Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương TP.HCM năm 2022

Khảo sát năng lực cạnh tranh cấp sở/ngành, địa phương (DDCI) đã được 53 tỉnh thành/thành trên cả nước triển khai từ nhiều năm nay nhưng đây là năm đầu tiên TP.HCM tổ chức khảo sát và công bố kết quả.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương TP.HCM năm 2022 ảnh 1Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Sáng 11/5, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị công bố kết quả năng lực cạnh tranh cấp sở/ngành, địa phương (DDCI) năm 2022 và triển khai các giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số nănglực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố năm 2023.

DDCI là bộ chỉ số tổng hợp sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ban ngành, địa phương.

Khảo sát DDCI đã được 53 tỉnh thành/thành phố trên cả nước triển khai từ nhiều năm nay nhưng đây là năm đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khảo sát và công bố kết quả.

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Công ty Viet Analystics, Trưởng nhóm Tư vấn về Chỉ số DDCI của Thành phố Hồ Chí Minh cho biết DDCI được xây dựng dựa trên các nguyên tắc: tuân thủ, gắn kết trách nhiệm, khả thi, chính xác, khoa học và minh bạch, có ý nghĩa, bảo mật.

Bộ chỉ số DDCI của Thành phố Hồ Chí Minh được kế thừa các chỉ số từ DDCI của các địa phương khác và cả chỉ số PCI như tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của sở, ban ngành; vai trò người đứng đầu nhưng nhưng có thêm chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương TP.HCM năm 2022 ảnh 2Kết quả xếp hạng năng lưc cạnh tranh khối sở, ban ngành TP Hồ Chí Minh năm 2022. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Theo kết quả khảo sát, về khối sở, ban ngành: Sở Khoa học và Công nghệ đứng thứ nhất với 84,2 điểm, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp xếp hạng nhì với 81,87 điểm. Sở Công Thương xếp hạng ba với 80,74 điểm.

Trong khi đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xếp cuối bảng với 51,75 điểm.

Đối với khối địa phương, quận Phú Nhuận xếp hạng nhất với 78,56 điểm. Xét các chỉ số thành phần, quận Phú Nhuận cũng là đơn vị dẫn đầu về tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian; các chỉ số về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của chính quyền địa phương; vai trò của người đứng đầu đều nằm trong top 10 toàn thành phố.

Sau Phú Nhuận là quận 11, quận 10, quận Tân Phú, quận 3 với các điểm số bám sát nhau đều trên 76 điểm. Thành phố Thủ Đức đứng cuối bảng với điểm số 49,69.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, công tác khảo sát đảm bảo tính khoa học từ công tác chọn mẫu, tổng hợp, thống kê, một số nhóm chỉ số hoặc đơn vị không mang tính đại diện không được đưa vào xếp hạng nhưng vẫn có giá trị tham khảo.

Kết quả đánh giá DDCI sẽ giúp các cơ quan chính quyền thành phố nhận diện các nhóm vấn đề và nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới.

[Chỉ số PAPI của 5 thành phố trực thuộc Trung ương qua 5 năm]

Tại hội nghị, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã công bố các kế hoạch cải thiện Chỉ số PAR Index, PAPI và PCI của thành phố trong năm 2023.

Theo đó, để cải thiện chỉ số PARIndex, PAPI, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai hàng loạt giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân...

Đối với chỉ số PCI, thành phố sẽ chấn chỉnh những tồn tại, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh chuyển đổi số, tăng thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương TP.HCM năm 2022 ảnh 3Kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh khối địa phương (quận/huyện, thành phố Thủ Đức) TP Hồ Chí Minh năm 2022. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh cải thiện các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hay cấp sở, ngành, địa phương đều là mệnh lệnh chứ không phải chỉ nói suông.

Thành phố Hồ Chí Minh có đặc thù riêng với quy mô kinh tế, số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước và đi sau trong việc đánh giá chỉ số DDCI nên phải vừa làm vừa hoàn thiện các chỉ số cho phù hợp với thực tế.

Kết quả khảo sát DDCI lần đầu tiên sẽ là cơ sở để các sở, ban ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức nhìn nhận thế mạnh, hạn chế của mình, từ đó có giải pháp cụ thể để cải thiện trong những năm tiếp theo.

Đối với các chỉ số cấp tỉnh như PAPI, PAR Index, PCI, ông Phan Văn Mãi đề nghị từng sở ngành, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức khẩn trương, nghiêm túc xây dựng kế hoạch cải thiện các chỉ số; báo cáo ngay các vấn đề phát sinh cho Ủy ban Nhân dân thành phố trong tháng 5/2023; kết quả cải thiện các chỉ số sẽ là cơ sở đánh giá hoạt động năm của sở, ban ngành và địa phương.

Để đạt được hiệu quả cao nhất, nhanh nhất, các sở, ngành, địa phương phải quyết liệt hành động ngay sau hội nghị; quán triệt nhiệm vụ đến từng công chức, viên chức; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp.

“Từng sở, ban ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức phải hoàn thiện thể chế cấp cơ sở thông qua xây dựng các quy trình, hướng dẫn thực hiện, hướng đến minh bạch thông tin, minh bạch trách nhiệm, giải trình. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của các đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp trong việc phối hợp thực hiện khảo sát, đề xuất, kiến nghị giải pháp cải thiện môi trường đầu tư,năng lực cạnh tranh của thành phố," ông Phan Văn Mãi yêu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục