Báo Trung Quốc: Sẽ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế mới tại Mỹ

Dịch COVID-19 là một thử thách mà nước Mỹ chưa bao giờ phải đối mặt trước đây, chính phủ chắc chắn sẽ tăng cường can thiệp vào thị trường, điều có thể sẽ vượt qua tầm với của chính phủ.
Ngày 15/3/2020, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần, nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan trên toàn nước Mỹ.
Ngày 15/3/2020, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần, nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan trên toàn nước Mỹ.

Theo trang mạng globaltimes.cn, trong những ngày qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã đưa ra một loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ nhằm ngăn chặn thiệt hại kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2).

Tuy nhiên, sự lao dốc gần đây của thị trường cho thấy họ có lẽ cần làm nhiều hơn và nhanh hơn thế để ngăn chặn một cuộc suy thoái gần như chắc chắn sẽ xảy ra trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Mỹ chắc chắn đã rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế, điều này có thể thấy thông qua tình trạng rối loạn của thị trường chứng khoán.

Nếu sự hoảng loạn của thị trường tiếp tục tăng lên và chính sách của Fed không thể làm yên lòng thị trường, thì chứng khoán Mỹ có thể còn lao dốc sâu hơn nữa, điều đó sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán không kém gì cuộc Đại suy thoái 1929.

Với sự sụp đổ của thị trường chứng khoản, thì tiêu dùng, khả năng thanh toán và thuê nhân công của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, vấn đề thực sự đó là "sức khỏe" của nền kinh tế ảnh hưởng không chỉ tới các cổ đông mà còn tới hàng triệu người lao động đang tham gia kế hoạch tiết kiệm hưu trí 401(k) của đất nước.

Những lo ngại về tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế có thể khiến mọi người rút tiền khỏi các tài khoản 401(k) để tránh phải chứng kiến tiền tiết kiệm hưu trí của họ bị giảm do biến động thị trường.

Một số cố vấn kinh tế cho rằng một tài khoản tiết kiệm hưu trí 401(k) là một kế hoạch đầu tư lâu dài, và rằng mọi người không cần phải theo dõi sát sao thị trường chứng khoán.

Điều đó đúng. Thị trường có thể phục hồi nhanh chóng sau những ảnh hưởng trong ngắn hạn của dịch COVID-19 nếu đó chỉ là một cuộc suy thoái, vốn thường không kéo dài.

[JP Morgan: Kinh tế Mỹ có thể giảm 14% trong quý II năm 2020]

Tuy nhiên, nếu tình trạng sụp đổ của thị trường vẫn tiếp diễn và châm ngòi một cuộc khủng hoảng kinh tế, cả khả năng kéo dài nhiều năm và dẫn tới tình trạng đình trệ nghiêm trọng thì sao?

Không gì là không thể. Tốc độ tụt dốc của thị trường chứng khoán trong vài tuần qua đã tồi tệ hơn so với khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã mất 53% trong vòng 17 tháng, từ tháng 10/2007-3/2009. Lần này, tính từ ngày 13/2 đến ngày 17/3, chỉ số Dow Jones đã mất 28%.

Kể từ sau cuộc Đại suy thoái 1929, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa bao giờ lớn đến như vậy.

Dự đoán sẽ có một cuộc suy thoái kinh tế, một số công ty đã bắt đầu cho nhân viên nghỉ việc, trong khi đó, tình trạng lao dốc của thị trường chứng khoán ảnh hưởng tới các kế hoạch tiết kiệm hưu trí 401(k) của người dân, từ đó chắc chắn sẽ tác tộng tới tiêu dùng, tạo gánh nặng cho nền kinh tế và theo cách đó sẽ bắt đầu một vòng tròn khắc nghiệt.

Dịch COVID-19 là một thử thách mà nước Mỹ chưa bao giờ phải đối mặt trước đây. Chính phủ chắc chắn sẽ tăng cường can thiệp vào thị trường, điều có thể sẽ vượt qua tầm với của chính phủ.

Đã đến lúc mọi người cần chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm tàng, bởi vì không ai biết một cuộc khủng hoảng kinh tế mới tại Mỹ sẽ gây ra cú sốc như thế nào tới một thế giới toàn cầu hóa ở mức độ cao như hiện này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục