Canada cảnh báo các vụ lừa đảo nhân ngày Lễ tình yêu 14/2

Khi chiếm được lòng tin và tình cảm của đối phương, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng đòn bẩy cảm xúc đó đề nghị chuyển tiền mặt, tiền điện tử, quà tặng hoặc đề nghị đầu tư.
Canada cảnh báo các vụ lừa đảo nhân ngày Lễ tình yêu 14/2 ảnh 1Các thủ đoạn lừa đảo thường liên quan đến việc thuyết phục nạn nhân thiết lập một mối quan hệ ảo trực tuyến. (Nguồn: Upnorthlive)

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, những tiến bộ ngoạn mục trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang có nguy cơ thúc đẩy các vụ lừa gạt tình cảm lẫn tiền bạc.

Trung tâm chống gian lận Canada đã ghi nhận xu hướng tăng vọt các vụ "lừa tình" khi hình thức trò chuyện và giao dịch trực tuyến gia tăng trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

[Infographics] Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo qua mạng  

Các thủ đoạn lừa đảo thường liên quan đến việc thuyết phục nạn nhân thiết lập một mối quan hệ ảo trực tuyến.

Một khi chiếm được lòng tin và tình cảm của đối phương, kẻ lừa đảo sử dụng đòn bẩy cảm xúc đó đề nghị chuyển tiền mặt, tiền điện tử, quà tặng hoặc đề nghị đầu tư.

Trung tâm Chống gian lận Canada cảnh báo rằng các đối tượng lợi dụng ngày Lễ tình yêu Valentine's Day (14/2) để nhắm mục tiêu vào những người dân tại Canada đang tìm kiếm mối quan hệ tình cảm.

Theo dữ liệu mới nhất của trung tâm này, có tới 1.928 báo cáo về các vụ lừa đảo tình cảm và lừa tiền với tổng thiệt hại hơn 64,5 triệu CAD (48,25 triệu USD) trong năm 2021, tăng gần 25% so với năm trước.

Phó Giáo sư khoa học máy tính Jeff Clune tại Đại học British Columbia cảnh báo giọng nói mà bạn nghe thấy ở đầu bên kia cuộc gọi điện thoại có thể không phải là người mà bạn nghĩ, người mà bạn đang nhắn tin thực sự có thể là bot - các ứng dụng phần mềm tự động hóa trên mạng - và khuôn mặt trong ảnh hoặc video trên ứng dụng hẹn hò yêu thích của bạn thậm chí có thể không tồn tại.

Các đối tượng xấu hiện có nhiều công cụ hơn để thực hiện các hành vi lừa đảo, đặc biệt là lừa những người không rành về công nghệ mới như trình mô phỏng giọng nói; máy tạo khuôn mặt; công cụ xử lý ngôn ngữ do AI điều khiển như ChatGPT...

Phó Giáo sư Jeff Clune nhấn mạnh vẫn có đối tượng "giật dây" các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ AI, nhưng điều này có thể sớm thay đổi.

Trong khi đó, Phó Giáo sư Suzie Dunn thuộc Đại học Dalhousie nhận định rằng luật pháp hiện hành không theo kịp công nghệ, do đó tồn tại “những lỗ hổng lớn” trong khung pháp lý. Có những thách thức lớn do luật mạo danh theo Bộ luật Hình sự của Canada chưa tính tới sự phát triển vượt trội của công nghệ.

Theo luật này, nếu một người đang sử dụng hình ảnh hay tên của ai đó, thì đó có thể được coi là một hình thức mạo danh.

Tuy nhiên, các ứng dụng, nền tảng dựa trên công nghệ AI mới có thể tạo ra một đối tượng ảo, không tồn tại trên thực tế.

Theo Phó Giáo sư Dunn, các tập đoàn, bao gồm các nhà phát triển AI, các nền tảng hẹn hò và truyền thông xã hội, cần nhận thức được những tác hại tiềm tàng của công nghệ và phải khẩn trương áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục