Cả Nga và Mỹ đều đang cạnh tranh sức ảnh hưởng tại Indonesia?

Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Blinken, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tiếp Thư ký Patrushev, một cộng sự thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cả Nga và Mỹ đều đang cạnh tranh sức ảnh hưởng tại Indonesia? ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinke (phải) tới sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta, Indonesia, ngày 13/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

AFP/AP/Trang mạng aljazeera.com đưa tin ngày 13/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á với điểm dừng chân đầu tiên ở Jakarta, song song với chuyến thăm của Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev.

Các quan chức Indonesia cho biết sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Blinken, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tiếp Thư ký Patrushev, một cộng sự thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo Đại sứ quán Nga, người đối thoại chính của Patrushev tại Indonesia sẽ là Mohammad Mahfud - Bộ trưởng Các vấn đề về Luật và An ninh.

Hai đối tác tốt

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, sau cuộc hội đàm của ngoại trưởng các nước G7, vốn bị chi phối do căng thẳng với Nga, Blinken đã gặp Widodo và "bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò lãnh đạo của Indonesia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với tư cách là nền dân chủ lớn thứ ba thế giới và là nước ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ."

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết cuộc thảo luận đã diễn ra "ấm cúng và cởi mở," đồng thời nhấn mạnh mong muốn Mỹ tăng cường đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này.

Sau các cuộc gặp, Ngoại trưởng Marsudi nhấn mạnh Indonesia sẵn sàng vun đắp mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các đối tác.

Tại một cuộc họp trực tuyến, bà nói: "Cả Mỹ và Nga đều là hai đối tác tốt của Indonesia ... sẽ luôn củng cố lòng tin chiến lược với tất cả các nước và tất cả các đối tác của Indonesia."

Ngoại trưởng Marsudi khẳng định: “Lòng tin chiến lược là điều rất quan trọng, là nền tảng để xây dựng quan hệ hợp tác cùng có lợi và tôn trọng. Và Indonesia cam kết mạnh mẽ trong việc góp phần kiến tạo một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng."

Theo một tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Jakarta, Thư ký Patrushev nhấn mạnh cam kết của Moskva trong việc giữ gìn "kiến trúc an ninh hiện đại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Mục tiêu của Mỹ

Theo kế hoạch, ngày 14/12 tại Indonesia, ông Blinken có bài phát biểu về "cách tiếp cận của Mỹ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương," một “chiến trường” quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc.

[Indonesia và Mỹ cam kết tăng cường quan hệ hợp tác cùng có lợi]

Về cơ bản, chiến lược của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng giống chiến lược của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump - theo đó nhấn mạnh rằng khu vực này nên duy trì sự tự do và rộng mở khi đối mặt với thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính quyền Biden sẽ chú trọng nhiều hơn vào việc xây dựng các liên minh nhằm chống lại Bắc Kinh, sau sự hỗn loạn và khó đoán của Mỹ dưới thời Trump.

Sau Indonesia, ông Blinken sẽ đến Malaysia và Thái Lan. Trong các cuộc họp, ông sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Washington, trong đó có việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi mà nhiều nước láng giềng của Trung Quốc đã cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền.

Trao đổi với các phóng viên trước chuyến công du, Daniel Kritenbrink - Trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương - cho biết Blinken sẽ "tập trung vào việc củng cố cơ sở hạ tầng an ninh khu vực để đối phó với hành vi bắt nạt của Trung Quốc trên Biển Đông."

Ông Kritenbrink nói: "Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động nào của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hoặc bất kỳ tác nhân nào khác được thiết kế để gây mất ổn định khu vực."

Thời gian qua, căng thẳng trong khu vực đã gia tăng do các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông, vốn chồng lấn lên chủ quyền của một số quốc gia Đông Nam Á.

Ông Blinken cho biết Trung Quốc đặt ra "phép thử địa chính trị lớn nhất" trong thế kỷ này, nhưng đang tìm cách vượt qua ranh giới giữa cạnh tranh và đối đầu.

Tuy nhiên, những năm gần đây, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh liên tục xấu đi, đặc biệt là trong vấn đề Đài Loan - nơi mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của nước này và sẽ quyết tâm giành lại, thậm chí bằng vũ lực nếu cần thiết.

Cùng ngày, tờ Thời báo Hoàn Cầu đánh giá chuyến thăm Đông Nam Á của ông Blinken “không thay đổi được trạng thái cân bằng” trong khu vực.

Trao đổi với Thời báo Hoàn Cầu, Gu Xiaosong - Trưởng khoa ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Đại học Hải dương Nhiệt đới Hải Nam - nhận định: “Những quốc gia này rất giỏi trong việc duy trì sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, trong điều kiện không hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc hay Mỹ, đây là một đặc điểm trong chính sách đối ngoại của nhiều nước tại khu vực này."

Trong chuyến thăm lần này, ông Blinken cũng có kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng ở Myanmar, quốc gia đang rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 2/2021.

Tuần trước, một tòa án ở Myanmar đã kết tội nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021, với hai tội danh.

Các động thái này bị cho là một nỗ lực của chính quyền quân sự Myanmar nhằm hủy hoại những thành tựu dân chủ mà nước này đã đạt được trong những năm gần đây.

"Đích đến" của Nga

Tuần trước, cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet - một trong những trợ lý cấp cao nhất của ông Blinken - đã đến Campuchia sau khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Phnom Penh do sức ảnh hưởng quân sự ngày càng sâu sắc của Trung Quốc, tình trạng tham nhũng và vi phạm nhân quyền tại nước này.

Cũng trong chuyến thăm Indonesia, Ngoại trưởng Blinken dự kiến sẽ gặp Thư ký Patrushev để đàm phán về vấn đề an ninh.

Chỉ một ngày sau khi cùng ngoại trưởng các nước G7 yêu cầu Nga ngừng leo thang căng thẳng quân sự gần biên giới Ukraine, ông Blinken đã bắt đầu chuyến thăm kéo dài 48 giờ tới Indonesia, cũng là điểm đến của Thư ký Patrushev - người được xem là quan chức cấp cao thứ ba trong chính phủ Nga.

Ngay trước khi ông Blinken đặt chân đến Indonesia, Đại sứ quán Nga tại Jakarta đã thông báo về chuyến thăm của Patrushev, cho biết ông sẽ có mặt tại đây trong 2 ngày cùng ngoại trưởng Mỹ.

Các cuộc họp của Patrushev sẽ diễn ra cùng thời điểm Blinken có bài phát biểu quan trọng ngày 14/12 về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Biden.

Không có dấu hiệu nào cho thấy hai quan chức của Nga và Mỹ có thể gặp nhau ở Jakarta.

Cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ thừa nhận sự hiện diện của nhau ở Indonesia, nơi đặt trụ sở của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là một bên đóng vai trò quan trọng trong an ninh khu vực.

Bộ Ngoại giao Indonesia đã đánh giá thấp khả năng diễn ra các cuộc gặp song phương.

G7 kêu gọi Nga “ngừng leo thang, theo đuổi các kênh ngoại giao và tuân thủ các cam kết quốc tế về tính minh bạch trong các hoạt động quân sự,” đồng thời đánh giá cao “sự kiềm chế” của Ukraine.

Trong một tuyên bố chung, ngoại trưởng các nước G7 đã cảnh báo rằng bất kỳ “hành động vũ lực nào nhằm thay đổi biên giới đều bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm.

Nga nên hiểu rằng việc gia tăng căng thẳng quân sự đối với Ukraine sẽ gây ra những hậu quả to lớn và phải trả giá đắt.”

Tuyên bố được đưa ra sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa ông Biden và ông Putin hồi tuần trước, trong đó ông Biden nêu rõ Nga sẽ gánh hậu quả tàn khốc về kinh tế nếu xâm lược Ukraine.

Về phần mình, Moskva phủ nhận bất kỳ kế hoạch tấn công nào đối với Ukraine, đồng thời cáo buộc chính Kiev mới là bên gây hấn.

Trước chuyến công du kéo dài 8 ngày của ông Blinken - chuyến công du nước ngoài dài nhất của ông kể từ khi nhậm chức, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ kỳ vọng ông Blinken sẽ chuyển mục tiêu từ những thách thức của Nga sang những thách thức của Trung Quốc khi rời cuộc họp G7 ở Liverpool để đến Đông Nam Á.

Hiện vẫn chưa rõ liệu sự hiện diện của Patrushev ở Indonesia có thay đổi mục tiêu này hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục