Sự cố sập sụt hệ thống sàn, đà giáo tại điểm thi công ga Hà Đông, đối diện bến xe Hà Đông cũ thuộc Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông rạng sáng 28/12 vừa qua đang được các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân.
Qua vụ việc này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), về những vấn đề có liên quan.
- Ông đánh giá thế nào về sự cố sập sụp hế thống sàn giáo tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông xảy ra vừa qua?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là dự án trọng điểm được thi công trong nội đô với điều kiện người dân và phương tiện vẫn qua lại. Do đó, trong mọi điều kiện chủ đầu tư và nhà thầu phải hết sức lưu ý đến vấn đề án toàn giao thông và an toàn lao động.
Trong ngành xây dựng khi thi công các công trình trên cao lại có nhiều vật liệu nặng trong khi vẫn cho phép người phương tiện lưu thông ở phía dưới là chuyện hết sức nguy hiểm. Trong điều kiện như vậy thì cần phải có những biện pháp đảm bảo an toàn một cách hữu hiệu hơn, phải tiến hành kiểm tra thường xuyên hơn. Chứ làm theo cách thức thi công như hiện nay tại dự án này không an toàn, không ai dám chắc sẽ không có sự cố khác xảy ra. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn khi thi công trên cao với nhiều vật nặng thì ngoài hệ thống giàn giáo theo tiêu chuẩn phải có biện pháp hỗ trợ khác nữa kèm theo phòng khi có sự cố.
- Theo ông, tổng thầu EPC (Trung Quốc), Ban Quản lý dự án và các đơn vị, các nhân tại dự án này có trách nhiệm như thế nào trong việc để xảy ra sự cố trên?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Theo tôi, trách nhiệm của tổng thầu khi để xảy ra sự cố trên là đương nhiên. Cụ thể, ở đây tổng thầu có trách nhiệm liên quan với tư cách là người giao công việc cho các nhà thầu phụ thông qua các quy định theo hợp đồng được ký kết giữa hai bên, tổng thầu phải có trách nhiệm kiểm tra, đảm bảo tất cả các điều kiện về an toàn lao động, an toàn thi công cùng với các nhà thầu phụ. Tuy nhiên, tôi cho rằng đơn vị thi công và đơn vị quản lý trực tiếp tại dự án phải chịu trách nhiệm lớn hơn. Nói cho đúng ra, tổng thầu không trực tiếp gây ra sự cố mà ở đây phải là các nhà thầu phụ và đơn vị quản lý, giám sát tại chỗ chịu trách nhiệm đầu tiên.
Theo quan điểm của VACC và cá nhân tôi thì tổng thầu trong dự án này phải chịu trách nhiệm liên đới, nhưng không thể nói chịu trách nhiệm toàn bộ về sự cố trên là của tổng thầu. Lỗi của tổng thầu ở đây là không nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên đối với các nhà thầu phụ.
Về trách nhiệm của Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) ở đây là rất lớn là vì đã không kiểm tra, kiểm soát sát sao các nhà thầu thi công. Ban Quản lý dự án đường sắt có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hàng ngày.
Tại sự cố này, ít người đề cập đến trách nhiệm của tư vấn giám sát. Ở đây trách nhiệm của tư vấn giám sát là phải đảm bảo điều kiện thi công của dự án một cách an toàn và kỹ thuật nhất nhằm đảm bảo chất lượng của công trình. Tôi cho rằng tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm lớn hơn trách nhiệm của Ban Quản lý dự án đường sắt. Trách nhiệm của Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt ở đây giống như trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan khi để nhân viên mình làm việc sai trái, thì thủ trưởng phải có trách nhiệm liên đới do đã thiếu kiểm tra, giám sát đối nhân viên của mình. Ông Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt phải chịu trách nhiệm với tư cách một thủ trưởng đơn vị đã thiếu trách nhiệm bao quát.
- Qua sự cố trên đã cho thấy việc lựa chọn nhà thầu là rất quan trọng. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: VACC đang triển khai đánh giá, xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng như nhiều nước đã làm. Việc này cần thống nhất quan điểm với Bộ Xây dựng. Trước đây, Bộ Xây dựng từng muốn làm vì đã có những cảnh báo về các nhà thầu không đủ năng lực. VACC đã trao đổi với Bộ Xây dựng và sẽ tiến hành làm trong thời gian tới. Từ đó, chủ đầu tư có thể tham chiếu, tham khảo, đánh giá năng lực nhà thầu tương xứng ở mức độ nào khi giao thầu, ký kết hợp đồng.
Tôi cho rằng khi tiến hành xếp hạng nhà thầu sẽ giúp tìm được các nhà thầu đủ năng lực, thiết bị cho từng dự án, đặc biệt là những dự án đặc thù như dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đòi hỏi thi công chuyên dụng có đội ngũ kỹ sư, công nhân có kinh nghiệm cùng với công cụ máy móc chuyên dụng phù hợp với tính chất của dự án chứ không thể là các nhà thầu thi công bình thường có thể đảm nhận được.
- Theo ông cần có biện pháp gì để đảm bảo an toàn khi thi công Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Ý nghĩa và hiệu quả của đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông thì không có gì phải nghi ngờ, đặc biệt là dự án này sau khi hoàn thành sẽ giải tỏa áp lực giao thông của cửa ngõ Thủ đô. Tuy nhiên, cách tổ chức thi công của chúng ta tại dự án này không giống ai. Nếu nhìn sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc,... họ cũng xây dựng những tuyến đường sắt trên cao tương tự, nhưng cách tổ chức quản lý hiện trường của họ khác hẳn với chúng ta. Hiện trường thi công tại các dự án của họ thường chỉ làm đêm, tổ chức thi công cao trào vào ban đêm, ban ngày họ mở cho người dân và phương tiện lưu thông, nhưng về ban đêm họ cấm đường để tập trung thi công cho an toàn. Bên cạnh đó cũng phải nói rằng các biện pháp và công cụ thi công của các nước này như hệ thống giàn giáo, công cụ thi công... là chuẩn, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn.
Chia sẻ thực là tất cả người dân, kể cả tôi có lúc có việc phải đi qua dự án đều có cảm giác rất sợ, lo lắng về an toàn cho bản thân vì không biết có xảy ra sự cố hay không khi mà hệ thống giàn giáo, thiết bị nặng đang treo lơ lửng trên đầu.
Tôi cho rằng cần quy hoạch phân vùng lại lưu lượng giao thông để có biện pháp thi công nhanh nhất, cấm đường trong lúc thi công các hạng mục trên cao, sau đó phải giải tỏa nhanh để cho các phương tiện lưu thông như vậy mới có thể đảm bảo an toàn. Nếu cứ để vừa thi công vừa cho người dân và phương tiện lưu thông thì chẳng ai dám chắc là có thể kiểm tra được hết không để xảy ra sự cố.
-Xin cảm ơn ông./.