Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống

“Nghệ thuật sân khấu truyền thống hai nước Việt Nam-Trung Quốc, kế thừa và phát triển” là chủ đề hội thảo quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tìm giải pháp phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống ảnh 1Đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm Hình ảnh nghệ sỹ Mai Lan Phương - Trung Quốc. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

“Nghệ thuật sân khấu truyền thống hai nước Việt Nam-Trung Quốc, kế thừa và phát triển” là chủ đề hội thảo quốc tế diễn ra ngày 11/12 tại Hà Nội do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, nhấn mạnh đây là hoạt động góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa các nghệ sỹ sân khấu hai nước Việt Nam-Trung Quốc, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về kế thừa, phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống trong thời kỳ mới.

Hội thảo còn là hoạt động thiết thực để thực hiện Nghị quyết của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...”

[Quản lý văn hóa, nghệ thuật: Cần các cơ chế thông thoáng và hiệu quả]

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình giao lưu nghệ thuật sân khấu truyền thống hai nước Việt Nam-Trung Quốc, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tìm giải pháp phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống, phát huy vai trò cầu nối sân khấu truyền thống của hai dân tộc trong việc lan tỏa những giá trị tích cực, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.

Các đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến sân khấu truyền thống hai nước. Trong đó có dấu ấn sân khấu Việt Nam trong hội nhập, giao lưu với sân khấu Trung Quốc; đánh giá thực trạng sân khấu truyền thống trong giai đoạn hiện nay; hoạt động chuyên sâu của các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống; cơ chế, chính sách đặc thù đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống; xây dựng, đào tạo đội ngũ kế cận; giải pháp nâng cao chất lượng nghệ thuật; quảng bá nghệ thuật sân khấu truyền thống trong thời kỳ hội nhập; tăng cường giao lưu, hội nhập trong thời kỳ đổi mới.

Nhìn lại chặng đường đã qua của sân khấu Việt Nam, nhà viết kịch Lê Quý Hiền cho rằng sân khấu Việt Nam phát triển luôn có sự kế thừa, phát triển của nghệ thuật truyền thống, tiếp thu tinh hoa sân khấu hiện đại. Các hình thức ca kịch dân tộc như chèo, tuồng, cải lương, dân ca kịch kể cả múa rối, xiếc... vẫn giữ được truyền thống cũ, không rập khuôn nguyên mẫu mà luôn tiếp thu kinh nghiệm, tinh hoa của sân khấu thế giới để cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao... Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng những người làm sân khấu Việt Nam luôn tự tin, tự hào về nền nghệ thuật sân khấu nước nhà. Đó là nền sân khấu tồn tại và phát triển từ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cũng như sự lạc quan, yêu đời vốn là bản chất người Việt từ ngàn đời nay.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống ảnh 2Các đại biểu tham quan triển lãm Hình ảnh nghệ sỹ Mai Lan Phương - Trung Quốc. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Giáo sư Diên Bảo Toàn, Viện trưởng Viện kịch và điện ảnh truyền hình, Đại học Sư phạm Sơn Tây (Trung Quốc), chia sẻ nghệ thuật kịch truyền thống của Trung Quốc có lịch sử lâu đời, bắt nuồn từ loại hình ca vũ thời nguyên thủy, đến các điệu múa cúng tế, những điệu nhảy trừ tà ma rồi đến Bách Hý thời Hán, kịch tham quân thời Đường và cuối cùng là tạp kịch thời Kim, Tống.

Từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, cùng với tiến trình hiện đại hóa, quốc tế hóa, nghệ thuật truyền thống đã trở thành một biểu tượng văn hóa đặc sắc của người Trung Quốc. Trong vài chục năm trở lại đây, nghệ thuật kịch truyền thống bước vào giai đoạn gặp nhiều khó khăn, việc chấn hưng nghệ thuật kịch truyền thống, bảo tồn những di sản lịch sử đang được Đảng, Nhà nước Trung Quốc triển khai.

Nhà lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam, Phó Giáo sư Tất Thắng cho biết sân khấu Trung Quốc có số lượng kịch chủng nhiều nhất thế giới. Theo thống kê chưa đầy đủ của các nhà sân khấu Trung Quốc, sân khấu Hý kịch Trung Quốc có tới hơn 300 kịch chủng.

Ngoài Kinh kịch, người yêu sân khấu Trung Quốc còn biết thêm các kịch chủng như Bình kịch, Việt kịch, Xuyên kịch, Mai Hoa kịch, Côn kịch... Sân khấu kịch Việt Nam đã tiếp nhận một số phương diện của sân khấu Trung Quốc. Trước hết là sự tiếp nhận một số tư tưởng đạo đức Nho giáo gồm Khổng giáo và Lão giáo, đặc biệt là Khổng giáo với chữ “trung,” “hiếu,” “lễ,” “trí” mà cụ thể nhất là chữ “trung” trong “trung quân.”

Tiến sỹ Trần Thị Minh Thu đến từ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng trong lịch sử, sân khấu Việt Nam đã trải qua bốn lần tiếp xúc, giao lưu với sân khấu Trung Quốc. Trong quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa, sân khấu của Việt Nam vẫn giữ được đặc trưng của loại hình, đậm bản sắc dân tộc; những yếu tố ngoại sinh được “bản địa hóa” phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, đặc trưng của loại hình sân khấu nước nhà...

Giao lưu nghệ thuật sân khấu truyền thống hai nước Việt Nam-Trung Quốc diễn ra từ ngày 11-14/12, tại Hà Nội. Trong khuôn khổ chương trình còn có các hoạt động như Triển lãm hình ảnh nghệ sỹ Kinh kịch nổi tiếng của Trung Quốc là Mai Lan Phương; biểu diễn giao lưu sân khấu Việt Nam-Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục