Bất ổn kinh tế Iran không chỉ đến từ các lệnh trừng phạt của Mỹ

Chính phủ Iran đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế khắc nghiệt trong bối cảnh Tehran sẽ công bố ngân sách hàng năm dự kiến trong ngày 25/12.
Bất ổn kinh tế Iran không chỉ đến từ các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh 1Đồng rial của Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo AFP, Chính phủ Iran đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế khắc nghiệt trong bối cảnh Tehran sẽ công bố ngân sách hàng năm dự kiến trong ngày 25/12, và không phải tất cả các vấn đề nền kinh tế này gặp phải đều là hậu quả của các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt.

Đồng nội tệ rial đã mất khoảng 50% giá trị so với đồng USD kể từ khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng Năm tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Tehran.

Động thái này đã đẩy giá cả leo thang và ngăn phần lớn hoạt động đầu tư nước ngoài vào Iran mà Tổng thống Hassan Rouhani từng kỳ vọng thu hút được. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng nền kinh tế Iran sẽ giảm tới 3,6% trong năm tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nhiều thách thức kinh tế của Iran tồn tại cả trước khi ông Trump áp đặt trừng phạt.

[Đại giáo chủ Khamenei: Mỹ thất bại trong việc chia rẽ người dân Iran]

Nhà kinh tế học Mohammad Mahidashti ở Iran cho rằng hệ thống ngân hàng là "vấn đề lớn nhất - chồng chất với tài sản ảo và các khoản nợ xấu." Các ngân hàng đã phát hành các gói tín dụng cho vay quy mô lớn dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Rouhani Mahmoud Ahmadinejad mà không mấy quan tâm liệu những khoản vay này có được hoàn trả hay không.

Ủy ban kinh tế Quốc hội Iran hồi tháng Ba cho biết 50% các khoản vay này - trị giá khoảng 27 tỷ USD vào thời điểm đó - đã biến thành nợ xấu. Trong bối cảnh thiếu tiền một cách tuyệt vọng, các ngân hàng đã cố gắng thu hút dòng tiền gửi mới với lãi suất từ 30% trở lên. Mặc dù giải pháp này giúp cung cấp nguồn thanh khoản rất cần thiết ban đầu, song lãi suất từ các khoản tiền gửi này chỉ khiến các ngân hàng càng thêm bất ổn.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang phải gánh những tài sản không thể bán được sau khi bơm tiền vào dự án xây dựng tràn lan, vốn đã bị "kiệt sức" trong khoảng năm 2013. Ông Narges Darvish, giảng viên kinh tế tại Đại học Alzahra ở Tehran, cho hay: "Chúng tôi có gần 2 triệu ngôi nhà bỏ không ở Iran. Đơn giản là không có nhu cầu về thị trường nhà ở." Nhưng chính phủ không muốn để các ngân hàng sụp đổ, lo sợ phản ứng dữ dội của công chúng - đặc biệt là sau sự sụp đổ của các cơ quan tín dụng vốn đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình rầm rộ cách đây 1 năm.

Trong khi đó, nhà kinh tế học Mousa Ghaninezhad lại cho rằng nền kinh tế Iran gặp khó khăn cũng một phần do chính phủ nước này đã phản ứng lộn xộn và thiếu chiến lược chặt chẽ trước các biện pháp trừng phạt gia tăng của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục