Cảnh giác với thực phẩm 'cộp mác healthy’ bày bán trên mạng xã hội

Đánh vào tâm lý "đầu tư cho sức khỏe" của người tiêu dùng, nhiều cơ sở kinh doanh sẵn sàng "phù phép" những sản phẩm không rõ nguồn gốc thành thực phẩm "healthy" nhằm trục lợi.
Cảnh giác với thực phẩm 'cộp mác healthy’ bày bán trên mạng xã hội ảnh 1Những sản phẩm 'healthy' giả mạo dễ dàng được hô biến từ thực phẩm thường và bán với mức giá gấp nhiều lần. (Ảnh: Facebook)

Hướng đến mục tiêu sở hữu một cơ thể khỏe mạnh là nhu cầu của rất nhiều người tiêu dùng. Bởi vậy, việc tìm kiếm các sản phẩm, thực phẩm lành mạnh (healthy) dần trở thành xu hướng mua sắm mới trong những năm gần đây.

Đặc biệt, hiện nay một số người tiêu dùng sẵn sàng chi rất nhiều tiền để mua các sản phẩm được "cộp mác" là đồ ăn sạch và healthy. Tuy nhiên, lợi dụng lòng tin của khách hàng, một số đơn vị kinh doanh có hành vi trục lợi, bán các sản phẩm với mác "không đường" nhưng thực chất là "có đường" gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.

Nguồn gốc "mập mờ"

Những ngày vừa qua, mạng xã hội xôn xao về vụ việc một khách hàng sau khi mua và sử dụng sản phẩm của tiệm bánh được quảng cáo là "không đường" bỗng có cảm giác... thèm ăn và tăng cân. Sau khi đăng tải phản hồi, thực khách nhận được thông tin cho biết cơ sở làm bánh được nhắc đến đã mua các sản phẩm bánh "có đường" rồi về "cộp mác" không đường để bán ra thị trường nhằm trục lợi.

[Infographics] Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum]

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều những ví dụ tiêu biểu về nguồn gốc xuất xứ "mập mờ" của các sản phẩm được gắn nhãn healthy đang xuất hiện trên thị trường. Tìm kiếm từ khóa "đồ ăn healthy" trên các mạng xã hội hoặc trang web bán hàng online, người tiêu dùng dễ dàng liệt kê được vô vàn những món ăn được "cộp mác" lành mạnh với cam kết 100% nguyên liệu sạch.

Bắt đầu theo đuổi chế độ "eatclean" (chế độ ăn những thực phẩm tươi, lành và sạch) từ giai đoạn đại dịch COVID-19, chị Bùi Tuyết Trinh, người dân quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết bản thân thường xuyên mua những sản phẩm tráng miệng "healthy" như bánh mì nguyên cám hoặc các loại nước ép, sinh tố trái cây được bán tại các cửa hàng. Tuy nhiên theo chia sẻ của chị Trinh, hầu hết những sản phẩm "healthy" tại các cửa hàng đều có bao bì khá đơn giản, chỉ ghi tên nguyên liệu mà không có định lượng cụ thể từng thành phần. Do được "cộp mác" thực phẩm sạch, lại là khách hàng thân thiết nên chị Trinh cũng như nhiều người tiêu dùng không có nhu cầu tìm hiểu kỹ về vấn đề này.

Cảnh giác với thực phẩm 'cộp mác healthy’ bày bán trên mạng xã hội ảnh 2Những sản phẩm 'healthy' tự chế biến thường 'mập mờ' trong nguyên liệu và quy trình sản xuất. (Ảnh: Facebook)

Liên hệ với chị Đắc Ly, chủ một cửa hàng bánh ngọt handmade tại Phố Vọng (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết hiện nay, hầu hết các loại thực phẩm handmade "sạch" được tự chế biến bởi các đơn vị kinh doanh cá nhân. Những cơ sở này tận dụng hình thức kinh doanh "online" để quảng cáo sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm.

"Những nguyên liệu tươi sạch, không chất phụ gia-phẩm màu độc hại, cùng quy trình chế biến thủ công trong các hình ảnh, video quảng cáo dễ dàng tạo cho người mua sự an tâm về chất lượng, an toàn thực phẩm. Không cần cửa hàng hoặc showroom, người tiêu dùng có thể lựa chọn các sản phẩm được 'bày' sẵn trên mạng. Tuy nhiên sau những hình ảnh quảng cáo, chất lượng của các sản phẩm có được bảo đảm hay không thì người tiêu dùng không thể trực tiếp kiểm định được," chị Ly cho biết.

Tỉnh táo để trở thành người tiêu dùng thông thái

Trên thực tế, niềm tin của một bộ phận người tiêu dùng vào nhóm sản phẩm được giới thiệu từ những cơ sở thân quen khiến các sản phẩm "giả mạo" có cơ hội len lỏi vào thị trường tiêu dùng.

Trao đổi với phóng viên, bác sỹ Bùi Anh Thông, Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết hiện nay, một số cơ sở kinh doanh đã đánh vào tâm lý "đầu tư cho sức khỏe" của một bộ phận người tiêu dùng nhằm bán các thực phẩm giả với giá cao.

"Với tiêu chí 'phòng bệnh hơn chữa bệnh,' một số người tiêu dùng sẵn sàng chi những số tiền lớn cho các sản phẩm được quảng cáo là lành tính và tốt cho sức khỏe, nhưng lại 'tiết kiệm' thời gian để tìm hiểu kỹ về nguồn gốc xuất xứ của các loại thực phẩm. Nếu không phải hàng chính hãng, rõ nguồn gốc, việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng," bác sỹ Thông cho biết.

Cảnh giác với thực phẩm 'cộp mác healthy’ bày bán trên mạng xã hội ảnh 3Người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm tại các đơn vị kinh doanh lớn thay vì những cơ sở 'trôi nổi' trên mạng xã hội. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Chia sẻ về tầm quan trọng khi lựa chọn thực phẩm, Giáo sư Lê Danh Tuyên, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: người tiêu dùng chỉ nên tin tưởng sản phẩm từ những thương hiệu có uy tín, đã được chứng nhận kiểm định của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y Tế nhằm tránh nguy cơ ngộ độc và những rủi ro cho cơ thể.

"Các hệ thống siêu thị lớn là nơi quy tụ của những thương hiệu uy tín hàng đầu, các sản phẩm được kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định của Bộ Y tế, do đó người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh lớn," giáo sư Tuyên nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục