Chàng trai khuyết tật lan tỏa đam mê sống “xanh” từ rác thải

Sinh ra vốn thiệt thòi hơn mọi người do bị liệt nửa người nhưng anh Đinh Đồng Giang không vì vậy mà chấp nhận số phận mà anh luôn cố gắng sống “tốt” trở thành người có ích cho xã hội.
Chàng trai khuyết tật lan tỏa đam mê sống “xanh” từ rác thải ảnh 1Anh Giang sáng tạo tranh bằng những vật liệu bỏ đi. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Với sự khéo léo cùng niềm đam mê biến những đồ bỏ đi thành các sản phẩm hữu dụng, chàng trai khuyết tật Đinh Đồng Giang (sinh năm 1992, thôn Tử Nê, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) luôn mong muốn gửi gắm đến tất cả mọi người thông điệp “tái chế rác không chỉ mang lại lợi ích thiết thực mà còn giúp cho môi trường sống của chúng ta thêm xanh hơn.”

Anh chính là động lực, người truyền cảm hứng cho mọi người về nghị lực sống và khát vọng bảo vệ môi trường.

Vượt qua số phận

Sinh ra vốn thiệt thòi hơn mọi người do bị liệt nửa người nhưng anh Đinh Đồng Giang không vì vậy mà chấp nhận số phận. Anh luôn cố gắng sống “tốt” trở thành người có ích cho xã hội.

Gặp anh Giang trong ngôi nhà nhỏ, cũ kỹ nhưng mọi thứ đều được sắp xếp ngăn nắp bởi tất cả những đồ “thừa” đều được anh tận dụng tái chế. Chính niềm lạc quan của anh đã tạo động lực cho mọi người vươn lên trong cuộc sống.

Với dáng người nhỏ nhắn, bước đi không vững và cánh tay teo lại do bị liệt từ nhỏ, anh vẫn cố gắng hàng ngày để sáng tác, tạo ra những đồ vật có ích từ những vật dụng bỏ đi.

Nhớ về những ký ức thuở ấu thơ, anh Giang tâm sự, từ khi sinh ra, anh đã không may mắn bị liệt nửa người bên trái gồm cả chân và tay. Mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ bố mẹ hỗ trợ.

[Tôn vinh những hạt nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước]

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đã đưa anh đi chạy chữa khắp nơi nhưng không hiệu quả. Ao ước được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng những trận ốm kéo dài đã đẩy ước mơ đó của anh xa dần. Anh chỉ học hết lớp 1 rồi nghỉ ở nhà.

Năm 10 tuổi, khi sức khỏe ổn định hơn, anh Giang được gia đình cho đi học ở Trung tâm Vì ngày mai tươi sáng tại Hà Nội. Ở đây, anh gặp nhiều người có hoàn cảnh giống mình, thậm chí còn bất hạnh hơn nhưng vẫn không bỏ cuộc để vươn lên trong cuộc sống, từ đó đã thay đổi toàn bộ suy nghĩ và cuộc sống của anh.

“Tôi đã từng chứng kiến một bạn mất đi đôi tay nhưng vẫn cố gắng hoàn thiện từng nét chữ bằng đôi chân hay người khiếm thị nhưng vẫn có thể làm được nhiều việc. Từ đó hàng ngày, tôi tập đọc, tập viết, lấy sách báo đánh vần đọc từng từ, rồi viết ra giấy cho quen mặt chữ. Cứ như vậy, sau một năm, tôi có thể đọc sách thành thạo để tìm hiểu kiến thức, cuộc sống ở bên ngoài,” anh Giang tâm sự.

Năm 2012, anh Giang được bố mẹ đưa đi phẫu thuật ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). May mắn, sau đó anh có thể tự đi lại chậm rãi trên đôi chân của mình. Tuy nhiên, sức khỏe yếu và bàn tay trái gần như không cử động được, anh không thể học nghề hay làm những việc nặng.

Nhìn thấy hàng ngày xung quanh có nhiều đồ thừa, phế liệu, rác … bỏ ra ngoài môi trường, anh Giang đã có ý tưởng chế tạo chúng thành đồ có ích. Qua đó, anh cảm thấy cuộc sống tươi đẹp, có ý nghĩa.

Năm 2019, anh bắt đầu làm những sản phẩm đầu tiên bằng việc nhặt những chiếc lông gà rồi làm sạch, phơi khô; sau đó ghép, xếp thành một bức tranh chân dung.

Tiếp theo, anh nhặt những lắp vỏ chai nước khoáng rồi lắp ghép thành những hình robot, người máy, hay những cuộn dây thép bỏ đi biến thành những chiếc xe ngộ nghĩnh…

Anh Giang cho biết, để làm được sản phẩm, anh phác họa bức tranh trên giấy rồi cắt, dán, uốn, nắn, sắp xếp các nguyên vật liệu tạo thành bức tranh hoàn chỉnh.

Đối với những người bình thường, tạo ra tác phẩm nghệ thuật đã khó nhưng với anh -  một người gần như bị liệt hoàn toàn tay trái càng khó khăn hơn. Những lúc đó, bằng niềm đam mê, ý chí, nghị lực cuộc sống, anh chậm rãi thao tác từng chi tiết đơn giản để hoàn thiện sản phẩm của mình.

Truyền tải “thông điệp xanh”

Những sản phẩm từ vật liệu tái chế sau khi hoàn thiện đều được anh Giang đăng lên mạng xã hội Facebook, Zalo để quảng bá. Anh cho biết, ban đầu, anh chỉ đăng lên với mục đích gửi gắm đến tất cả mọi người cần chủ động phân loại rác thải tại nguồn và tự mình tái chế ra những sản phẩm hữu ích.

Chàng trai khuyết tật lan tỏa đam mê sống “xanh” từ rác thải ảnh 2Bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng ghép chữ thư pháp làm chất liệu lông gà của anh Đinh Đồng Giang. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Sau đó thấy nhiều người hỏi mua, anh đã bán và tặng sản phẩm do mình làm ra để vừa có thể làm đẹp cho đời, vừa tạo nên sản phẩm hữu ích. Từ đó, anh có thêm động lực tiếp tục sáng tạo những sản phẩm độc đáo khác.

Vừa quan sát, vừa học hỏi, anh đã tìm tòi, thu gom tất cả các loại phế liệu bỏ đi như giấy, bìa carton, lông gà, dây đồng, ống nhựa, hòn sỏi, đá, ống nước vụn… để tiếp tục sáng tạo những sản phẩm mình muốn.

Sản phẩm anh Giang tâm huyết nhất là bức tranh Bác Hồ bằng chữ thư pháp và 2 bức tranh Chúa Jesus và Cha bên Công giáo được làm từ lông gà. Để có thể hoàn thiện được những bức tranh này, anh đã tỉ mỉ phối màu hài hòa, đẹp mắt.

Do lông gà không có nhiều màu sắc, anh đã sắp xếp các màu sao cho bức tranh có hồn nhất. Khi hoàn thành đã có người hỏi mua những bức tranh này với giá cao nhưng anh Giang không bán mà giữ lại làm kỷ niệm.

Từ năm 2019 đến nay, anh Giang đã sáng tạo hàng trăm sản phẩm như: bức tranh, chiếc xe mô hình, con robot đồ chơi, chiếc cối xay gió, chong chóng, đồ lưu niệm… thu hút nhiều bạn nhỏ trong thôn cùng sáng tạo. 

Em Nguyễn Văn Nam, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài cho biết, hàng ngày, em vẫn thường sang xem anh Giang làm tranh. Thấy anh đam mê tái chế đồ cũ, em đã gom đồ cũ để cùng “sáng tạo” với anh.

Hành động nhỏ của anh đã giúp em có cái nhìn, cách sống trách nhiệm hơn với môi trường, bởi vậy em thường phân loại rác thải tại nguồn.

Với những đồ có thể tái chế, em thường gom lại tặng anh Giang hoặc tham gia hoạt động đổi rác lấy quà của địa phương, góp một phần sức nhỏ để bảo vệ môi trường.

Không chỉ truyền cảm hứng với các bạn nhỏ ở địa phương, thông qua nhóm “Nghiện sống xanh” trên mạng xã hội, anh Giang đã kết nối được với nhiều bạn trong và ngoài tỉnh có đam mê tái chế rác.

Anh đã thành lập một kênh YouTube để đăng tải những video, clip giới thiệu và chia sẻ cách tạo ra những sản phẩm hữu dụng từ rác thải nhằm giúp mọi người có thể làm theo và sáng tạo ra các sản phẩm khác nhau từ phế liệu.

Chia sẻ về ước mơ của mình, anh Giang mong muốn có thể kết nối với một đơn vị để tổ chức những buổi trưng bày các sản phẩm tái chế từ rác nhằm tiếp tục lan tỏa nghị lực, tinh thần sống “xanh,” góp phần bảo vệ môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục