Bão số 2 gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản

Cơn bão số 2 có tên quốc tế là Haima đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản cho các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Cơn bão số 2 có tên quốc tế là Haima vừa đi qua các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản cho các địa phương này.

Đến 12 giờ ngày 25/6, theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, toàn tỉnh có 4 người bị chết do sét đánh. Diện tích lúa bị đổ là 13.750 ha (chiếm 18% diện tích gieo cấy), trong đó diện tích lúa bị đổ nằm sát mặt ruộng là 2.870 ha (chiếm 4%).

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 4.577ha lạc bị ngập úng, ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất. Đê biển Cồn Xanh (huyện Nghĩa Hưng) đã bị sạt lở cục bộ trong bão với khối lượng khoảng 3.000m3. Nam Trực là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 3 người chết do bị sét đánh, 54 ngôi nhà bị tốc mái, 2.000 ha lúa bị gãy đổ và 180ha lạc bị ngập úng.

Hiện nay, người dân tại một số địa phương trong tỉnh Nam Định bị thiệt hại bởi cơn bão số 2 đang khẩn trương sửa chữa nhà cửa, thu hoạch số diện tích lúa và rau màu bị ngã đổ, ngập úng để sớm ổn định cuộc sống và chuẩn bị cho mùa vụ mới.

Chiều 25/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa họp khẩn tổng kết tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả do bão số 2 gây ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 23/6 đến ngày 25/6.

Theo báo cáo nhanh của các huyện, do ảnh hưởng của mưa bão số 2, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 4 người chết ở xã Hà Vân (huyện Hà Trung), xã Nga Văn (huyện Nga Sơn), xã Quang Lộc (huyện Hậu Lộc) và xã Mai Lâm (huyện Tĩnh Gia), 4 người này đều bị sét đánh chết trong thời gian mưa giông, gió lốc ngày 23-24/6.

Trong hai ngày qua, lượng mưa đo được ở các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa phổ biến từ 160-300mm, một số nơi có mưa lớn như Chuối (Nông Cống) 388mm, Như Xuân 363mm, Bát Mọt (Thường Xuân) 351mm, thành phố Thanh Hóa 295mm. Trên các sông xuất hiện một đợt lũ, mực nước sông Yên tại Chuối lúc 13 giờ ngày 25/6 là 3.40, xấp xỉ báo động III...

Mưa lớn đã làm cho 4.200ha lúa vụ Đông Xuân chưa thu hoạch bị ngập chìm trong nước có nguy cơ bị mọc mầm ngay trên ruộng. Cơn bão số 2 cũng làm hư hỏng hoàn toàn 3.500 tấn lúa giống đã gieo thành mạ.

Diện tích lúa Xuân chưa thu hoạch và mạ đã gieo chủ yếu tập trung ở các huyện ven biển và một số huyện ở vùng thấp trũng như Nga Sơn, Quảng Xương, Hà Trung, Nông Cống...

Liên quan đến tai nạn tàu thuyền ở tỉnh Thanh Hóa, ngày 23/4 tàu cá TH 90526TS công suất 170CV của gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh (thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) đang trên đường về bến tránh bão, đến khu vực biển cách đảo Nẹ (huyện Hậu Lộc) khoảng 5 hải lý về phía Đông Bắc thì bị mất liên lạc. Trên tàu có 10 lao động.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo cho chính quyền địa phương ven biển, đề nghị Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ủy Ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia tập trung tìm kiếm. Tuy nhiên đến chiều 25/6, vẫn chưa có thông tin liên lạc của tàu TH 90526TS cũng như các thuyền viên trên tàu.

Thanh Hóa có 2 tàu bị đắm trên đường trở về đất liền là tàu TH 2245, công suất 24CV của gia đình ông Nguyễn Văn Thường ở thôn Thượng Hải, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia bị sóng đánh chìm ở khu vực Đảo Mê và tàu TH 90712 TS công suất 400CV của gia đình ông Hoàng Văn Hưởng, thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc bị sóng đánh chìm cách bờ biển huyện Quảng Xương 11 hải lý.

Rất may 10 thuyền viên trên 2 tàu cá nói trên đều được các tàu bạn cứu sống và đưa vào bờ an toàn.

Mưa bão số 2 đã khiến hệ thống taluy dương ở xã Nghi Sơn trên tuyến đường Hồi Xuân - Tén Tằn (huyện Mường Lát) bị sạt lở nặng, 2.000m3 đất đá đã tràn ra đường gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền.

Quốc lộ 217 bị ngập ở huyện Quan Sơn. Ngoài ra, một số công trình cầu tràn ở một số huyện miền núi Thanh Hóa đã bị ngập do mưa to. Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa đã nhanh chóng khắc phục các sự cố nói trên. Đến trưa 25/6, giao thông trên các tuyến đường ở Thanh Hóa đã hoàn toàn thông suốt.

Ngoài ra, Thanh Hóa có 70 nhà dân bị ngập, hư hỏng, tốc mái; 1.700m đê sông, đê bao bị tràn, sạt lở; 165ha nuôi trồng thủy sản bị tràn.... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 260 tỷ đồng.

Cũng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 2, từ chiều ngày 23/6 đến 25/6 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa trung bình từ 80mm-150mm, có nơi lên đến hơn 200mm.

Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hòa Bình, trong cơn mưa bão, tại xã Vũ Lâm, huyện Lạc Sơn có một cháu bé bị thương nặng do sét đánh và làm chết một con bò. Một số xã tại huyện Đà Bắc bị thiệt hại như xã Hiền Lương có 4 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, chìm 2 thuyền đánh cá; xã Đồng Ruộng, Toàn Sơn bị lũ quét hơn 4.000m2 hoa màu; xã Mường Chiềng, Suối Nánh bị sạt lở gần 1km đường đi, đổ 1 cột điện hạ thế; thiệt hại về vật chất ước khoảng gần 100 triệu đồng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống lụt, bão tỉnh và các huyện rà soát lại những thiệt hại, khẩn trương khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra và chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết khi mùa mưa bão đang về.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Nghệ An cho biết, do ảnh hưởng của bão số 2 trên địa bàn Nghệ An, đến 18 giờ ngày 25/6 đã có một người chết (là cháu Hoàng Văn Tiến 13 tuổi, Bản kẻ Ngang, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu bị chết đuối) và 2 người mất tích (ông Nguyễn Văn Quế 51 tuổi, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc và bà Lô Thị Thanh 40 tuổi, xóm Yên Minh, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp), 2 người khác bị thương.

Bão số 2 cũng đã gây ra những thiệt hại về tài sản với tỉnh Nghệ An. Trên địa bàn tỉnh có 37 nhà bị sập, 1.048 nhà bị ngập, 16 nhà bị trôi, 195 nhà tốc mái; 4.167ha lúa và 1.177 ha hoa màu các loại bị ngập, 1.790 ha ngô bị đỗ gãy; 6 hồ đập và 3 cầu treo bị cuốn trôi, hư hỏng…

Tại các huyện miền núi trong tỉnh, trong ngày 25/6 đã xuất hiện lũ quét trên diện rộng. Đến chiều tối 25/6, nhiều tuyến đường ở miền núi vẫn đang bị ách tắc do sạt lở hoặc ngập nước, không thể đi lại; trong đó có các tuyến đường quan trọng, như ĐT598A đi các xã Nghĩa Hội, Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình, Nghĩa Thịnh (huyện Nghĩa Đàn); đường ĐT598B đi xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp).

uốc lộ 48 và Quốc lộ 7 từ thành phố Vinh đi các huyện miền núi trong tỉnh bị ngập sâu, đứt đường tại nhiều vị trí nên giao thông đang bị ách tắc. Tại huyện Tương Dương, cầu treo dân sinh tại xã Yên Tĩnh bị trôi và tuyến đường Yên Na-Yên Tĩnh bị sạt lở không thể đi lại; tại huyện Kỳ Sơn có nhiều xã đang bị cô lập do bị nước ngập sâu và giao thông hư hỏng; huyện Quỳ Châu cũng đang có nhiều xã bị chia cắt, từ thị trấn không thể đi vào.

Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Nghệ An, đến chiều 25/6, thống kê chưa đầy đủ, bão số 2 đã làm Nghệ An thiệt hại trên 210 tỷ đồng.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại các vùng bị lũ quét, chia cắt./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục