Chiếu phim trên Internet: Tài khoản trẻ em cũng cần phân rõ độ tuổi

Sự phát triển của các ứng dụng xem phim trực tuyến có trả phí tại Việt Nam dự báo sẽ thu hút nhiều nhiều trẻ em hơn trong tương lai, đi kèm là yêu cầu có thêm tính năng hỗ trợ cha mẹ quản lý con cái.
Chiếu phim trên Internet: Tài khoản trẻ em cũng cần phân rõ độ tuổi ảnh 1Tính năng cài đặt độ tuổi, cài đặt mật khẩu khi thiết lập tài khoản xem phim trên HBO Max cho trẻ em. (Ảnh chụp màn hình)

Dự thảo mới nhất của Luật Điện ảnh (sửa đổi), được báo cáo trong phiên họp thứ chín của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa qua đã có nhiều thay đổi, tiếp thu góp ý từ các bên về nhiều nội dung. Đáng chú ý là các quy định đối với đơn vị, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.

Dự thảo quy định các đơn vị, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng (kho phim trực tuyến VOD, ứng dụng OTT) phải có phương án hỗ trợ cha mẹ, người giám hộ về mặt kỹ thuật nhằm đảm bảo tạo môi trường an toàn, phù hợp với người dùng là trẻ em.

Trong bối cảnh các ứng dụng chiếu phim trực tuyến ngày càng phát triển và hướng vào mở rộng thị trường cũng như khán giả, các bậc phụ huynh ngày càng có nhu cầu quản lý tài khoản xem phim trực tuyến của trẻ một cách chặt chẽ, sát sao hơn.

Cần phân loại độ tuổi tài khoản trẻ em

Chị Đặng Thu Trà (phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã đăng ký gói xem phim trên ứng dụng Netflix cho cả nhà hơn một năm nay. Để phù hợp với nhu cầu và “gu” phim riêng từng người, chị thiết lập bốn hồ sơ dành cho người dùng trưởng thành và một hồ sơ (profile) riêng cho hai con trai 10 tuổi và 5 tuổi.

Độ tuổi chị Trà thiết lập chung cho hồ sơ trẻ em này là 7+. Nếu muốn thay đổi mức tuổi này hoặc chuyển từ hồ sơ trẻ em sang hồ sơ người lớn thì phải nhập một mật mã (pin) do chị cài đặt từ đầu.

Chị Trà cho biết hồ sơ trẻ em này giúp chị quản lý các nội dung con xem dễ dàng hơn, tuy nhiên khi chị thử sử dụng một số ứng dụng chiếu phim trực tuyến của Việt Nam thì có ứng dụng có tính năng cài độ tuổi cụ thể như K+, FPT Play; còn kho phim thiếu nhi của truyền hình ClipTV, Galaxy Play... thì chưa có tính năng này.

Chiếu phim trên Internet: Tài khoản trẻ em cũng cần phân rõ độ tuổi ảnh 2Trẻ em ngày càng dễ tiếp cận các nội dung phim trực tuyến. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Tại Việt Nam, phần lớn các nền tảng ngày nay đều đã cho phép thiết lập hồ sơ riêng cho trẻ em hoặc có kho phim riêng cho trẻ, tuy nhiên, một số kho phim được cài đặt mặc định là chỉ dành cho trẻ dưới 13 tuổi và chưa có tính năng cài đặt tuổi cụ thể cho từng lứa tuổi trẻ em. Điều này có thể gây hạn chế khán giả là gia đình muốn lập tài khoản và quản lý linh động nội dung con tiếp cận.

Dự thảo mới của Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang đề xuất phim dành cho trẻ em (quy định của Việt Nam là người dưới 16 tuổi) gồm: mác P – Phổ biến tới người xem ở mọi lứa tuổi; mác K – phim dành cho trẻ dưới 13 tuổi, phải có cha mẹ, người giám hộ xem cùng; mác T13 – phim được phổ biến cho thanh thiếu niên từ đủ 13 tuổi trở lên.

[Ngăn chặn vi phạm trong việc phổ biến phim trên không gian mạng]

Nhà sản xuất phim Đỗ Quang Minh (Dofilm) cho rằng nên đưa tính năng này thành quy định, yêu cầu các ứng dụng chiếu phim trực tuyến tại Việt Nam đều cho phép phụ huynh, người giám hộ thiết lập cụ thể độ tuổi cho tài khoản trẻ em để có sự linh động khi trẻ dần trưởng thành.

“Tôi đề xuất có thêm chức năng phân định nhiều khung độ tuổi khác nhau. Vừa dễ quản lý con cái, vừa khiến con cái duy trì sự hứng thú do các con mỗi năm một lớn, hiểu biết hơn nên mình có thể chuyển sang khung nội dung phù hợp hơn,” ông Minh chia sẻ và cho biết sẵn sàng trả thêm tiền để sử dụng tính năng này.

Thêm tính năng giúp cha mẹ quản lý

Nhiều nền tảng chiếu phim trực tuyến quốc tế nổi tiếng như HBO Max, Netflix, Hulu... đều cho phép cha mẹ phân loại độ tuổi cụ thể cho con. Đơn cử như nền tảng HBO Max, ứng dụng cung cấp không chỉ phim điện ảnh mà còn cả các sê-ri truyền hình, cho phép các cha mẹ cài đặt lứa tuổi cụ thể riêng cho hai thể loại truyền hình và điện ảnh.

Những nền tảng như Amazon Prime Video còn cho phép các phụ huynh, người giám hộ chủ động thêm hoặc bỏ một số tựa phim trong kho phim có sẵn tương ứng với độ tuổi. Đối với tựa phim được gắn mác lớn tuổi hơn nhưng được phụ huynh đánh giá là phù hợp cũng có thể được thêm vào. Tương tự với việc bỏ một bộ phim cụ thể nào đó ra khỏi quyền tiếp cận của trẻ khi sử dụng những nền tảng như thế này.

Toàn bộ những thiết lập, thay đổi liên quan đến tài khoản trẻ em hoặc việc chuyển sang tài khoản người trưởng thành đều cần nhập mật khẩu do cha mẹ đặt.

Chiếu phim trên Internet: Tài khoản trẻ em cũng cần phân rõ độ tuổi ảnh 3Kho phim trực tuyến dành cho thiếu nhi của một nhà cung cấp tại Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Nhà sản xuất Đỗ Quang Minh đồng tình rằng nếu các ứng dụng tại Việt Nam nếu có tính năng này sẽ rất phù hợp trong việc tạo ra môi trường an toàn, hỗ trợ tốt cho sự can thiệp của cha mẹ trong quá trình quản lý con cái.

Song song với việc phát triển nội dung và giúp người làm phim biết rõ khuôn khổ sáng tạo, xác định nhóm khán giả của mình, tính năng phân loại độ tuổi được cho là sẽ góp phần tạo điều kiện phát triển tích cực cho thị trường chiếu phim trực tuyến có trả phí tại Việt Nam.

Đứng từ góc độ nghiên cứu xã hội, Phó giáo sư-Tiến sỹ Trần Thành Nam cho rằng cần có cả sự điều chỉnh, quản lý về thời gian tiếp cận những nội dung giải trí như thế này. Các thiết bị cần được cài đặt ứng dụng giúp giới hạn ngày, giờ, thời điểm xem phim của con cái.

Về xu hướng trẻ ngày ngày càng dễ tiếp cận các nội dung lớn hơn độ tuổi, Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam lý giải nguyên nhân nằm ở việc tuổi dậy thì của trẻ đã giảm so với trước đây; xã hội có nhiều yếu tố tác động tiêu cực; cha mẹ quản lý không nghiêm, cho phép con sử dụng những nền tảng mạng xã hội quá sớm, đặc biệt là trong bối cảnh trẻ phải ở nhà vì dịch COVID-19.

[Tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19]

Ông Trần Thành Nam nhận xét Luật Điện ảnh (sửa đổi) khi hoàn thiện cũng cần cân nhắc sự tác động của các luật khác, vừa có sự tham khảo từ quốc tế, vừa có sự phù hợp với đặc điểm văn hóa, thói quen tiêu dùng tại Việt Nam, đặc biệt là khi cha mẹ đang cho con tiếp cận mạng sớm hơn nhưng chưa trang bị đủ các kỹ năng tự bảo vệ.

“Chính sách cần phải chặt chẽ đối với các nền tảng kinh doanh này, bản thân các nhà cung cấp dịch vụ cũng phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng, còn cha mẹ thì phải nâng cao ý thức và trang bị kỹ năng an toàn trên mạng cho con cái, quản lý độ tuổi và thời gian nghiêm,” ông nói thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục