanh nghiệp không đủ bù cho chi phí thực hiện,” ông Nguyễn Ngọc Oanh, Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai chia sẻ.

Trần tình với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Oanh cho biết: Ví dụ ở hạng mục duy trì ngõ xóm, khối lượng duy trì theo hồ sơ thầu là hơn 42.592km/năm, với tổng chiều dài ngõ xóm trên 676 km. Trong khi, khối lượng duy trì vệ sinh ngõ xóm dưới 2m trên thực tế là hơn 107.876km/năm, tổng chiều dài trên 819km. Như vậy, tổng số km duy trì ngõ xóm mà doanh nghiệp triển khai chênh tới hơn 65.284km/năm, và chiều dài tuyến tăng 143,67km, gấp tới 2,5 lần với kê khai của gói thầu.

Cũng theo gói thầu, tần suất duy trì tại 30 xã mà nhà thầu phải triển khai là 8 ngày thu gom rác 1 lần. Tuy nhiên, do lượng rác và km tuyến đường chênh quá lớn, nên trên thực tế, nhà thầu đã phải tổ chức thu gom 3 lần/tuần đối với 6 xã; 2 lần/tuần với 24 xã. Với tần suất như vậy cũng mới chỉ cơ bản đảm bảo thu gom rác chứ chưa thể thu gom rác trong các hộ dân cư hàng ngày.

[Người dân Nam Sơn ‘ăn sương nằm đất’ chặn xe rác, ‘đòi’ được di dời]

Nghịch lý nhất là, theo Quyết định số 6841/QĐ-UBND ngày 13/12/2016; Quyết định số 3599/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 về Quy trình, định mức, đơn giá lĩnh vực vệ sinh môi trường và hạng mục thu gom rác ngõ dưới 2m không được thanh toán. Nhưng, để đảm bảo chất lượng môi trường chung và sự công bằng cho người dân cùng nộp phí dịch vụ, nhà thầu vẫn phải thực hiện công tác duy trì vệ sinh.

Chưa kể, khối lượng thu gom, xúc rác tại các chợ trên địa bàn cũng không được đề cập trong các Quyết định 6842 và 3599 nói trên nên nhà thầu đang phải thực hiện thu gom, dọn dẹp một lượng lớn rác thải của 30 chợ với 64 điểm trên địa bàn huyện mà không được thanh toán.

“Trước đây, công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác, chúng tôi triển khai 360 ngày. Nhưng theo bài thầu thì chỉ có 8 ngày/lần. Chưa kể, số km duy trì ngõ xóm mà doanh nghiệp triển khai so với bài thầu, chênh lệch tới hơn 65.284km/năm, và chiều dài tuyến tăng 143,67km. Trong khi, cơ chế tài chính thì không điều chỉnh, mức thu phí dịch vụ theo Quyết định 54 chỉ có 3.000 đồng,” ông Oanh cho biết bây giờ nhà thầu đang phải làm không công, tự bỏ tiền trả thay dân…

“Nói theo phong cách người lính, chúng tôi gần dân, chứ không phải gần quan. Vì thế, công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác phải theo tiêu chí hiệu quả, chứ không thể chỉ làm theo gói thầu thấp hơn thực tế được,” ông Oanh chia sẻ thêm.

Chung tình cảnh phải bỏ tiền túi để trang trải cho công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác trên địa bàn hai huyện Phú Xuyên và Thanh Oai, đại diện lãnh đạo Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long-Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long khẳng định: “Với cách làm hiện nay, nếu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội không điều chỉnh mức giá và khối lượng các hạng mục thực hiện thì không doanh nghiệp nào có thể cáng đáng nổi.”/.

Bài 2: Nhận diện tiêu chí bài thầu ngược chủ trương ảnh 5Rác thải tại nga ba đường chính và đường ngõ xóm tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Bài 3: Hà Nội: Chủ trương “làm sạch thành phố” bên bờ... phá sản

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục