BRICS tin tưởng triển vọng tăng trưởng kinh tế

BRICS tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế

Các bộ trưởng đến từ BRICS vẫn tỏ ý tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của khối, dù FED cân nhắc rút giảm chương trình kích thích kinh tế.
BRICS tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế ảnh 1Các đại biểu bàn thảo trong khuôn khổ Davos 2014 (Nguồn: TTXVN)

Tại Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 44 đang diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ, các bộ trưởng đến từ BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vẫn tỏ ý tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của khối này, dù có những biến động trên các thị trường tài chính do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cân nhắc việc rút giảm chương trình kích thích kinh tế gây ra cũng như quna ngại về nền kinh tế Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Brazil, Guido Mantega, cho rằng BRICS sẽ vẫn tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Pravin Gordhan nói dù sẽ có những tác động khi FED rút chương trình nới lỏng định lượng, song những tác động đó được trông đợi sẽ không trở thành các cú sốc bởi các chính phủ đã có sự chuẩn bị trước tình huống đó.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich lưu ý đến một vấn đề khác bên cạnh sự thay đổi trong chính sách tiền tệ là Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), đối tác thương mại chính của Nga, vẫn tiếp tục tăng ở mức quá chậm.

Ông nói, nếu Eurozone vẫn trong tình trạng gần như là suy thoái như hiện nay và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn thì đây cũng sẽ là thực tế được thấy ở Nga.

Cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Liu Mingkang, nhấn mạnh rằng cần thận trọng trước sự giảm tốc của kinh tế nước này và những lo ngại về các cú sốc tài chính.

Ông nói, tăng trưởng kinh tế chậm lại là một thực tế, khi chỉ còn là 7,7% năm 2013 so với các mức tăng trưởng hai con số trong mấy năm trước. Nhưng ông cũng giải thích rằng tăng trưởng thấp hơn là do Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển từ dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng trong nước.

Dù vậy, nhiều nhà kinh tế và các quan chức tham dự hội nghị cho rằng việc Trung Quốc tái cân bằng nền kinh tế sẽ có lợi cho tăng trưởng của toàn cầu.

Theo người đứng đầu Goldman Sachs, Lloyd Blankfein, cả thế giới đang hướng sự chú ý vào Trung Quốc bởi kinh tế nước này tăng trưởng ra sao sẽ có ảnh hưởng đến toàn cầu. Ông nói nếu muốn tăng trưởng ổn định, bảo vệ môi trường, tạo nhiều việc làm thì phải chấp nhận tăng trưởng thấp hơn.

Còn phó giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Zhu Min, cho rằng việc Trung Quốc tái cân bằng nền kinh tế sẽ mang lại những tác động tích cực trong dài hạn về nhiều mặt như kinh tế, thương mại và tài chính với nhiều nước là đối tác thương mại lớn và xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc.

WEF diễn ra trong các ngày 22-25/1, với chủ đề "Tái định hình thế giới: Những hệ quả về xã hội, chính trị và kinh doanh", là sự tiếp nối chủ đề "Năng động để thích ứng" với khả năng phục hồi của năm trước đó.

"Davos 2014" được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi từ nửa cuối năm 2013, tăng trưởng trở lại ở Eurozone, nhưng vẫn phải đối mặt với một số thách thức như áp lực lạm phát gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức cao và nhiều nước còn phải loay hoay tìm kiếm mô hình và động lực tăng trưởng mới.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu sẽ tham dự các phiên họp chính thức, các hoạt động song phương và tham gia đối thoại với các doanh nghiệp quan tâm tới Việt Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục