Cách giúp các nước thứ ba đương đầu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Cuộc chiến thương mại sẽ tạo ra rủi ro, cơ hội cho các nước thứ ba. Lấp đầy khoảng trống cung-cầu gây ra bởi mức áp thuế cao hơn từ cả hai phía trong cuộc chiến này là cơ hội cho các nước thứ ba.
Cách giúp các nước thứ ba đương đầu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Food Business News)

Theo trang mạng theconversation.com, căng thẳng ngày càng leo thang trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã thu hút chú ý của các chính trị gia, doanh nghiệp và công chúng.

Cuộc xung đột này đang thách thức cách tiếp cận truyền thống đối với các tranh chấp thương mại, vốn thường liên quan đến việc một trong những nước đang tranh chấp đưa vụ việc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phán xét hoặc phân xử.

Các tổ chức quốc tế, gồm WTO và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đã lên tiếng cảnh báo rằng hậu quả của cuộc xung đột có thể bao gồm cả sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ và sự suy thoái tăng trưởng toàn cầu.

Điều này có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác như Australia và New Zealand.

Một khuôn khổ mới

Cả hai nước này đều phát triển mối quan hệ chính trị chặt chẽ với Mỹ trong khi thúc đẩy mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc.

Bởi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Australia và New Zealand, do đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể gây ảnh hưởng đáng kể đối với hàng hóa xuất khẩu của họ.

Mặc dù giá trị đồng USD trong bất kỳ tác động nào của cuộc chiến thương mại đều rất khó để đánh giá, song việc đưa ra một phân tích định tính là vô cùng quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể phát triển một tầm nhìn sâu rộng về vấn đề này.

Để phân tích tác động của cuộc chiến thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của quốc gia thứ ba, chúng ta phải phát triển một khuôn khổ mới.

Yếu tố đầu tiên cần xem xét là liệu nhu cầu ban đầu đối với các sản phẩm từ một quốc gia đang tranh chấp có được chuyển sang một quốc gia thứ ba hay không.

Chẳng hạn, nhu cầu của Trung Quốc đối với đậu nành của Brazil đã tăng vọt trong năm 2018, với 5,07 triệu tấn đậu nành nhập khẩu từ Brazil sang Trung Quốc, tăng hơn 80% so với năm 2017.

Theo dự đoán, các thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Mexico, Nhật Bản và Canada trong số nhiều quốc gia khác, có thể giành được 70 tỷ USD thương mại song phương Mỹ-Trung bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại.

Yếu tố thứ hai là liệu nguồn cung ban đầu từ một quốc gia đang tranh chấp sang quốc gia khác có được chuyển hướng sang một quốc gia thứ ba hay không.

Có báo cáo cho biết từ tháng 7 đến giữa tháng 9/2018, xuất khẩu đậu nành từ Mỹ sang EU đã tăng 133% so với cùng kỳ năm 2017.

Người tiêu dùng EU và các doanh nghiệp theo đuổi ngành công nghiệp đậu nành, chẳng hạn như các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học, đã được hưởng những lợi ích khi giá đậu nành thấp hơn do nhận được nguồn cung bổ sung của Mỹ.

Thay đổi chuỗi cung ứng quốc tế

Yếu tố thứ ba là liệu căng thẳng thương mại có làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu của một ngành (ví dụ như điện thoại thông minh), vốn vô cùng quan trọng đối với quốc gia thứ ba hay không.

Các khoản thuế do chính phủ Mỹ áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc được cho là gây bất ổn đến chuỗi cung ứng trong và ngoài Trung Quốc, nơi mà các công ty đã đầu tư trong nhiều năm qua.

[Phải làm gì để ứng phó với rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?]

Các nước như Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đang bắt kịp Trung Quốc về chuyên môn và năng lực sản xuất. Các công ty từ các nền kinh tế công nghiệp hóa như Đài Loan và Hàn Quốc đang xem xét cải thiện lợi thế cạnh tranh của đất nước họ.

Sự bất ổn về giá và cung cấp hàng hóa trung gian từ các quốc gia này đối với chuỗi cung ứng của nước thứ ba là rất quan trọng để xác định hiệu ứng lan tỏa ở nước thứ ba.

Yếu tố cuối cùng là liệu ngành công nghiệp trọng điểm ở nước thứ ba có tạo ra được một phản ứng chủ động trước các rủi ro từ cuộc chiến thương mại hay không.

Phản ứng chủ động có nghĩa là các công ty trong ngành công nghiệp trọng điểm ở nước thứ ba bắt đầu điều chỉnh đầu tư chiến lược vào nghiên cứu và phát triển, tìm nguồn cung ứng và sản xuất bên trong hoặc bên ngoài Mỹ hoặc Trung Quốc.

Rủi ro và cơ hội

Cuộc chiến thương mại sẽ tạo ra những rủi ro và cơ hội cho các nước thứ ba như Australia và New Zealand. Lấp đầy khoảng trống cung-cầu gây ra bởi mức áp thuế cao hơn từ cả hai phía trong cuộc chiến thương mại là cơ hội cho các nước thứ ba.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong khả năng sản xuất và xuất khẩu ở các công ty và ngành công nghiệp.

Khi cuộc xung đột thương mại tiếp diễn, điều này sẽ duy trì thế cân bằng cho nước thứ ba đang lơ lửng giữa hai cường quốc kinh tế.

Chúng ta đã chứng kiến những căng thẳng Mỹ-Trung tràn sang khu vực này trong bối cảnh Mỹ cấm sử dụng công nghệ từ tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, đồng thời thuyết phục Australia và New Zealand tuân thủ lệnh cấm này.

Có báo cáo cho biết các công ty như Air New Zealand và Sanford của New Zealand đang phải đối mặt với những thách thức trong các vấn đề “về hoạt động” khi mối quan hệ chính trị của nước này với Trung Quốc vướng phải nhiều khúc mắc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục