Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật

Ngày 12/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.
Ngày 12/8, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.

Theo đó, Chính phủ đã nghe, thảo luận về Báo cáo Tổng kết thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường; Báo cáo dự thảo ý kiến tham gia của Chính phủ về chương VII Chính phủ; Báo cáo đề xuất của Chính phủ về nội dung Chương IX Chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992...

Báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày cho thấy, thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường theo tinh thần nghị quyết Trung ương 5 khóa X của Đảng không phải là làm giảm hoặc mất đi chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường so với trước khi thực hiện thí điểm mà kết quả thực hiện thí điểm để có đủ luận cứ cho việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp trong Chiến lược cải cách hành chính nhà nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, qua hơn 4 năm thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường, tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương vẫn bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng và quan hệ công tác giữa các cơ quan; hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp và việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương thông suốt, hiệu lực, hiệu quả đồng thời, cùng với việc không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai hóa các thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giúp nhân dân tiếp cận nhanh hơn, gần hơn với chính quyền.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường tác động lớn đến tâm tư, nguyện vọng của những người đang công tác ở huyện, quận, phường; ảnh hưởng nhất định tới việc khẳng định vị trí của Hội đồng Nhân dân ở địa phương, gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của Hội đồng Nhân dân.

Tại phiên họp, các ý kiến phát biểu tập trung thảo luận các phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, trong đó nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm lựa chọn phương án không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường.

Theo đó mô hình tổ chức chính quyền địa phương thiết lập trên cơ sở phân định các đơn vị hành chính hiện nay, xác định chính quyền địa phương gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân sẽ được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, thị trấn. Ở huyện, quận, phường thành lập cơ quan hành chính, đại diện cho các cơ quan hành chính nhà nước cấp trên để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công ở địa phương.

Một số ý kiến đề nghị lựa chọn phương án này thì phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của cấp trên đối với cơ quan hành chính của cấp không tổ chức Hội đồng Nhân dân; khắc phục những bất cập trong phân bổ vốn đầu tư ở cấp huyện; tăng biên chế cho Hội đồng Nhân dân cấp trên nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao cũng như có cơ chế giám sát cụ thể của các tổ chức đoàn thể đối với cấp không tổ chức Hội đồng Nhân dân...

Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng thảo luận về vị trí, tính chất tổ chức và hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và cơ quan hành chính ở địa phương; việc đổi mới đồng bộ hệ thống chính trị trên địa bàn huyện, quận, phường khi không tổ chức Hội đồng Nhân dân.

Liên quan đến dự thảo Báo cáo dự thảo ý kiến tham gia của Chính phủ về chương VII Chính phủ trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, đóng góp ý kiến bổ sung một số quy định nhằm tạo cơ chế hiến định để Chính phủ có thể kiểm soát việc thực hiện quyền lập pháp và quyền tư pháp theo nguyên tắc đã được xác định tại Điều 2; đề xuất những vấn đề lớn liên quan đến thẩm quyền điều chỉnh địa giới hành chính, thẩm quyền hướng dẫn, giám sát và kiểm tra hoạt động của chính quyền địa phương, thẩm quyền đình chỉ việc thi hành và bãi bỏ văn bản của chính quyền địa phương, chế độ làm việc và chế độ trách nhiệm của thành viên Chính phủ (Điều 95 Dự thảo),...

Đề cập đến Báo cáo đề xuất của Chính phủ về nội dung Chương IX Chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các thành viên Chính phủ đã tập trung làm rõ một số nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến quy định chính quyền địa phương gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân; tổ chức chính quyền địa phương và việc phân định nhiệm vụ của Trung ương và nhiệm vụ của địa phương; các thức hình thành Ủy ban Nhân dân; quy định mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội;...

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh xác định mô hình chính quyền địa phương phụ thuộc rất lớn với việc lựa chọn triển khai tổ chức Hội đồng Nhân dân như thế nào. Các phương án, nhất là phương án không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường phải có đánh giá tổng kết các mặt từ thực tiễn và lấy ý kiến cấp ủy, Hội đồng Nhân dân và chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước trước khi Chính phủ biểu quyết lựa chọn để hoàn thiện Đề án.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, nhất là sự phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp....Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các vấn đề trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan đến Chương 7: Chính phủ và Chương 9: Chính quyền địa phương sẽ được tiến hành lấy ý kiến biểu quyết của từng thành viên Chính phủ.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận thảo luận các biện pháp tăng cường cơ chế kiểm soát tập trung việc ban hành thông tư và thông tư liên tịch, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích cá nhân, tổ chức và thảo luận về một số dự án Luật.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các Bộ, ngành khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần hết sức lưu ý đến chất lượng văn bản, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi đồng thời yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành đề cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp trong quá trình xây dựng văn bản, tiến hành quy trình thẩm định, thẩm tra các văn bản pháp luật một cách chặt chẽ và hiệu quả .

Ngày 13/8, Chính phủ tiếp tục thảo luận về các dự án Luật./.

Thiện Thuật (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục