Việc tăng cường bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, nhiều loài động vật hoang dã đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp với nhiều mục đích khác nhau như là làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh hay là chế tác đồ trang sức.
Hơn lúc nào hết, thiên nhiên đang kêu cứu và cần có sự chung tay, nỗ lực vào cuộc của cả cộng đồng. Phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết "Bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp" để thông tin rõ hơn vấn đề này.
Bài 1 - Ngăn chặn các hành vi tổn hại đến động vật hoang dã
Những năm gần đây, các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm triệt phá các đường dây vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã, tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương và ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến cân bằng sinh thái, sức khỏe của con người và uy tín của Việt Nam trên thế giới.
Buôn bán trái phép động vật hoang dã chưa giảm
Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, nhưng các vụ việc buôn bán trái phép động vật hoang dã ở nước ta vẫn liên tục diễn ra và chưa có dấu hiệu giảm.
Mới đây, Công an huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã phát hiện, bắt giữ 3 đối tượng đang dùng kích điện và dao giết cá thể hổ nặng khoảng 220kg để nấu cao tại nhà riêng của Lường Văn Anh tại bản Yên Cang 2, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên. Đây là động vật thuộc danh mục bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm.
Tại Lai Châu, vào đầu tháng 5/2022, hai cá thể gấu con đã được công an tỉnh Lai Châu giải cứu thành công khỏi một vụ buôn bán động vật hoang dã.
Đây là loại gấu ngựa thuộc động vật quý hiếm chỉ sinh sống tại một số tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên, giá bán lên tới 130 triệu đồng/con nên những cá thể gấu con vẫn bị săn lùng, buôn bán.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bắt giữ và xử lý 14 vụ vi phạm về tàng trữ, mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã trái pháp luật, tịch thu 163 cá thể thông thường và 10 cá thể quý, hiếm, hàng chục ký thịt rừng cấp đông.
Trong đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh ra quyết định xử lý một trường hợp mua, nuôi nhốt một cá thể kỳ đà vân quý hiếm, với số tiền 270 triệu đồng.
Ông Đặng Văn Kiệm, Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Chi cục đã tổ chức đường dây nóng để xử lý phản ánh tin báo về động vật hoang dã, tổ chức tuần tra ở rừng, cơ sở gây nuôi, tổ chức thực thi pháp luật để xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm cũng tăng cường tuyên truyền đến người dân và các tổ chức không kinh doanh thịt, động vật rừng để nâng cao ý thức bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Những tháng gần đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức 25 đợt ra quân xử lý tình trạng bẫy bắt chim trời. Kết quả tịch thu tiêu hủy hàng nghìn bẫy que dính, cò mồi xốp và cứu hộ thả 160 cá thể cò sống về tự nhiên.
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế, để xử lý tình trạng này, lực lượng kiểm lâm đã thực hiện nhiều biện pháp như tăng cường tuyên truyền đến người dân, chủ nhà hàng, phối hợp với địa phương tháo gỡ bẫy, kiểm tra các nhà hàng kinh doanh để ngăn việc buôn bán thú rừng.
[Thanh Hóa: Triệt phá đường dây mua bán hổ để nấu cao]
Tại tỉnh Đồng Tháp, Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh) và người dân địa phương tích cực bảo vệ các loài động vật hoang dã trong rừng. Nhờ đó, nhiều loài động vật, nhất là những loại chim, cò phát triển, góp phần quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái.
Gáo Giồng có tổng diện tích rừng hơn 1.600ha, trong đó có khoảng 1.200ha rừng tràm. Hiện nay, rừng tràm Gáo Giồng có trên 100 loài chim, cò. Trong đó, một số loài quý hiếm như nhan điển, cò quắm, cò ốc…
Năm 2017, cò ốc về Rừng tràm Gáo Giồng khoảng vài nghìn con và đến nay, tăng lên khoảng vài chục nghìn con.
Đây là một trong những loại chim nước đang được ưu tiên bảo tồn, lưu giữ. Rừng tràm Gáo Giồng còn là nơi mà nhiều loài chim di cư tìm đến, điển hình là đàn chim én với khoảng vài trăm nghìn con, chúng ở đây từ tháng Tám đến tháng 12 hằng năm.
Ông Huỳnh Thanh Hiền, Trưởng ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, Rừng tràm Gáo Giồng có những giải pháp để thu hút chim về gồm: vận động quần chúng nhân dân ở vành đai rừng để bảo vệ động vật hoang dã, tài nguyên rừng và các loài chim, thủy sản; đồng thời Ban Quản lý rừng tràm thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương để tuần tra bảo vệ an toàn cho các loài chim về sinh sản.
Nhờ tích cực tuyên truyền vận động từ Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng, ý thức bảo vệ động vật hoang dã của người dân địa phương có bước nâng lên.
Nhiều người không còn săn bắt trái phép chim, cò để ăn hoặc bán; áp dụng có hiệu quả một số biện pháp xua đuổi chim, cò phá hoại lúa mà không làm hại đến chúng; tham gia ngăn chặn những đối tượng xâm nhập rừng trái phép.
Do rừng tràm Gáo Giồng có môi trường tốt, mực nước các khu vực trong rừng được đảm bảo trữ nước quanh năm nên nhiều loài thủy sinh, thủy sản phát triển nhanh. Cùng với đó, thảm thực vật phục hồi và phát triển nhanh trong mùa nước là điều kiện thích hợp để các loài chim về đây kiếm ăn.
Cứu hộ, nhân nuôi và tái thả động vật hoang dã nguy cấp
Nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các loại động vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam, đặc biệt là loài tê tê, những năm qua, tại Vườn quốc gia Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương triển khai các hoạt động cứu hộ, phục hồi, nhân nuôi sinh sản và tái thả các cá thể tê tê trở về tự nhiên, nhờ đó, 80% số tê tê bị thương nặng đã được cứu chữa và phục hồi.
[Ninh Bình: Tiếp nhận 5 cá thể mèo rừng quý hiếm từ Điện Biên]
Trung tâm cũng được thế giới ghi nhận là đơn vị đi đầu trong công tác nghiên cứu và chăm sóc tê tê trong môi trường nuôi nhốt.
Các cá thể tê tê này đều được cứu hộ từ các vụ vận chuyển, săn bắn trái phép, tỉ lệ được cứu sống, tái thả về tự nhiên rất thấp.
Bởi tê tê thường bị vận chuyển đi khá xa, bị mất nước, thiếu dinh dưỡng, bệnh tật, bị nhồi nhét thức ăn và mang trên mình nhiều vết thương do dính bẫy săn. Vì vậy, đa số các cá thể tê tê tiếp nhận về Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam đều trong tình trạng rất ốm yếu.
Sau 30 ngày kiểm dịch, trải qua quá trình chăm sóc sức khỏe và phục hồi, trung bình khoảng 2-3 tháng, các cá thể tê tê được tái thả về tự nhiên.
Chị Lê Thị Hồng Nhung, Trưởng nhóm bác sỹ thú y tại Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình chia sẻ: "Công việc của chúng tôi đều xuất phát từ tình yêu động vật. Thường động vật được cứu hộ về Trung tâm sẽ mắc rất nhiều về vấn đề sức khỏe, do quá trình săn bắt, vận chuyển dài ngày. Chúng tôi tiến hành kiểm tra, chăm sóc và phục hồi cho các cá thể động vật này đến khi có sức khỏe tốt hơn."
Được thành lập từ năm 2014, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cứu hộ, nhân nuôi sinh sản, vận động chính sách, nghiên cứu bảo tồn 2 loại tê tê tại Việt Nam là tê tê vàng và tê tê Java.
Bước đầu, Trung tâm đã ghi nhận được nhiều hình ảnh tê tê, đặc biệt các hình ảnh các cá thể tê tê non mới sinh tại các địa điểm tái thả tê tê Java và 9 cá thể tê tê vàng đang gây nuôi sinh sản; đây có thể coi là nguồn gen thực sự quý báu cho loài tê tê ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Trung tâm hỗ trợ nâng cao năng lực cứu hộ tê tê tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới.
Anh Trần Văn Trường, Trưởng nhóm chăm sóc động vật tại Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch tiếp tục thực hiện cứu hộ, cứu chữa nhằm giữ lại các cá thể động vật trong quá trình phục hồi buôn bán còn sót lại. Chúng tôi tham gia hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các đơn vị trung tâm cứu hộ của nhà nước khác, đặc biệt là liên quan đến thú ăn thịt và tê tê nhằm nâng cao năng lực và phát huy tốt những hiệu quả cứu hộ, tập trung vào các chương trình nhân nuôi sinh sản như tê tê, cầy vằn có hiệu quả hơn nữa."
Đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương cứu hộ thành công gần 1600 cá thể tê tê (nhiều nhất thế giới). Trong đó, 60% các cá thể này được tái thả về tự nhiên an toàn, đều được gắn microchip và mã nhận dạng sử dụng thiết bị bay không người lái để theo dõi.
Ngoài ra, đối với các cá thể không đủ điều kiện tái thả sẽ được chăm sóc đặc biệt tại trung tâm Giáo dục Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê nhằm chia sẻ về các hoạt động bảo tồn cũng như truyền cảm hứng cho du khách tham gia vào công tác bảo tồn động vật hoang dã.
Cần nhiều hơn những giải pháp cấp bách
Để bảo tồn động vật hoang dã, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Trong đó yêu cầu dừng nhập khẩu động vật hoang dã và kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật.
Gần đây, Chỉ thị số 04/ CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim di cư, đặc biệt là vấn đề bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm cũng là một nội dung ưu tiên trong Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục Thiên nhiên (ENV), hiện nay, các quy định pháp luật liên quan đến luật bảo vệ động vật hoang dã cũng như các chế tài về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về cơ bản đã khá toàn diện, mức xử phạm lên tới 400 triệu đồng đối với những hành vi vi phạm hành chính cho các nhân, 15 năm tù giam cho các hành vi vi phạm về hình sự.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là những chế tài, quy định quản lý đó cần được áp dụng đầy đủ, cụ thể trên thực thế. Chỉ khi các đối tượng vi phạm nhìn thấy những tấm gương, những trường hợp đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự về những hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã mới khiến giảm thiểu được tình trạng này.
Ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, những năm gần đây, Nhà nước rất quan tâm đến việc quản lý động, thực vật hoang dã, đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như chính sách liên quan đến quản lý động vật hoang dã.
Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia có đầy đủ pháp luật về quản lý động vật, thực vật hoang dã. Mặt khác, Việt Nam cũng là thành viên của các công ước quốc tế về đa dạng sinh học, về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã. Việt Nam có đủ các chế tài từ xử lý hình sự, xử lý hành chính, hành vi vi phạm pháp luật về quản lý động, thực vật hoang dã.
Nhằm thúc đẩy phòng, chống buôn bán động vật hoang dã, bên cạnh việc tăng cường các chế tài xử phạt, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân xóa bỏ lối sống khoe khoang qua việc nuôi, giữ, sử dụng trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm.
Tháng 6 năm 2022 là Tháng hành động vì môi trường, trong đó bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là một trong những nội dung quan trọng được Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi mỗi cá nhân cùng thay đổi nhận thức, chung tay ngăn chặn các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép, bảo vệ những nguồn gen quý, hiếm của các sinh vật sống trên đất nước ta./.
(Bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp: Bài cuối - Gìn giữ nguồn tài nguyên quý giá)