Canh cánh nỗi lo con trẻ bị 'đầu độc,' phơi bày mặt trái mạng xã hội

Vụ việc Youtuber Thơ Nguyễn bị chỉ trích vì chia sẻ những nội dung không lành mạnh một lần nữa cho thấy người lớn cần phải hành động để bảo vệ môi trường mạng thực sự "trong lành" cho trẻ em.
Giao diện kênh YouTube Thơ Nguyễn có vẻ an toàn với trẻ em, nhưng bên trong thì nhiều nội dung vô bổ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Giao diện kênh YouTube Thơ Nguyễn có vẻ an toàn với trẻ em, nhưng bên trong thì nhiều nội dung vô bổ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Vụ việc tài khoản YouTube Thơ Nguyễn tung những clip "cầu búp bê để học giỏi" đã khiến các bậc phụ huynh bức xúc, lên án mạnh mẽ, vì cho rằng những clip như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực, làm trẻ nhỏ có những suy nghĩ lệch lạc.

Đoạn clip của Thơ Nguyễn đăng tải trên nền tảng TikTok từ ngày 27/2 đến chiều ngày 10/3 đã có khoảng 5 triệu lượt xem. Điều đáng nói là YouTuber này đã nhiều lần bị chỉ trích và "tẩy chay" khi đăng tải những nội dung bị đánh giá phản cảm, không phù hợp với trẻ em lên trên mạng xã hội.

Thông tin xấu độc lan tràn

Lướt những dòng tin trên điện thoại, chị Nguyễn Hà Thủy (Hà Nội) giật mình khi thấy thông tin YouTuber Thơ Nguyễn tung clip “xin vía búp bê để học giỏi.” Hai con gái của chị Thủy thường xuyên theo dõi kênh YouTube này.

Với lời giới thiệu là kênh giải trí dành cho các bạn nhỏ, có nội dung chính về đồ chơi, hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản, làm đồ chơi handmade,… kênh YouTube Thơ Nguyễn có giao diện vui nhộn và có vẻ an toàn với trẻ em.

Chị Thủy đồng ý cho hai con gái 5 tuổi và 10 tuổi của mình theo dõi kênh này khoảng một năm trở lại đây. Trong khi chờ cơm tối và trước giờ đi ngủ, chị cho con xem điện thoại trong khoảng nửa tiếng. Vào ngày nghỉ thì các cháu được xem nhiều hơn...

“Tôi có lướt qua màn hình lúc các con đang xem thì thấy Thơ Nguyễn có bày một số trò chơi. Thú thực tôi không thích chất giọng hơi chói tai của bạn ấy trong các clip nhưng vì các con thích xem nên tôi cũng không ngăn cấm,” chị Thủy nói.

Canh cánh nỗi lo con trẻ bị 'đầu độc,' phơi bày mặt trái mạng xã hội ảnh 1Đã đến lúc phụ huynh cần nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong việc quản lý và giáo dục con cái. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đến khi đọc tin trên báo, chị Thủy mới hay rằng YouTuber nổi tiếng này đã tung những đoạn clip ghi lại cảnh nói chuyện với búp bê để xin vía học giỏi cho các em học sinh.

[Bài học từ Thơ Nguyễn và lời cảnh tỉnh cho các Youtuber thích câu view]

Ngay lập tức chị tìm hiểu về kênh YouTube có hơn 8,7 triệu người theo dõi này và biết rằng ngoài những clip giải trí thì cũng có những nội dung phản cảm, nhảm nhí thậm chí gây nguy hiểm như “thử nghiệm đun nóng lon nước ngọt,” tắm trong bồn đầy thạch jelly,” “ăn mỳ tôm từ bộ đồ chơi đường trượt nước” hay “cho đá khô vào chai nước kín.”

“Tôi vô cùng lo lắng khi con mình xem những nội dung nhảm nhí như vậy, chả trách sao nhiều trẻ nghịch dại, bày những trò chơi gây nguy hiểm cho bản thân. Tiếc rằng khi truyền thông cảnh báo thì tôi mới biết. Những hình ảnh đó đã in sâu vào trí óc non nớt của các con mất rồi,” chị ân hận nói.

Canh cánh nỗi lo con trẻ bị 'đầu độc,' phơi bày mặt trái mạng xã hội ảnh 2Hình ảnh Thơ Nguyễn lên sóng cùng búp bê của mình trong clip gần đây. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không phải đến bây giờ chúng ta mới nghe thấy hồi chuông cảnh báo về những thông tin độc hại lan tràn trên mạng xã hội.

Những năm gần đây, hàng loạt các kênh YouTube khác như Tam Mao TV, Hưng Vlog, Bà Tân Vlog hay các giang hồ mạng như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dũng Trọc... cũng tạo ra những video nhảm nhí, thậm chí độc hại nhằm mục đích câu like, câu view, kiếm tiền từ quảng cáo. Cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành xử phạt, gỡ bỏ nhiều nội dung phản cảm như “nấu cháo gà nguyên lông,” “xẻ thịt chim quý hiếm”…

Không chỉ tuyên truyền nội dung vô bổ, những cá nhân này còn gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên bởi những ngôn từ tục tĩu.

Tại kênh YouTube có tên Toy Planet, hai YouTuber có biệt danh là “anh tóc xanh” và “anh bốn mắt” thường hóa thân thành nhân vật trong các tình huống mà thường ngày trẻ gặp phải khi đi học hay ở nhà.

Loạt clip kênh này đăng tải có nhiều video chứa nhan đề khiến trẻ tò mò và bắt chước làm theo như “Ăn xương rồng trừng trị sao đỏ Xanh lanh chanh,” “Ăn Ipad trong lớp troll Xanh lanh chanh xấu tính,” “Làm giả bột giặt từ sữa bột,” "Uống nước rửa bát”, “Ăn xà bông, uống sữa tắm”…

Theo đó, hai YouTuber này đã hướng dẫn làm giả xà bông và sữa tắm bằng sữa và chocolate trắng. Sau đó, một người ăn xà bông và sữa tắm (được làm từ sữa và chocolate) trước mặt bạn mình, rồi lừa người kia ăn xà bông và sữa tắm thật.

Nhiều người xem giận dữ chỉ trích kênh này vì họ cho rằng những video trên rất dễ khiến trẻ nhỏ học và làm theo, gây nguy hiểm. Trước những ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng, hai nhân vật chính của kênh đã đăng tải một clip xin lỗi và giải thích rằng các video đều hướng đến các bạn nhỏ trên 13 tuổi.  

Tuy nhiên, lời giải thích này không thuyết phục được dư luận bởi trẻ nhỏ vẫn có thể truy cập vào những nội dung này khi xem cùng anh chị, hơn nữa tuổi 13 vẫn là lứa tuổi “nghịch dại,” sẽ bắt chước theo những hình ảnh trong video để trêu chọc bạn bè.

Có đủ trò nghịch dại khác mà các YouTuber nghĩ ra để câu view. Chẳng hạn YouTuber Nguyễn Thành Nam từng đăng clip thả gần 100 con dao từ trên cao xuống dưới khiến người xem rợn tóc gáy. Những trò độc, quái dị khác như thử dùng móc áo treo cổ, thử thách thắt cổ mà vẫn thở... nằm trong muôn vàn nội dung xấu, độc khác trên mạng xã hội.

Nhiều nội dung có xuất xứ từ nước ngoài cũng khiến những nhân vật hoạt hình bị biến dạng theo hướng tiêu cực.

Heo Peppa (Peppa Pig) là một trong những nhân vật hoạt hình rất phổ biến, nhưng ngoài những bộ phim chính thức do Công ty Canada Entertainment One Ltd., nhà phân phối phim điện ảnh và truyền hình làm ra thì trên mạng xã hội, đặc biệt là trên YouTube còn có hàng triệu phiên bản video “chế” mang tên nhân vật hoạt hình này. Trong đó có cả những video Heo Peppa chứa nội dung kinh dị, bạo lực. Đáng lo ngại là những video chế cũng thu hút lượt xem không kém các video chính thống khi đạt tới hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt xem.

Tương tự, trên các kênh này cũng xuất hiện nhan nhản những nhân vật hoạt hình nổi tiếng đã bị bóp méo, biến dạng như hình ảnh công chúa Elsa mang bầu, mặc đồ bikini, hôn Spiderman..., thu hút lượt xem rất cao.

Các video nhảm, nội dung “xấu xí” xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội trong khi việc tiếp cận các video này với trẻ em là rất dễ dàng khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng.

Mối nguy hại có thật bắt nguồn từ những trò vui ảo

Trở lại vụ việc của YouTuber Thơ Nguyễn, đa số các bậc phụ huynh đều lo lắng và cho rằng nội dung này có thể gây ảnh hưởng, làm lệch lạc suy nghĩ của trẻ nhỏ liên quan đến vấn đề mê tín dị đoan.

Chủ nhân của tài khoản này tên thật là Nguyễn Thị Hồng Thơ, sinh năm 1992, hiện cư trú tại Bình Dương. Ngày 27/6/2016, kênh YouTube này chính thức đăng tải video đầu tiên. Tại thời điểm đó, video này nhận được hơn 1,5 triệu lượt xem và hơn 21 nghìn lượt thích...

Trước thông tin video nhảm nhí của người này gây bức xúc vừa qua, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết đang phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) thuộc Bộ Công An để xử lý YouTuber này đồng thời yêu cầu gỡ bỏ những thông tin trên.

Canh cánh nỗi lo con trẻ bị 'đầu độc,' phơi bày mặt trái mạng xã hội ảnh 3Không chỉ đưa thông tin "xin vía búp bê để học giỏi," Thơ Nguyễn còn "dạy trẻ em nghịch dại" bằng cách tắm trong bồn thạch jelly. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Rõ ràng, sự phát triển của mạng xã hội tạo cơ hội cho nhiều người trở thành các nhà truyền thông tự phát. Họ thực hiện các clip, tạo các trang Fanpage có nhiều người xem để mời gọi quảng cáo và kiếm tiền từ đó.

Thế nhưng, cũng chính vì thế mà không gian mạng trở thành cái chợ hỗn loạn, đòi hỏi người sử dụng phải có nhận thức, có trình độ và bộ lọc tốt, để tiếp thu những nội dung có ích và tẩy chay những thông tin độc hại. Tuy nhiên trẻ em, trẻ vị thành niên có tâm lý tò mò, hiếu động, dễ chạy theo trào lưu, là nhóm khán giả có nguy cơ cao tiếp nhận thông tin mà chưa có nhận thức đúng đắn. Các em dễ bị tác động, học theo và có những suy nghĩ lệch lạc.

Thực tế đã có nhiều vụ việc đau lòng bắt nguồn từ những gì trẻ em học được trong thế giới ảo. Năm 2020, một học sinh cuối cấp 2 ở Hải Dương bị đa chấn thương sau khi tự chế thuốc nổ do học theo video trên Youtube. Một bé 5 tuổi tử vong do học theo trò thắt cổ trên mạng. Trò nghịch dại này còn khiến một bé 7 tuổi khác suýt chết, may mắn được gia đình phát hiện.

Không khó để tìm những clip hướng dẫn làm thuốc nổ, thuốc súng, thuốc mê… trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa trên thanh tìm kiếm là người dùng sẽ nhận được hàng nghìn kết quả liên quan.

Tháng 1/2020, bệnh nhân N.H.Đ.D (15 tuổi, ở Hải Dương) đã phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương do chế thuốc nổ làm pháo. Người nhà của bệnh nhân D cho hay em đã xem cách chế thuốc nổ trên YouTube sau đó lên mạng tìm mua thuốc nổ, lưu huỳnh về làm theo. Quá trình nghiền thuốc bị phát nổ bất ngờ, D bị chấn thương nghiêm trọng.

Tháng 10/2020, bé gái tên là V.T.D (5 tuổi) bị tử vong cũng khiến dư luận bàng hoàng. Vào thời điểm xảy ra sự việc, D vừa xem xong một video hướng dẫn trò thắt cổ trên mạng. Tò mò, D đã lấy chiếc khăn voan có sẵn trong nhà làm theo. Khi được người nhà phát hiện, bé D đã ở trong tình trạng mặt mũi tím tái, không còn hơi thở và không qua khỏi.

Trước đó, vào tháng 11/2019, bé trai Đ.T.K (7 tuổi, ở Thành phố Hồ Chí Minh) cũng làm theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube. Gia đình phát hiện bé treo cổ bằng chính chiếc khăn quàng đỏ, người tím ngắt, ngất lịm. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên K đã may mắn giữ được tính mạng.

Khi được hỏi lý do, bé K cho biết, em đã nhiều lần xem trò chơi “chết đi sống lại” trên YouTube. Trong video đó, nhân vật hướng dẫn cách thắt cổ nhưng vẫn thở được mà không chết nên bé đã làm theo.

Canh cánh nỗi lo con trẻ bị 'đầu độc,' phơi bày mặt trái mạng xã hội ảnh 4Dễ dàng tìm thấy thông tin về cách tự chế tạo thuốc nổ trên YouTube. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, cho rằng lợi ích kinh tế là một yếu tố quan trọng chi phối hành vi sản xuất thông tin trên mạng xã hội.

“Nhu cầu kiếm tiền đã khiến chủ các tài khoản mạng xã hội đăng tải những thông tin không lành mạnh nhưng lại kích thích sự tò mò. Khi nhiều người quan tâm, lượng truy cập lớn, họ sẽ thu được tiền quảng cáo. Không chỉ Thơ Nguyễn mà rất nhiều trang tương tự chính là biểu hiện của việc chạy theo lợi ích kinh tế để tạo ra các nội dung phản cảm,” ông nói.

Ông đặt ra vấn đề rằng cần có những chế tài mạnh để quản lý nội dung trên không gian mạng. Quan trọng hơn là tìm ra những giải pháp ngăn chặn từ gốc rễ. Điều này có nghĩa là các chủ kênh mạng xã hội cần có cam kết về nội dung để nâng cao trách nhiệm với xã hội đồng thời các bậc phụ huynh cũng phải nhìn nhận lại vai trò của mình trong quản lý và giáo dục con cái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục